Công dụng thuốc Esmolol

Thuốc Esmolol là thuốc ức chế beta1 chọn lọc có tác dụng ngắn. Esmolol được chỉ định sử dụng trong điều trị rối loạn nhịp nhanh trên thất; tăng huyết áp và nhịp tim nhanh trong – sau phẫu thuật. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về công dụng và cách dùng thuốc Esmolol.

1. Thuốc Esmolol có tác dụng gì?

Esmolol là thuốc chẹn beta-1 chọn lọc, có tác dụng ngắn. Esmolol có tác dụng dược lý tương tự các thuốc chẹn beta khác. Esmolol ức chế chọn lọc đáp ứng kích thích giao cảm bằng cách phong bế cạnh tranh thụ thể beta-1 của tim, Esmolol có tác dụng yếu trên thụ thể beta-2 của cơ trơn phế quản và mạch máu.

Khi dùng liều cao trên 300 mcg/kg/phút thì tính chọn lọc của Esmolol trên thụ thể beta-1 giảm, thuốc ức chế cạnh tranh cả hai thụ thể beta-1 và beta-2.

Trong các nghiên cứu in vitro, tác dụng chẹn beta1 của Esmolol tính theo phân tử lượng bằng khoảng 1,5-2,5% propranolol, 10 – 20% metoprolol, 7% labetalol. Trong nghiên cứu in vitro ở động vật và người, tác dụng phong bế beta-1 của Esmolol tính theo khối lượng xấp xỉ 3 – 10% Propranolol trong thử nghiệm ức chế nhịp tim nhanh do gắng sức hoặc do isoproterenol ở bệnh nhân đau thắt ngực đã ổn định hoặc người khỏe mạnh.

Với liều dùng trên lâm sàng, Esmolol không có tác dụng kích thích giao cảm nội tại hay tác dụng ổn định màng và không có tác dụng ức chế thụ thể alpha. Tuy nhiên Esmolol có biểu hiện tác dụng kích thích giao cảm và ổn định màng khi dùng ở liều lớn hơn liều thường dùng trên lâm sàng.

Thuốc có các dạng bào chế và hàm lượng như sau:

  • Lọ 5ml, dung dịch tiêm tĩnh mạch 20mg/ml.
  • Lọ 10ml, dung dịch tiêm tĩnh mạch 10mg/ml.
  • Túi 100ml, dung dịch truyền tĩnh mạch 20mg/ml.
  • Túi 250ml, dung dịch truyền tĩnh mạch 10mg/ml.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Esmolol

Thuốc Esmolol được chỉ định trong các trường hợp sau:

Thuốc Esmolol có chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Block nhĩ thất cấp 2 và 3.
  • Nhịp chậm xoang
  • Shock nguồn gốc do tim.
  • Suy tim.

3. Cách dùng thuốc Esmolol

3.1. Cách dùng

Thuốc Esmolol được dùng theo đường tĩnh mạch, nồng độ dung dịch không được vượt quá 10mg/ml. Không được đưa thuốc Esmolol qua các tĩnh mạch nhỏ hoặc qua kim bướm. Ở trẻ em, phải đưa Esmolol thông qua cathete tĩnh mạch trung tâm.

