Công dụng thuốc Capelodine

Capelodine chứa thành phần chính là Capecitabine với hàm lượng 500mg – một trong các nhóm thuốc hóa trị ung thư. Thuốc có tác động vào hệ thống miễn dịch của cơ thể và tiêu diệt hoặc chống lại các tế bào ung thư. Một số bệnh lý ung thư có chỉ định điều trị Capelodine như ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư vú,…

1. Capelodine công dụng thuốc

Thuốc được sử dụng với mục đích chính là điều trị một số bệnh lý ung thư. Có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các thuốc hóa trị khác. Thuốc có tác dụng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của các tế bào ung thư, từ đó làm giảm kích thước của khối u.

Capecitabine là một dẫn chất của fluoropyrimidine carbamate, có tác dụng gây độc chọn lọc với các tế bào khối u. Capecitabine sẽ chuyển hóa thành 5-FU (5-fluorouracil) khi vào cơ thể. Sự hình thành 5-FU tại khối u là nhờ xúc tác một cách tối ưu của yếu tố tạo mạch liên quan tới khối u là thymidine phosphorylase, nhờ đó làm giảm tối đa mức độ tổn thương của mô lành do 5-FU.

Cơ chế gây độc của thuốc trên tế bào khối u là do các nguyên nhân sau:

  • FdUMP và đồng yếu tố folate N5-10-methylenetetrahydrofolate gắn với thymidylate synthase tạo thành một phức hợp gồm ba yếu tố đồng hóa trị, từ đó ức chế hình thành nên thymidylate (một chất cần thiết cho việc tổng hợp DNA) từ uracil, dẫn đến ức chế sự phân chia tế bào.
  • Các enzyme sao chép nhân có thể kết hợp một cách nhầm lẫn với FUTP thay vì là uridine triphosphate trong quá trình tổng hợp RNA. Lỗi chuyển hóa này có thể ảnh hưởng tới sự tổng hợp RNA và protein.

2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Capelodine

Thuốc Capelodine được chỉ định trong một số trường hợp sau đây:

  • Ung thư đại – trực tràng: Điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật hoặc tân hỗ trợ trước phẫu thuật hay kết hợp với xạ trị (hóa xạ đồng thời) hoặc điều trị tạm bợ ở giai đoạn muộn, tái phát, tiến triển, di căn. Có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các loại thuốc hóa trị khác.
  • Ung thư vú: Điều trị tạm bợ ở giai đoạn muộn, tái phát, tiến triển, di căn. Có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các loại thuốc hóa trị khác.
  • Ung thư dạ dày: Điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật hay điều trị tạm bợ ở giai đoạn muộn, tái phát, tiến triển, di căn. Có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các loại thuốc hóa trị khác.
  • Ung thư mật, tụy: Điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật hay điều trị tạm bợ ở giai đoạn muộn, tái phát, tiến triển, di căn. Có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các loại thuốc hóa trị khác.

Nên uống thuốc cùng với nước lọc trong vòng 30 phút sau ăn, uống cả viên, không nhai nát viên thuốc. Liều dùng tùy thuộc vào từng loại bệnh ung thư, cũng như cách sử dụng đơn độc hay phối hợp với các thuốc hóa trị khác:

