Công dụng thuốc Atunsyrup

Atunsyrup được bào chế dưới dạng siro giảm ho dùng được cho cả trẻ em và người lớn. Vậy thuốc Atunsyrup nên được sử dụng như thế nào để có được hiệu quả tốt nhất trong việc điều trị bệnh?

1. Công dụng thuốc Atunsyrup là gì?

1.1. Thuốc Atunsyrup là thuốc gì?

Atunsyrup thuộc nhóm thuốc tác dụng lên đường hô hấp. Thuốc Atunsyrup có các thành phần bao gồm:

  • Dextromethorphan. HBr hàm lượng 60 mg
  • Clorpheniramin maleat hàm lượng 15,96 mg
  • Guaifenesin hàm lượng 600 mg
  • Tá dược: Acid citric, Amoni Clorid, Natri citrat, Đường RE, Natri benzoat, Sunset yellow, Natri saccarin, Ethanol 96%, Tinh dầu cam, Nước tinh khiết, Sorbitol lỏng.

Thuốc được bào chế dưới dạng siro uống đóng chai 60ml

Thuốc Atunsyrup được khuyến cáo sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và người trưởng thành.

1.2. Thuốc Atunsyrup có tác dụng gì?

Atunsyrup là thuốc trị ho gồm 3 thành phần có tác dụng long đờm mà không gây nghiện. Ở liều điều trị, Atunsyrup gia tăng lượng dịch tiết ra từ hô hấp, làm loãng đờm, giúp cơ thể tống đàm ra từ đường hô hấp dễ dàng hơn, và thuốc cũng giúp làm dịu đường hô hấp khi bị kích ứng. Ngoài ra trong thuốc có Clorpheniramin maleat là chất đối kháng Histamine rất hiệu quả trong điều trị ho do dị ứng.

Dextromethorphan hydrobromid là dẫn chất của Morphin, có tác dụng chống ho, kiểm soát chứng co thắt do ho, nhưng không ức chế hô hấp, không gây nghiện và không có tác dụng giảm đau, an thần. Dextromethorphan hydrobromid có tác dụng làm giảm ho nhất thời do viêm họng, cảm lạnh, hoặc do hít phải chất kích thích.

Clorpheniramin maleat là thuốc kháng Histamin, tác dụng ở liều rất thấp, ít có tác dụng an thần.

Guaifenesin làm loãng đờm nhầy dính bằng cách làm tăng lượng dịch tiết đường hô hấp. Có tác dụng long đờm.

Thuốc Atunsyrup được bác sĩ kê đơn dùng điều trị cho các trường hợp:

2. Cách sử dụng của thuốc Atunsyrup

2.1. Cách dùng thuốc Atunsyrup

Thuốc bào chế dưới dạng siro rất phù hợp cho đối tượng trẻ nhỏ sử dụng

Dùng cốc đong có chia dung tích kèm theo chai thuốc để chia liều chính xác theo khuyến nghị hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Cứ cách 6 – 8 giờ uống 1 lần.

Không trộn chung thuốc với các hỗn hợp khác khi uống trừ nước lọc.

Thuốc có thể uống không liên quan đến bữa ăn.

2.2. Liều dùng của thuốc Atunsyrup

Liều dùng khuyến cáo:

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Mỗi lần uống 15ml (3 muỗng cafe). Ngày uống từ 3 đến 4 lần.
  • Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: Mỗi lần uống 10 ml (2 muỗng cafe). Ngày uống từ 3 đến 4 lần.
  • Trẻ em từ 2 đến 6 tuổi : Mỗi lần uống 5 ml (1 muỗng café). Ngày uống từ 3 đến 4 lần.

Thời gian điều trị từ 5- 10 ngày.

Xử lý khi quên liều:

Nên uống thuốc Atunsyrup đúng theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên nếu quên dùng thuốc thì uống liều tiếp theo đúng theo đơn của bác sĩ. Bạn không được dùng liều gấp đôi cho lần quên. Nếu có vấn đề nào chưa rõ hãy gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn.