3.2. Liều dùng thuốc Esmolol

Người lớn

  • Loạn nhịp nhanh trên thất:
    • Khởi đầu tiêm tĩnh mạch 500mcg/kg trong khoảng 1 phút, sau đó truyền tĩnh mạch duy trì với tốc độ 50 mcg/kg/phút trong 4 phút.
    • Nếu bệnh nhân đáp ứng tốt, có thể duy trì với tốc độ truyền này. Nếu bệnh nhân chưa đạt được đáp ứng tốt trong vòng 5 phút đầu tiên, tiêm tĩnh mạch thêm 1 liều nạp 500mcg/kg trong khoảng 1 phút, sau đó tăng tốc độ truyền duy trì lên thành 100mcg/kg/phút trong 4 phút. Nếu cần thiết, tiếp tục lặp lại chu trình điều trị như trên cho tới khi bệnh nhân đạt được đáp ứng đầy đủ, mỗi lần tốc độ truyền duy trì tăng thêm 50mcg/kg/phút cho đến liều tối đa 200mcg/kg/phút.
    • Mỗi lần điều chỉnh liều dùng Esmolol đều bao gồm một liều nạp (tấn công) và một liều điều trị duy trì. Khi bệnh nhân đạt được đáp ứng như mong muốn, tiếp tục duy trì đường truyền tĩnh mạch nếu cần, tối đa 48 giờ.
    • Khi chuyển sang dùng thuốc điều trị rối loạn nhịp khác, sau khi dùng thuốc thay thế 30 phút cần giảm liều Esmolol đi 50%, và sau khi dùng liều thứ 2 của thuốc này 1 giờ, thì ngừng sử dụng Esmolol.
  • Tăng huyết áp, nhịp tim nhanh trong và sau quá trình phẫu thuật:
  • Trong lúc đang gây mê: Để kiểm soát ngay lập tức, tiêm tĩnh mạch 80mg thuốc Esmolol trong 15 – 30 giây, sau đó truyền tĩnh mạch với tốc độ 150mcg/kg/phút, có thể tăng đến liều tối đa 300mg/kg/phút.
  • Trong lúc hồi tỉnh sau gây mê: Truyền tĩnh mạch 500mcg/kg/phút trong 4 phút, sau đó nếu cần có thể truyền tĩnh mạch duy trì với liều 300mcg/ kg/phút.
  • Sau cuộc phẫu thuật: Áp dụng cách dùng và liều dùng tương tự xử trí loạn nhịp nhanh trên thất ở trên.

Trẻ em

  • Cấp cứu loạn nhịp tim và tăng huyết áp: Áp dụng cho trẻ từ 1 tháng – 18 tuổi:
  • Khởi đầu tiêm tĩnh mạch 500mcg/kg trong khoảng 1 phút, sau đó truyền tĩnh mạch duy trì với tốc độ 50mcg/kg/phút trong 4 phút (nếu tần số tim thấp và huyết áp quá thấp thì có thể giảm tốc độ truyền). Nếu bệnh nhi chưa đạt được đáp ứng tốt, tiêm tĩnh mạch 1 liều nạp 500mcg/kg trong 1 phút, tăng tốc độ truyền duy trì lên thành 100mcg/kg/phút trong 4 phút.
  • Nếu cần thiết, tiếp tục lặp lại chu trình điều trị như trên cho tới khi bệnh nhân đạt được đáp ứng đầy đủ, mỗi lần lặp lại tốc độ truyền duy trì tăng thêm 50mcg/kg/phút cho đến khi đạt 200mcg/kg/phút. Không khuyến cáo sử dụng Esmolol với liều trên 300mcg/kg/phút.
  • Tứ chứng Fallot bẩm sinh: cho trẻ sơ sinh: Liều khởi đầu tiêm tĩnh mạch 600mcg/kg trong 1 – 2 phút, nếu cần thiết có thể truyền tĩnh mạch duy trì 300 -–900mcg/kg/phút.

3.3. Quá liều thuốc Esmolol và xử trí

Triệu chứng có thể gặp khi quá liều thuốc Esmolol bao gồm: hạ huyết áp, nhịp tim chậm có triệu chứng, block nhĩ thất nghiêm trọng, giảm dẫn truyền, khiếm khuyết trong dẫn truyền tại tâm thất, giảm co bóp cơ tim, suy tim cấp, ngừng tim, sốc, co giật… Bệnh nhân nhạy cảm có thể xảy ra co thắt phế quản, phân ly điện cơ học, hạ glucose máu, mất ý thức. Trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn. Liều Esmolol đã gây tử vong dao động trong khoảng rộng, từ 0,625 – 2,5g (12,5 – 50 mg/kg).

Khi đó, người bệnh cần ngừng dùng thuốc Esmolol ngay lập tức, chủ yếu điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Trường hợp xuất hiện nhịp tim chậm có triệu chứng có thể dùng thuốc kháng cholinergic tiêm tĩnh mạch (ví dụ atropin sulfat).

Trường hợp hạ huyết áp có triệu chứng: truyền dịch và thuốc làm tăng huyết áp được chỉ định; tình trạng suy tim chỉ định glycosid trợ tim, thuốc lợi tiểu. Glucagon tiêm tĩnh mạch được khuyến cáo sử dụng cho ức chế cơ tim và hạ huyết áp gây ra bởi quá liều thuốc chẹn beta. Sử dụng thuốc chủ vận β2 -adrenergic hoặc dẫn chất Theophylin, Ipratropium khi bệnh nhân xuất hiện co thắt phế quản. Một số trường hợp quá liều thuốc chẹn β-adrenergic được xử trí bằng truyền tĩnh mạchcanxi hoặc truyền insulin cùng với glucose. Dùng Isoproterenol để điều trị sốc hoặc hạ huyết áp, nếu dùng cần hết sức thận trọng và tuy nhiên tốt nhất không dùng.

