Công dụng thuốc Amnol

Thuốc Amnol thuộc nhóm thuốc tim mạch, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim. Với thành phần chính là Cilnidipine, Amnol sẽ có công dụng và liều dùng cụ thể như thế nào, hãy cùng tham khảo ở bài viết dưới đây.

1. Thuốc Amnol có tác dụng gì?

Thuốc Amnol có chứa thành phần chính là Cilnidipine kết hợp cùng các loại tá dược vừa đủ. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén có màu trắng, láng bóng và bảo quản trong bao phim kín. Đây là loại thuốc được chỉ định dùng trong việc điều trị tăng huyết áp.

2. Cách sử dụng và liều lượng nên dùng

Amnol được hấp thụ thông qua đường uống. Ngày uống 1 lần sau mỗi bữa ăn sáng.

  • Đối với người lớn: Ngày uống liều 5-10mg/lần. Liều dùng sẽ được điều chỉnh theo tuổi và triệu chứng của bệnh, có thể tăng liều lên 20mg, uống 1 lần mỗi ngày dựa theo chỉ định của bác sĩ.
  • Đối với người bị cao huyết áp nặng cần uống liều mỗi ngày là 10- 20 mg/lần.

3. Những trường hợp không nên dùng thuốc Amnol

Không dùng thuốc Amnol trong những trường hợp sau đây:

  • Người bệnh có phản ứng quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc có dự định mang thai.

4. Những tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi sử dụng thuốc

Amnol có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn, tuy nhiên đây chỉ là những trường hợp số ít gặp phải. Nếu bạn chẳng may gặp phải những tác dụng phụ này thì hãy dừng uống thuốc và liên hệ với bác sĩ hoặc đến trung tâm y tế gần nhất. Các tác dụng phụ có thể xảy ra như:

Một số trường hợp ít gặp:

  • Tăng AST (GOT), ALT (GPT), LDH….ở gan;
  • Tăng creatinin hoặc nitơ urê, protein niệu dương tính ở thận;
  • Nhức đầu âm ỉ, chóng mặt khi đứng lên, cứng cơ vai;
  • Bị đánh trống ngực, cảm giác nóng, điện tâm đồ bất thường, huyết áp giảm;
  • Rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, đau bụng;
  • Tăng hoặc giảm bạch cầu. bạch cầu trung tính và hemoglobin;
  • Các phản ứng phụ khác: Phù mặt, chi dưới, khó chịu toàn thân, tiêu dắt, tăng cholesterol huyết thanh, tăng hoặc giảm CK (CPK), acid uric, kali và phospho huyết thanh, phát ban.

Một số trường hợp hiếm gặp:

  • Xuất hiện cặn lắng trong nước tiểu;
  • Buồn ngủ, mất ngủ, run tay, hay quên;
  • Đau tức ngực, nhịp tim tăng nhanh, block nhĩ thất, cảm giác lạnh;
  • Táo bón, chướng bụng, phì đại lợi, ợ nóng, tiêu chảy;
  • Các chỉ số trong máu thay đổi, có thể tăng hoặc giảm hồng cầu (RBC), hematocrit, bạch cầu ưa eosin và tế bào lympho;
  • Cảm giác mệt yếu, co cứng cơ sinh đôi cẳng chân, khô mắt, xung huyết mắt và kích ứng, rối loạn vị giác, đường niệu dương tính, protein toàn phần, calci và CRP huyết thanh, tăng hoặc giảm đường huyết lúc đói, ho.

5. Những lưu ý về tương tác và tương kỵ của thuốc

Trước khi sử dụng thuốc, bạn nên chia sẻ với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn đang dùng một trong các thuốc sau, vì chúng có thể tương tác với Amnol:

  • Không nên dùng chung với các thuốc chống tăng huyết áp khác, bởi tác dụng cộng gộp có thể làm huyết áp hạ quá mức;
  • Một số thuốc đối kháng calci sẽ làm tăng nồng độ digoxin trong huyết tương. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu độc tính do digoxin phải tiến hành điều chỉnh liều digoxin hoặc ngừng dùng Amnol, phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân;
  • Dùng chung với Cimetidin sẽ làm tăng sự hấp thu các thuốc đối kháng calci, do cimetidin làm giảm lưu lượng máu qua gan, ngăn cản sự chuyển hóa các thuốc đối kháng calci do enzym ở microsom gan;
  • Rifampicin sẽ làm giảm tác dụng của các thuốc đối kháng calci, do enzym chuyển hóa thuốc ở gan (cytochrom P450) nhờ rifampIcin, thúc đẩy sự chuyển hóa các thuốc này;
  • Nhóm azol chống nấm như itraconazol, miconazol,…: sẽ làm tăng nồng độ Amnol trong huyết tương, do nhóm azol chống nấm ức chế enzym chuyển hóa thuốc CYP3A4 đối với Amnol.

6. Phải làm gì khi quên liều hoặc quá liều?

Nếu quên dùng thuốc, người bệnh hãy uống bổ sung ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu đã gần tới giờ dùng liều tiếp thì hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục dụng theo lịch.

Báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ khi dùng quá liều lượng. Nếu xuất hiện hiện tượng giảm huyết áp rõ rệt, cần làm những động tác sơ cứu như nâng cao chi dưới hoặc điều trị truyền dịch và dùng các thuốc tăng huyết áp.

7. Lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc

Trong quá trình sử dụng thuốc Amnol, người bệnh cần lưu ý:

  • Với người bị rối loạn chức năng gan nặng thì nồng độ thuốc trong huyết tương có thể tăng;
  • Trong trường hợp giảm liều cần theo dõi chặt chẽ. Không tự ý ngừng dùng thuốc đột ngột bởi nó sẽ làm nặng thêm một số triệu chứng, nếu ngừng thì nên có các loại thuốc khác thay thế;
  • Khi người cao tuổi sử dụng Amnol cần được theo dõi cẩn thận tình trạng của bệnh nhân và nên dùng với liều khởi đầu thấp để tránh tình trạng hạ huyết áp quá mức;
  • Chưa có nghiên cứu lâm sàng nào chứng minh sử dụng Cilnidipine ở trẻ em nên chưa xác định được độ an toàn;
  • Thuốc Amnol có thể gây chóng mặt, choáng váng do hạ huyết áp nên cần lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc.

Thuốc Amnol thuộc nhóm thuốc tim mạch, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim. Với thành phần chính là Cilnidipine, thuốc được chỉ định điều trị bệnh tăng huyết áp.

Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-amnol/