Công dụng thuốc DH-Captohasan 25

DH-Captohasan 25 là thuốc được chỉ định trong điều trị chứng suy tim và sau nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tiểu cầu thận ở người đái tháo đường. Để tìm hiểu kỹ hơn về thuốc DH Captohasan 25, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết ngay sau đây.

1. Thuốc DH-Captohasan 25 là gì?

DH CaptoHasan 25 với thành phần chính là Captopril.

  • Nhóm thuốc: Thuốc tim mạch.
  • Thành phần: Trong mỗi viên thuốc chứa Captopril hàm lượng 25mg và các tác dược vừa đủ.
  • Dạng bào chế: viên nén.
  • Quy cách đóng gói: Trong mỗi hộp gồm 3 vỉ, mỗi vỉ 10 viên.

2. DH Captohasan 25 công dụng

2.1. Công dụng

Captopril được xem là thuốc mang lại tác động trên hệ Renin-Angiotensin-Aldosteron (hệ RAA) nhờ vào việc ức chế men ACE chuyển hoá Angiotensin I thành Angiotensin II. Trong đó, Angiotensin II chính là chất có tác dụng gây tăng huyết áp, co mạch, kích thích khả năng bài tiết Aldosteron tại vỏ thượng thận. Chính vì thế, quá trình ức chế này sẽ bổ trợ cho các tác dụng hạ huyết áp của thuốc DH Captohasan 25.

Đối với người bệnh bị cao huyết áp, Captopril có khả năng làm giảm sức cản động mạch ngoại vi mà không gây tác động xấu tới cung lượng tim. Bởi vậy, thuốc đạt được hiệu quả làm giảm huyết áp tâm thu và tâm trương ở cả tư thế đứng lẫn tư thế nằm.

Trong trường hợp dùng DH-Captohasan 25 để điều trị suy tim thì Captopril lại hỗ trợ làm giảm tiền gánh và hậu gánh, đồng thời tăng cung lượng tim. Nhờ đó mà tăng cường khả năng làm việc của hệ tim mạch.

Khi kết hợp Captopril với các loại thuốc làm tan huyết khối, Aspirin hoặc chẹn beta sẽ giúp cải thiện tỷ lệ tử vong, làm giảm tái phát hiện tượng nhồi máu tại những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim.

2.2. Chỉ định dùng thuốc DH Captohasan 25

  • Người bệnh tăng huyết áp.
  • Người bệnh bị nhồi máu cơ tim hoặc suy tim nhưng tình trạng huyết học đã được bình ổn.
  • Người bệnh bị đái tháo đường có kèm theo tiểu cầu thận.

3. Cách dùng và liều dùng DH Captohasan 25

3.1. Cách dùng

  • Thuốc chỉ sử dụng theo đường uống, nên nuốt trọn viên thuốc cùng một lượng nước ấm vừa đủ, tránh nhai hoặc nghiền nát thuốc, bởi có thể làm giảm sinh tác dụng của thuốc.
  • Nên uống thuốc vào buổi sáng, trưa hoặc tối trước mỗi bữa ăn chính 60 phút để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

3.2. Liều dùng

Người bệnh cần tuân thủ theo đúng như liều dùng được chỉ định bởi bác sĩ, hoặc có thể tham khảo qua liều lượng sau đây:

  • Với người bệnh tăng huyết áp: Sử dụng ban đầu với liều lượng 12,5mg/lần, sau đó duy trì với liều 25mg/lần và liều tối đa là 50/lần. Uống 2 – 3 lần/ngày.
  • Với người bệnh bị suy tim: Sử dụng ban đầu với liều lượng 6,25mg/lần, sau đó dùng duy trì với liều lượng 25mg/lần.
  • Với người bệnh bị rối loạn chức năng thất trái sau nhồi máu cơ tim: Chỉ nên bắt đầu điều trị bằng Captopril kể từ ngày thứ 3 sau cơn nhồi máu. Sử dụng ban đầu với liều lượng 6,25mg/ngày, sau đó có thể tăng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Với bệnh tiểu cầu thận ở người bệnh bị đái tháo đường: Sử dụng với liều lượng 25mg/lần, mỗi ngày dùng 3 lần.

3.3. Xử lý khi quá liều, quên liều DH Captohasan 25

Quá liều: Nếu người bệnh dùng thuốc nhiều hơn so với lượng được chỉ định có thể gây sốt, nhức đầu và hạ huyết áp. Trong trường hợp này, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ theo dõi và xử trí phù hợp.