Xử trí khi quá liều:

  • Triệu chứng: Trường hợp quá liều có thể biểu hiện ở bệnh nhân như buồn nôn, nôn, buồn ngủ, nhìn mờ, rung giật nhãn cầu, tê mê, ảo giác. Nặng hơn thì bị suy hô hấp, co giật. Loạn trương lực, loạn nhịp tim, trụy tim mạch.
  • Điều trị: Chỉ định các biện pháp yểm trợ tổng quát và điều trị thích hợp, sau đó kiểm tra theo dõi lâm sàng. Hỗ trợ bằng cách dùng Naloxon 2mg tiêm tĩnh mạch để giải độc Dextromethorphan. Dùng siro ipeca để gây nôn sau đó dùng than hoạt để hấp thu.

3. Chống chỉ định của thuốc Atunsyrup

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính hay bất cứ thành phần tá dược nào được liệt kê trên đây của thuốc Atunsyrup
  • Ho ở người bệnh hen, suy chức năng hô hấp, bệnh glocom góc hẹp (tăng nhãn áp), phì đại tuyến tiền liệt, thắt cổ bàng quang.
  • Loét dạ dày tá tràng, chít hẹp hay tắc môn vị – tá tràng
  • Bà mẹ đang cho con bú, trẻ sơ sinh và trẻ đẻ thiếu tháng.
  • Bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế Monoamine oxidase ( MAO) trong vòng 14 ngày, tính đến thời điểm điều trị bằng Clorpheniramin vì tính chất chống tiết Acetylcholin của clorpheniramin bị tăng lên bởi các chất ức chế MAO.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi.

4. Lưu ý khi sử dụng của thuốc Atunsyrup

Dùng thuốc đúng theo liều dùng khuyến cáo hay theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng liều điều trị hay tự ý ngưng thuốc.

Không dùng thuốc đã bị hở nắp niêm phong

Thuốc đã mở nắp sử dụng, nhớ đậy kín đề phòng kiến gián.

4.1 Thận trọng khi dùng thuốc Atunsyrup cho:

  • Người bệnh ho mãn tính ở những người thường xuyên hút thuốc, bệnh nhân ho có quá nhiều đờm, bệnh nhân hen hoặc có tràn khí màng phổi.
  • Bệnh nhân có nguy cơ hoặc đang điều trị suy giảm hô hấp.
  • Người mắc bệnh mạch vành, bị đau thắt ngực và đái đường.
  • Bệnh nhân cao tuổi.

4.2 Tương tác thuốc

Không dùng chung Atunsyrup với các thuốc ức chế thần kinh trung ương, thuốc ức chế IMAO, các chất nhóm Quinidine.

Rượu làm tăng tác dụng của Clorpheniramin nên hạn chế uống rượu trong thời gian dùng thuốc.

Chlopheniramin làm giảm sự chuyển hóa Phenytoin dẫn đến ngộ độc Phenytoin

Không dùng thuốc khi đang vận hành máy móc tàu xe vì thuốc gây buồn ngủ và làm chậm phản xạ.

5. Tác dụng phụ của thuốc Atunsyrup

Tác dụng không mong muốn thường nhẹ, như ngây ngất, ngủ sâu, hoặc rối loạn thần kinh trung ương, rối loạn tiêu hóa.

Hoảng sợ, khó chịu, kích thích chóng mắt, đau đầu, lo âu, run và thậm chí ảo giác, co giật.

Làm khô miệng do tác dụng chống tiết Acetylcholin của Clorpheniramin.

Toàn thân : mệt mỏi, chóng mặt.

Tiêu hóa : buồn nôn.

Tuần hoàn: nhịp tim nhanh.

Trên đây là những tác dụng thuốc Atunsyrup việc hiểu rõ công dụng, thời gian dùng thuốc sẽ giúp quá trình điều trị được tốt hơn. Nếu có bất kỳ vấn đề gì người bệnh cần liên hệ bác sĩ để được tư vấn chuyên sâu.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-atunsyrup/