Công dụng thuốc Memloba

Memloba thuộc nhóm thuốc có nguồn gốc từ thảo dược. Công dụng chính của thuốc Memloba là tăng lưu lượng tuần hoàn máu ở động mạch các chi và điều trị chứng phù nề tự phát, rối loạn tuần hoàn não, mất trí nhớ ngắn hạn,…

1. Thuốc Memloba là thuốc gì?

Thành phần phần chính của Memloba là cao khô bạch quả, có hàm lượng 40mg. Có thể sử dụng thuốc cho người từ 12 tuổi trở lên, cần thận trọng khi dùng cho người đang mang thai và đang trong thời kỳ cho con bú.

Thuốc Memloba được điều chế ở dạng viên nang mềm với quy cách đóng gói bao gồm một hộp 6 vỉ, mỗi vỉ 10 viên. Bạn có thể sử dụng thuốc Memloba trong vòng 36 tháng kể từ ngày sản xuất. Công dụng chính của thuốc Memloba là tăng lưu lượng tuần hoàn máu ở động mạch các chi, điều trị mất trí nhớ ngắn hạn, chứng phù nề tự phát, rối loạn tuần hoàn não và suy giảm tâm thần,…

2. Thuốc Memloba có tác dụng gì sau khi sử dụng?

Thuốc Memloba có khả năng phân hủy các gốc tự do trong cơ thể, đồng thời ức chế sự hình thành lipid peroxide. Từ đó, Memloba có tác dụng bảo vệ lớp màng tế bào khỏi sự ảnh hưởng gây ra bởi các gốc tự do. Ngoài ra, thuốc Memloba có thể cải thiện hệ tuần hoàn bằng cách làm giảm độ nhớt của máu và tăng sự đàn hồi của hồng cầu, bạch cầu. Memloba cung cấp glucose và oxygen đến các mô bị thiếu máu, điều hòa lực trương của máu bằng cách giải phóng catecholamin và ức chế sự thoái biến.

Các thành phần có trong Memloba được đào thải chủ yếu qua nước tiểu, chỉ có 1 phần nhỏ qua phân. Thời gian bán thải của Memloba kéo dài từ 4 đến 10 tiếng. Thuốc Memloba thường được sử dụng để tăng lưu lượng tuần hoàn máu các chi, điều trị chứng phù nề tự phát bằng cách duy trì tính thấm mao mạch, duy trì chuyển hóa năng lượng của tế bào,… Ngoài ra, cao khô bạch quả có tác dụng hiệu quả trong ngăn ngừa sự hình thành của các cục máu đông, rất tốt để sử dụng cho người lớn tuổi.

3. Các đối tượng được chỉ định sử dụng thuốc Memloba

Dựa trên các tác dụng của cao khô bạch quả, bác sĩ thường chỉ định thuốc Memloba để:

  • Điều trị rối loạn tuần hoàn máu não và ngoại biên.
  • Cải thiện sự tập trung, mất trí, suy giảm trí nhớ gây ra do sự xơ cứng mạch máu não hoặc các triệu chứng sau đột quỵ.
  • Điều trị triệu chứng tê lạnh tay chân, cảm giác kiến bò của bệnh tắc động mạch chi dưới mạn tính.
  • Rối loạn thị giác.
  • Rối loạn tuần hoàn máu.
  • Bệnh võng mạc (biến chứng bệnh tiểu đường), thoái hóa điểm (xuất hiện chủ yếu ở người lớn tuổi).
  • Hội chứng Raynaud.

4. Hướng dẫn sử dụng thuốc Memloba và liều lượng dùng thuốc

Liều lượng sử dụng thuốc Memloba có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh của mỗi người hoặc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Bạn cần nuốt nguyên viên thuốc trong 1 lần uống chứ không nên nhai hoặc nghiền nát. Memloba có thể uống trong bữa ăn.

  • Với liều thông thường (người lớn và trẻ nhỏ từ 12 tuổi trở lên): Uống thuốc Memloba 3 lần/ ngày, mỗi lần 1 viên.
  • Với bệnh nhân mắc chứng rối loạn chức năng não: Uống từ 1 đến 2 viên mỗi lần, mỗi ngày uống 3 lần.
  • Chóng mặt: 1 viên mỗi lần (3-4 lần/ ngày) hoặc 2 viên với 1-2 lần/ ngày.

5. Những điều cần thận trọng trong quá trình sử dụng thuốc Memloba

Các nhóm đối tượng không được chỉ định sử dụng thuốc Memloba gồm:

  • Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc (bạch quả).
  • Bệnh nhân đang trong thời kỳ tai biến mạch máu não cấp tính.
  • Bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, hạ huyết áp, rối loạn chảy máu.
  • Suy giảm trí nhớ (thần kinh phân liệt, thiểu năng não bẩm sinh).
  • Trẻ nhỏ dưới 12 tuổi và người đang trong quá trình mang thai hoặc đang cho con bú.

Chưa có thông tin nào chứng minh về các trường hợp quá liều mà thuốc Memloba có thể gây ra.

Trong quá trình điều trị với thuốc Memloba, bạn có thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn như: Rối loạn dạ dày-ruột, các phản ứng dị ứng, rối loạn tuần hoàn (tụt huyết áp, choáng váng, nhức đầu, vài trường hợp cá biệt rối loạn nhịp tim),… Tuy nhiên, các triệu chứng này rất hiếm khi xuất hiện.

Thuốc Memloba cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng. Không nên lưu trữ thuốc ở nơi có độ ẩm không khí quá cao như nhà tắm, nhà vệ sinh,… Do những nơi này sẽ tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển gây hư hỏng thuốc.

6. Sự tương tác giữa Memloba khi kết hợp với các loại thuốc khác

Khi xảy ra sự tương tác giữa các thuốc có thể làm thay đổi cơ chế hoạt động của chúng. Sự thay đổi này có thể có lợi, có thể có hại cho người dùng. Memloba có thể xảy ra phản ứng tương tác nếu dùng đồng thời với:

  • Thuốc chống co giật;
  • Thuốc chống đông máu như aspirin, clopidogrel, dipyridamole, heparin, ticlopidine, warfarin,… không nên phối hợp vì thuốc Memloba cũng có tính chất làm loãng máu.
  • Các thuốc chống trầm cảm như phenelzine, tranylcypromine.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Memloba, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Memloba điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-memloba/