4. Các tác dụng phụ của thuốc Esmolol

Sử dụng thuốc Esmolol bạn có thể gặp một số tác dụng phụ sau:

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng: block tim, phản vệ, động kinh, co thắt phế quản, phù phổi.

  • Tim mạch: hạ huyết áp, thiếu máu ngoại vi, chậm nhịp tim, đau ngực, phù phổi, sung huyết phổi, tăng áp lực động mạch phổi.
  • Thần kinh: chóng mặt, đau đầu, kích thích, ngủ gà, lẫn lộn, suy nhược, trầm cảm, rối loạn ngôn ngữ, suy nghĩ bất thường, động kinh co cứng – giật rung.
  • Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, rối loạn vị giác, táo bón, khó tiêu, chán ăn, đau bụng.
  • Hô hấp: co thắt phế quản, khó thở khò khè, nghẹt mũi, ran phổi.
  • Da: đau tại chỗ tiêm, đổi màu da tại vị trí tiêm, ban đỏ, huyết khối tắc mạch và hoại tử da tại chỗ do thoát mạch, phù.
  • Khác: bí tiểu, rối loạn thị giác, ớn lạnh, sốt, giảm hemoglobin, tăng LDH huyết thanh.

Khi xảy ra các tác dụng phụ của thuốc Esmolol, cần giảm tốc độ truyền thuốc ngay lập tức hoặc có thể ngừng truyền nếu cần.

Bệnh nhân co thắt phế quản cần ngừng truyền Esmolol ngay, và nếu cần có thể sử dụng thuốc giãn phế quản (kích thích thụ thể β2 -adrenergic) nhưng phải hết sức thận trọng, đặc biệt khi bệnh nhân có nhịp nhanh thất từ trước.

Nếu xuất hiện phản ứng phản vệ khi dùng Esmolol, bệnh nhân thường đáp ứng kém hơn với liều dùng Epinephrin thông thường hoặc có thể đáp ứng nghịch lý. Cân nhắc sử dụng ipratropium hoặc glucagon cho bệnh nhân này. Ipratropium cũng có tác dụng điều trị co thắt phế quản kèm với phản ứng phản vệ ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế β-adrenergic.

5. Lưu ý khi dùng thuốc Esmolol

Bệnh nhân suy tim sung huyết, thuốc Esmolol có nguy cơ làm suy giảm thêm khả năng co bóp cơ tim và trầm trọng thêm suy tim. Ngừng dùng thuốc khi xuất hiện dấu hiệu suy tim và dùng thuốc điều trị đặc hiệu nếu cần (glycosid trợ tim, thuốc lợi tiểu). Trường hợp bắt buộc tiếp tục điều trị bằng Esmolol, khi triệu chứng của suy tim thuyên giảm có thể truyền thuốc lại với tốc độ chậm hơn. Esmolol có thể che lấp triệu chứng nhịp tim nhanh do hạ glucose máu ở bệnh nhân đái tháo đường.

Bệnh nhân suy giảm huyết động hoặc đang sử dụng thuốc làm giảm sức cản ngoại vi, giảm co bóp cơ tim, giảm tưới máu cơ tim hoặc giảm lan truyền xung động điện tại cơ tim: cần thận trọng khi sử thuốc Esmolol. Đã ghi nhận tử vong khi sử dụng esmolol ở bệnh nhân có tình trạng bệnh phức hợp để kiểm soát nhịp thất.

Thuốc ức chế thụ thể β-adrenergic tiêm tĩnh mạch bao gồm Esmolol, cần sử dụng thận trọng ở bệnh nhân rung nhĩ cấp tính kèm suy chức năng thất trái nặng, có đường dẫn truyền phụ hoặc giảm huyết áp.

Không sử dụng Esmolol ở bệnh nhân tăng huyết áp do co mạch kèm với giảm thân nhiệt.

Do Esmolol có thể gây hạ huyết áp nên cần kiểm tra huyết áp trước khi dùng thuốc, đặc biệt ở bệnh nhân có huyết áp thấp trước khi điều trị (huyết áp tâm thu

Dùng thuốc Esmolol ở bệnh nhân suy thận có nguy cơ gây ngộ độc thuốc.

