Công dụng thuốc Albunorm 20%

Albunorm 20% thuộc nhóm thuốc tác dụng với máu, chế phẩm máu, dung dịch cao phân tử. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp giảm thể tích huyết tương, giảm Albumin huyết ở mức độ nặng. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Albunorm 20% sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.

1. Albunorm 20% là thuốc gì?

Albunorm 20% chứa thành phần chính là Albumin hàm lượng 20g và các tá dược khác vừa đủ do nhà sản xuất cung cấp. Thuốc được bào chế ở dạng dung dịch truyền, cách thức đóng gói hộp 1 chai với thể tích 50ml.

2. Albunorm 20%có công dụng gì?

Thuốc Albunorm 20% có chỉ định dùng trong trường hợp sau:

  • Giúp làm giảm thể tích huyết tương toàn phần cấp hoặc bán cấp trong một số trường hợp như bỏng, viêm tụy, chấn thương, phẫu thuật.
  • Giảm albumin huyết nặng kèm theo giảm thể tích huyết tương và phù toàn thân trong điều kiện phải hạn chế đưa nước, điện giải và không được làm tảng thể tích huyết tương.
  • Điều trị hỗ trợ làm tăng bilirubin – máu trong tình trạng bệnh lý tán huyết ở trẻ sơ sinh.
  • Điều trị bổ trợ trong hội chứng suy thở người lớn.
  • Giúp làm loãng máu trong tình trạng tắc tuần hoàn tim phổi.

Thuốc Albunorm 20% chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Người bệnh dị ứng với hoạt chất Albumin hoặc các thành phần tá dược khác có trong thuốc.
  • Các trường hợp có tăng thể tích máu như đột quỵ, tăng huyết áp hay giảm thể tích máu có thể gây ra những nguy cơ cho người bệnh như suy tim mất bù, giãn tĩnh mạch thực quản, phù phổi, xuất huyết tạng, thiếu máu trầm trọng, vô hiệu cho nguyên nhân tại thận hoặc sau thận, mất nước.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Albunorm 20%

3.1. Cách dùng Albunorm 20%

  • Thuốc Albunorm 20% được bào chế ở dạng dung dịch truyền, nên thuốc được dùng truyền trực tiếp bằng đường tĩnh mạch hoặc có thể pha loãng trong dung dịch đẳng trương (Sodium clorid 0,9%).
  • Nên làm ấm dung dịch trước khi truyền cho người bệnh ở nhiệt độ phòng hoặc nhiệt độ cơ thể trong trường hợp phải truyền một lượng dịch lớn.
  • Không nên dùng dung dịch khi bị vẩn đục hoặc có cặn.
  • Nên sử dụng chai thuốc ngay sau khi mở nắp. Bất kỳ dung dịch nào không sử dụng nên được vứt bỏ xử lý đúng cách tránh nhiễm khuẩn.
  • Tốc độ truyền theo y lệnh của bác sĩ, thông thường là 1 – 2ml/phút đối với người lớn, trẻ em bằng 1/4 tốc độ truyền đó. Trong điều trị sốc có thể tăng tốc độ truyền lên nhưng phải có chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Không nên pha dung dịch albumin với các thuốc khác hoặc với máu toàn phần, hồng cầu cô đặc, nước.

3.2. Liều dùng Albunorm 20%

Liều lượng tùy trường hợp diễn biến bệnh cụ thể của người bệnh cũng như đáp ứng trên lâm sàng. Bác sĩ điều trị sẽ chỉ định liều dùng và tốc độ truyền dịch cần đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Người lớn:

Sốc do giảm thể tích máu cấp:

  • Khởi đầu dùng với liều 25g albumin (tương đương với 125ml albunorm 20% 100ml).
  • Trường hợp cần thiết để tăng đáp ứng và hiệu quả lâm sàng cho người bệnh có thể truyền nhắc lại một liều tương tự như trên sau khoảng 15 – 30 phút.
  • Trong trường hợp người bệnh bị xuất huyết cần truyền máu toàn phần.

Giảm protein huyết:

  • Dùng với liều tối đa là 2g/kg thể trọng/ ngày.

Bỏng:

  • Dùng với liều truyền 25mg (tương đương với 125ml albunorm 20% 100ml) cùng với các dung dịch bù điện giải khác.
  • Nếu tình trạng bỏng nhưng không khẩn cấp ở trẻ em, truyền với liều từ 6,25 – 12,5g albumin (tương đương 31,25 – 62,5ml albunorm 20% 100ml).

Trẻ em:

  • Dùng với liều thông thường bằng 1/4 – 1/2 liều dùng người lớn hoặc có thể dựa vào cân nặng của trẻ là 0,6 – 1g/kg.
  • Trường hợp tăng bilirubin huyết ở trẻ sơ sinh: có thể dùng với liều truyền 1g/kg thể trọng trước khi truyền thay máu.

4. Tác dụng phụ của thuốc Albunorm 20%

Bác sĩ luôn xem xét giữa lợi ích đem lại cho bệnh nhân và nguy cơ có thể xảy ra các tác dụng phụ để chỉ định dùng thuốc thích hợp. Thuốc Albunorm 20% dung nạp khá tốt, ít xảy ra các phản ứng phụ cho người bệnh.

