Công dụng thuốc Loravidi

Thuốc Loravidi thường được sử dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng, mày đay, … Bệnh nhân dùng thuốc Loravidi có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như rối loạn tiêu hóa, viêm họng, khô miệng… Cần lưu ý gì khi dùng thuốc Loravidi?

1. Loravidi là thuốc gì?

Thuốc Loravidi là thuốc không kê đơn, được phân loại vào nhóm thuốc chống dị ứng và dùng trong các trường hợp quá mẫn. Thành phần hoạt chất chính của thuốc Loravidi Loratadine.

Dạng bào chế: viên nén dài, mỗi viên chứa 10mg Loratadine và các tá dược khác.

Dạng đóng gói: trên thị trường hiện nay có hai dạng đóng gói là hộp 10 vỉ x 10 viên hoặc hộp 1 chai 100 viên nén dài.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Loravidi

Thuốc Loravidi thường được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Viêm mũi dị ứng với các triệu chứng điển hình như hắt hơi, ngứa mũi, sổ mũi
  • Viêm kết mạc dị ứng với các triệu chứng điển hình như ngứa mắt, nóng mắt
  • Mày đay
  • Các rối loạn dị ứng da

Chống chỉ định: tuyệt đối không sử dụng Loravidi trong các trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc Loravidi
  • Trẻ em dưới 2 tuổi hoặc trẻ em có trọng lượng cơ thể dưới 30kg.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Loravidi

Để đảm bảo an toàn khi điều trị với thuốc Loravidi, bạn cần tuân thủ theo lời dặn của bác sĩ, dược sĩ hoặc thông tin trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Không được tự ý thay đổi liều lượng, hoặc dùng theo đường dùng khác với khuyến cáo của nhà sản xuất. Đồng thời, không nên dùng chung Loravidi với người khác hoặc đưa thuốc cho người khác sử dụng khi họ có triệu chứng giống bạn.

Liều lượng:

  • Trẻ em từ 2 – 12 tuổi có cân nặng từ 30kg trở lên: 1 viên/lần x 1 lần/ngày (tính theo viên 10mg).
  • Trẻ em trên 12 tuổi và người lớn: 1 viên/lần x 1 lần/ngày (tính theo viên 10mg).
  • Đối với bệnh nhân suy gan: 1 viên/lần, 2 ngày sử dụng 1 viên.
  • Không cần điều chỉnh liều ở người cao tuổi và bệnh nhân suy thận.

Cách dùng: thuốc Loravidi chỉ được sử dụng bằng đường uống. Uống nguyên viên thuốc với một lượng nước vừa đủ, không nhai hoặc nghiền nát viên thuốc. Không uống thuốc bằng các dung dịch lỏng khác như nước ngọt, nước trà, rượu bia, …

Cần làm gì khi quên một liều Loravidi?

  • Khi quên liều hãy uống một liều khác khi nhớ ra càng sớm càng tốt. Bình thường có thể uống thuốc cách 1 – 2 giờ so với giờ được hướng dẫn.
  • Nếu thời điểm đó gần với lần dùng thuốc tiếp theo hãy bỏ qua và dùng liều tiếp theo như thường lệ.
  • Không uống gấp đôi liều để bù liều đã bỏ lỡ.

Cần làm gì khi quá liều thuốc Loravidi?

  • Khi quá liều Loravidi, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như nhức đầu, buồn ngủ, tim đập nhanh. Nếu các triệu chứng này trở nên nghiêm trọng, hãy đưa bệnh nhân đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Cần mang theo tất cả các thuốc mà bệnh nhân đã sử dụng trước đó để thuận tiện cho việc chẩn đoán và điều trị.

4. Tác dụng không mong muốn thuốc Loravidi

Ngoài tác dụng điều trị, thuốc Loravidi có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn khác trong quá trình sử dụng như:

  • Thường gặp: đau đầu, khô miệng
  • Ít gặp: viêm kết mạc, kích ứng đường hô hấp, chóng mặt
  • Hiếm gặp: đánh trống ngực, tim đập nhanh, nhịp nhanh trên thất, trầm cảm, buồn nôn, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ, rối loạn chức năng gan, choáng phản vệ, mày đay, ngoại ban.

Ngoài ra, Loravidi có thể gây ra những triệu chứng khác mà chưa được liệt kê hoặc nghiên cứu. Vì vậy để đảm bảo an toàn, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ khi thấy xuất hiện triệu chứng bất thường nào trong quá trình sử dụng thuốc Loravidi.

5. Tương tác thuốc Loravidi

Khi điều trị Loravidi cùng với nhiều loại thuốc, có thể xảy ra tình trạng tương tác giữa các thuốc hoặc tương tác giữa thuốc và thực phẩm, đồ uống. Điều này có thể ảnh hưởng đến sinh khả dụng, chuyển hóa, tác dụng, thậm chí làm gia tăng độc tính của thuốc. Vì vậy để sử dụng thuốc an toàn, bạn cần liệt kê và thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe đang sử dụng, cũng như các bệnh lý đang mắc. Một số thuốc có thể tương tác với thuốc Loravidi như:

  • Erythromycin, Cimetidin, …: có thể làm thay đổi nồng độ của Loravidi trong máu và làm gia tăng tần suất gặp các tác dụng không mong muốn.
  • Ketoconazol làm tăng nồng độ của Loravidi trong máu.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Loravidi

Sử dụng thuốc Loravidi trong thai kỳ: nghiên cứu trên động vật thí nghiệm không thấy tác hại trực tiếp và gián tiếp trên hệ sinh sản. Nghiên cứu trên 1000 phụ nữ mang thai cho thấy Loravidi không gây quái thai hoặc độc tính trên bào thai. Tuy nhiên, chỉ sử dụng thuốc Loravidi ở phụ nữ mang thai khi thật cần thiết và phải có hướng dẫn của bác sĩ.

Sử dụng thuốc Loravidi trong thời kỳ cho con bú: Loravidi bài tiết vào sữa mẹ. Vì vậy cần ngừng thuốc hoặc ngừng cho bú khi sử dụng thuốc Loravidi.

Thuốc Loravidi có thể gây chóng mặt, ngủ gà, đau đầu làm ảnh hưởng đến khả năng lái xe, vận hành máy móc hoặc các công việc cần sử tập trung cao.

Lưu ý khác:

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Loravidi cho bệnh nhân suy gan.
  • Loravidi có thể gây khô miệng, đặc biệt ở người cao tuổi. Vì vậy cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ trong quá trình dùng thuốc.
  • Không sử dụng Loravidi ít nhất 48 giờ trước khi làm các xét nghiệm da và chỉ số phản ứng da.

7. Bảo quản thuốc Loravidi

Bảo quản thuốc Loravidi trong bao bì gốc của nhà sản xuất, ở nơi thoáng mát, sạch sẽ tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

Để Loravidi tránh xa tầm tay trẻ em cũng như vật nuôi, tránh chúng không biết nhai phải gây ra những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng.

Thuốc Loravidi có hạn sử dụng là 36 tháng, không dùng thuốc đã hết hạn hoặc có các dấu hiệu thay đổi màu sắc, tính chất, không còn nguyên tem nhãn niêm phong.

Trên đây là những thông tin về công dụng thuốc Loravidi, người bệnh trước khi sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn và thực hiện theo chỉ định bác sĩ chuyên môn để có được kết quả điều trị tốt nhất.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-loravidi/