  • Điều trị đơn độc: 1250mg/m2 da (uống), 2 lần mỗi ngày, liên tục trong 2 tuần. Sau đó, nghỉ 1 tuần, rồi bắt đầu chu kỳ mới. Điều trị duy trì cho đến khi bệnh tiến triển hoặc không dung nạp được thuốc.
  • Điều trị phối hợp:
    • Kết hợp với hóa trị trong ung thư đại – trực tràng, ung thư dạ dày: 1000mg/m2 da (uống), 2 lần mỗi ngày, liên tục trong 2 tuần. Sau đó, nghỉ 1 tuần, rồi bắt đầu chu kỳ mới. Điều trị trong 8 chu kỳ (cách nhau mỗi 3 tuần cùng với các thuốc hóa trị khác).
    • Kết hợp với xạ trị trong ung thư trực tràng (trong phác đồ hóa xạ đồng thời): 800-825 mg/m2 da (uống), 2 lần mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần (vào các ngày xạ trị).
    • Ung thư vú: 1000mg/m2 da (uống), 2 lần mỗi ngày, liên tục trong 2 tuần. Sau đó, nghỉ 1 tuần, rồi bắt đầu chu kỳ mới. Điều trị duy trì cho đến khi bệnh tiến triển hoặc không dung nạp được thuốc.
    • Ung thư mật, tụy: 650mg/m2 da (uống), 2 lần mỗi ngày, liên tục trong 2 tuần. Sau đó, nghỉ 1 tuần, rồi bắt đầu chu kỳ mới. Điều trị trong 6-8 chu kỳ (cách nhau mỗi 3 tuần cùng với các thuốc hóa trị khác) đối với mục đích hỗ trợ hoặc duy trì cho đến khi bệnh tiến triển hoặc không dung nạp được thuốc đối với mục đích tạm bợ.
  • Đối với phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú: Không được sử dụng vì thuốc hoàn toàn có thể bài tiết qua sữa gây ảnh hưởng đến bé và chuyển vận qua nhau thai làm ảnh hưởng đến thai nhi. Nên tham vấn ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để cân nhắc phương hướng điều trị phù hợp.

Trước khi kê đơn Capelodine, hãy báo với bác sĩ nếu bạn thuộc một trong những chống chỉ định sau:

  • Quá mẫn với Capecitabine hoặc các thành phần khác của thuốc.
  • Suy gan.
  • Suy thận.
  • Có các bệnh lý về máu như chảy máu hay rối loạn đông máu.
  • Thiếu máu.
  • Giảm bạch cầu nghiêm trọng.
  • Giảm tiểu cầu nghiêm trọng.
  • Thiếu hụt men DPD.

Tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Hạn chế sự quên dùng thuốc để đảm bảo hiệu quả của việc điều trị. Nếu quên liều thuốc thì hãy uống ngay khi nhớ ra, tuy nhiên nếu gần đến liều tiếp theo thì chỉ nên uống liều của thời điểm đó, không được gộp liều để tránh tác dụng phụ do quá liều thuốc.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng không được tự ý tăng hay giảm liều thuốc.

Thận trọng khi sử dụng cho những người làm việc liên quan đến lái xe hoặc vận hành máy móc do thuốc có thể gây ảnh hưởng đến sự tập trung thông qua các tác dụng phụ.

Trên những đối tượng bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền đi kèm nên chú ý giảm liều lượng thuốc để tránh gia tăng độc tính.

Không làm rách bao bì thuốc, bảo quản ở nhiệt độ dưới 30oC và ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng. Nếu nhận thấy thuốc có dấu hiệu hư hỏng, hay bị biến dạng, thay đổi màu, chảy nước thì không nên dùng viên thuốc đó nữa.

3. Tương tác thuốc và tác dụng phụ của thuốc Capelodine

3.1 Tương tác thuốc

Capecitabine có thể gây phản ứng tương tác nghiêm trọng với các thuốc sau:

  • Thống chống đông máu.
  • Phenytoin (thuốc chống động kinh).
  • Thuốc kháng acid.
  • Sorivudine và các thuốc tương tự (điều trị bệnh thủy đậu và nhiễm HIV).
  • Allopurinol.
  • Thuốc kháng vitamin K.

3.2 Tác dụng phụ

Các tác dụng phụ có thể gặp của Capelodine có thể bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn ói.
  • Chán ăn, ăn không ngon.
  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên.
  • Hội chứng bàn tay – bàn chân.
  • Mệt mỏi, cảm giác yếu.
  • Đau đầu, chóng mặt, mất ngủ.
  • Thay đổi vị giác.
  • Rụng tóc.
  • Viêm loét miệng.
  • Rối loạn kinh nguyệt.
  • Vô sinh.
  • Thiếu máu.

Hầu như các độc tính đều ở mức độ nhẹ và hoàn toàn có thể chấp nhận được, không cần thiết phải hoãn điều trị. Hiếm khi gây phản ứng dị ứng.

Mặc dù có nhiều tác dụng phụ, tuy nhiên qua nghiên cứu thấy rằng các lợi ích mà thuốc mang lại là cao hơn so với những rủi ro do thuốc gây ra. Hơn thế nữa, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc hỗ trợ, cũng như hướng dẫn các phương pháp nhằm làm dịu độc tính của thuốc.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-capelodine/