Dưới đây là một số tác dụng phụ hiếm gặp đã được ghi nhận khi người bệnh dùng thuốc:

  • Sốt, buồn nôn, nôn mửa, bừng đỏ mặt, tụt huyết áp với mạch nhanh, mề đay, khó thở thường biến mất rất nhanh khi tốc độ truyền giảm xuống hay ngưng truyền dung dịch Albunorm 20%.
  • Sốc phản vệ có thể xảy ra ở một vài trường hợp riêng lẻ. Tuân thủ phác đồ điều trị sốc của bác sĩ điều trị.

Khi phát hiện các tác dụng phụ cần giảm tốc độ truyền hoặc ngừng truyền cho đến khi các triệu chứng đó biến mất. Trường hợp xảy ra các phản ứng trầm trọng và kéo dài sau khi ngưng truyền thuốc, nên xem xét lại phác đồ điều trị phù hợp.

Lưu ý: Ngoài những tác dụng phụ kể trên, thuốc Albunorm 20% có thể gây ra cho người bệnh những tác dụng không mong muốn khác chưa được ghi nhận. Do đó, trong khi sử dụng thuốc nếu có bất kỳ phản ứng bất thường nào xảy ra nên thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để can thiệp kịp thời.

5. Tương tác thuốc Albunorm 20%

Một số thuốc xảy ra tương tác với Albunorm 20% khi dùng kết hợp như sau:

  • Các dung dịch thủy phân protein, chứa alcol, acid amin không nên sử dụng phối hợp với Albunorm 20%.
  • Dung dịch thuốc Albunorm 20% bị nhiễm nhôm có thể gây độc cho những người suy thận khi truyền lượng dịch lớn. Do đó, cần hết sức thận trọng.

Ngoài ra, có những tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng phối hợp giữa thuốc Albunorm 20% với các thuốc khác hoặc các thực phẩm khác. Người bệnh nên cho bác sĩ biết các thuốc đang sử dụng tại nhà để có chẩn đoán chính xác, kịp thời khi xảy ra tương tác thuốc.

6. Các lưu ý khi dùng thuốc Albunorm 20%

Để dùng thuốc này đạt hiệu quả như mong muốn cũng như hạn chế tối đa phản ứng gây hại cho người bệnh, cần lưu ý một số điểm như sau:

  • Việc sử dụng Albunorm 20% để điều trị phải tuân theo chỉ định của bác sĩ và được thực hiện bởi cán bộ y tế.
  • Trước khi truyền Albunorm 20% cho người bệnh, cần sát khuẩn rộng nơi tiêm, sát khuẩn tay người tiêm để tránh nhiễm khuẩn.
  • Trước khi sử dụng cần kiểm tra bao bì, kiểm tra độ trong của dung dịch, nếu trong dung dịch có vẩn đục, kết tủa hoặc các tiểu phân nhìn thấy được bằng mắt thì tuyệt đối không sử dụng.
  • Khi truyền thuốc cần theo dõi huyết áp động mạch, huyết áp tĩnh mạch trung tâm để tránh tình trạng tăng quá mức thể tích máu.
  • Lọ thuốc sau khi mở nắp nên được sử dụng trong vòng 4 giờ. Phần dư của thuốc phải bỏ đi không nên dùng cho lần truyền tiếp theo.
  • Mặc dù chưa có bằng chứng khẳng định việc dùng thuốc Albunorm 20% cho phụ nữ mang thai và cho con bú mẹ đảm bảo an toàn không gây hại đến thai nhi và trẻ bú mẹ. Cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra cho các đối tượng trên khi dùng thuốc Albunorm 20%.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Albunorm 20% cho trẻ nhỏ và người cao tuổi, cần kiểm soát tốc độ và thể tích dịch truyền để tránh quá thừa dịch, đặc biệt là những bệnh nhân có tình trạng suy thận.

7. Làm gì khi quên liều, quá liều thuốc Albunorm 20%?

  • Nếu lỡ quên một liều dùng thuốc Albunorm 20%, hãy dùng càng sớm càng tốt. Thông thường các thuốc được chỉ định của bác sĩ điều trị có thể dùng muộn hơn 1 – 2 giờ so với thời gian chỉ định. Trong trường hợp phát hiện việc quên liều thì có thể bỏ qua liều thuốc đó nếu đã gần với thời điểm dùng thuốc tiếp theo.
  • Trường hợp người bệnh dùng thuốc quá liều và xuất hiện các dấu hiệu bị quá tải tuần hoàn như phù phổi hoặc suy tim sung huyết thì nên ngưng dùng thuốc, tiến hành điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ ngay. Phải có sẵn các thuốc như Epinephrin (adrenalin), Corticosteroid và thuốc kháng histamin để điều trị cấp cứu.

Bài viết đã cung cấp thông tin về công dụng, liều dùng và một số lưu ý khi sử dụng thuốc Albunorm 20%. Lưu ý, Albunorm 20% là thuốc kê đơn của bác sĩ, thực hiện dưới sự tiêm truyền của nhân viên y tế..

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-albunorm-20/