Phụ nữ mang thai: chưa có nghiên cứu có kiểm soát về việc sử dụng Esmolol ở phụ nữ mang thai. Sử dụng thuốc trong thai kỳ cuối hoặc trong lúc chuyển dạ có thể gây nhịp tim chậm ở thai nhi, và có thể tác dụng kéo dài sau khi đã ngừng truyền thuốc. Chỉ sử dụng Esmolol cho phụ nữ mang thai khi lợi ích cho bà mẹ cao hơn nguy cơ đối với thai nhi.

Phụ nữ đang cho con bú: chưa rõ Esmolol có bài tiết vào sữa mẹ hay không, do đó cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú.

Esmolol dạng tiêm, truyền trong bao bì kín, chưa mở nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng (20 – 25oC), tránh để nơi quá nóng hoặc đóng băng.

Dung dịch esmolol hydroclorid pha chế ở nồng độ 10mg/ml, ổn định ít nhất trong 24 giờ nếu để ở nhiệt độ 15-30°C hoặc trong tủ lạnh trong các dung dịch sau: dextrose 5%; dextrose 5% và NaCl 0,45% hoặc 0,9%; dextrose 5% và Ringer lactat; Ringer lactat; NaCl 0,45% hoặc 0,9%; dextrose 5% and kali clorid 40 mEq/lít.

Esmolol hydroclorid tương hợp về vật lý và hóa học với digoxin, dopamin hydroclorid, lidocain hydroclorid, fentanyl citrat, morphin sulfat, nitroglycerin. Tuy nhiên tính tương hợp còn phụ thuộc vào một số yếu tố như dung môi pha thuốc, nồng độ của thuốc, pH của dung dịch và nhiệt độ. Chỉ trộn lẫn Esmolol với các thuốc này sau khi đã pha loãng dung dịch tiêm tới nồng độ 10mg/ml bằng dung dịch truyền tĩnh mạch thích hợp.

Esmolol hydroclorid tương kị vật lý hoặc hóa học với furosemid, diazepam, natri bicarbonat, warfarin. Không được trộn lẫn Esmolol với các thuốc này.

6. Tương tác thuốc

  • Digoxin: sử dụng đồng thời với esmolol làm tăng nồng độ digoxin trong huyết thanh lên 10-20%, digoxin không làm ảnh hưởng dược động học của Esmolol. Phối hợp Digoxin và Esmolol trong điều trị rối loạn nhịp nhanh trên thất trong quá trình phẫu thuật tim có thể làm giảm nhịp tim tốt hơn so với dùng Esmolol đơn độc.
  • Verapamil: sử dụng đồng thời thuốc chẹn β-adrenergic tiêm tĩnh mạch, bao gồm Esmolol, với Verapamil tiêm tĩnh mạch gây ra phản ứng bất lợi nghiêm trọng như ngừng tim dẫn tới tử vong.
  • Thuốc co mạch hoặc co cơ (inotropic) như dopamin, norepinephrin, epinephrin: không được dùng đồng thời với Esmolol vì có nguy cơ ức chế co bóp cơ tim khi sức cản mạch toàn thân lớn.
  • Tần suất và mức độ phản ứng phản vệ tăng lên khi sử dụng thuốc ức chế thụ thể β-adrenergic Esmolol; có thể có đáp ứng nghịch thường nếu xử lý bằng epinephrin. Trong trường hợp này, có thể xử trí bằng glucagon hoặc ipratropium.
  • Thuốc hủy catecholamin như reserpin: có thể tăng tác dụng khi sử dụng cùng với Esmolol. Thận trọng theo dõi tác dụng chậm nhịp tim hoặc giảm huyết áp quá mức.
  • Morphin: làm nồng độ esmolol trong máu ở trạng thái cân bằng tăng 50%. Do đó thận trọng điều chỉnh lại liều Esmolol.
  • Esmolol có thể kéo dài tới 60% tác dụng ức chế thần kinh cơ của sucinylcholin, nhưng không ảnh hưởng đến thời gian khởi đầu tác dụng.
  • Wafarin: dùng đồng thời có thể làm tăng nhẹ nồng độ esmolol, nên cần thận trọng điều chỉnh lại liều thuốc.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-esmolol/