Quên liều: Khi quên uống một liều thuốc, người bệnh nên uống bù ngay khi nhớ ra, càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, khi nhớ ra đã quá gần với giờ uống liều tiếp theo, có thể bỏ qua liều đã quên để uống theo đúng như kế hoạch. Cần lưu ý tuyệt đối không được uống bù bằng cách gấp đôi liều lượng, bởi nó có thể gây ra quá liều.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc DH Captohasan 25

4.1. Chống chỉ định

Thuốc DH-Captohasan 25 được chống chỉ định sử dụng cho các trường hợp sau đây:

  • Người bệnh bị mẩn cảm hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong thuốc DH Captohasan 25.
  • Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ, trẻ nhỏ.
  • Người bệnh đã có tiền sử bị phù mạch, sau nhồi máu cơ tim (khi huyết động học không ổn định).
  • Người bệnh bị hẹp động mạch chủ, hẹp van hai lá hoặc mắc các bệnh cơ tim tắc nghẽn nặng.
  • Người bệnh bị hẹp hai bên động mạch thận, hoặc hẹp động mạch thận đối với trường hợp chỉ có một thận.

4.2. Các tác dụng không mong muốn

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra do dùng thuốc, theo tần suất gồm có:

  • Thường gặp: Chóng mắt, ngứa ngáy, ho, nổi phát ban.
  • Ít gặp: Thay đổi vị giác, cơn hạ huyết áp, viêm dạ dày, viêm miệng, đau thượng vị, đau bụng.
  • Hiếm gặp: Đau cơ, đau khớp, dị cảm, trầm cảm, phù mạch, phồng môi hoặc lưỡi, mẫn cảm, co thắt phế quản, nổi mề đay

Mặt khác, còn tuỳ vào khả năng đáp ứng thuốc của người bệnh mà có thể gặp một số triệu chứng khác chưa được liệt kê ở trên. Nếu gặp phải bất cứ dấu hiệu bất thường nào nên thông báo ngay với dược sĩ, bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được hướng dẫn cách xử lý phù hợp.

4.3. Tương tác thuốc

Khi dùng chung Captopril với các thuốc khác có thể dẫn đến một vài tương tác bất lợi. Dùng chung với các thuốc lợi tiểu có thể gây ra tình trạng hiệp đồng hạ huyết áp. Không nên uống đồng thời với thuốc lợi tiểu hoặc các thuốc có tác dụng giữ kali huyết như Cyclosporin. Vì Captopril có khả năng làm tăng nồng độ Lithi huyết, vì vậy sẽ dẫn tới nhiễm độc Lithi nếu điều trị đồng thời.

Thuốc kháng viêm NSAID, các thuốc giãn phế quản kiểu giao cảm đều có khả năng làm giảm tác dụng hạ huyết áp của Captopril khi sử dụng chung.

Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh liệt kê cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang sử dụng, cũng như tiền sử bệnh lý nhằm hạn chế tối đa các tương tác bất lợi có thể xảy ra.

4.4. Một số lưu ý khác

  • Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Captopril có khả năng gây tổn thương đến thai nhi khi bà bầu sử dụng thuốc trong 3 tháng giữa và cuối thai kỳ. Thuốc gây hạ huyết áp, giảm sản sọ sơ sinh, suy thận hồi phục hoặc không hồi phục, thậm chí là tử vong. Chính vì vậy mà nữ giới nên ngưng sử dụng thuốc càng sớm càng tốt khi phát hiện mình đang mang thai.
  • Captopril có thể bài tiết vào sữa mẹ, đồng thời gây ra nhiều tác động xấu tới tim mạch và thận ở trẻ đang bú sữa mẹ, vì thế không nên dùng thuốc cho các đối tượng này.
  • Nên thận trọng sử dụng thuốc cho người phải lái tàu xe hoặc vận hành máy móc, bởi thuốc có thể gây chóng mặt, hoa mắt ở một số bệnh nhân.
  • Người bệnh khi dùng thuốc cần kết hợp với một chế độ ăn uống phù hợp như giảm muối, uống nhiều nước… nhằm tăng hiệu quả điều trị.
  • Ở người bệnh thẩm tách máu, điều trị bằng các loại thuốc lợi tiểu mạnh, bị mất nước hoặc suy giảm chức năng thận sẽ có nguy cơ tụt huyết áp nặng.
  • Các phản ứng phản vệ có nguy cơ tăng mạnh khi điều trị thuốc đồng thời với những loại thuốc ức chế men chuyển hoá khác.
  • Nên bảo quản thuốc tại nơi thoáng mát, khô ráo, tránh xa tầm tay trẻ em, tránh ẩm ướt hoặc ánh nắng mặt trời trực tiếp.

Trên đây là Công dụng thuốc DH-Captohasan 25 và những thông tin chi tiết mà bạn cần nắm rõ. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, chúng ta nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, nhân viên y tế hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-dh-captohasan-25/