Công dụng thuốc Nazoster

Thuốc Nazoster được bào chế dưới dạng dung dịch xịt mũi, có thành phần hoạt chất chính là Mometasone furoate. Thuốc được sử dụng trong điều trị triệu chứng, phòng ngừa viêm mũi dị ứng và các bệnh lý liên quan ở mũi.

1. Công dụng của thuốc Nazoster

Nazoster là thuốc gì? Đây là thuốc xịt mũi có thành phần hoạt chất là Mometasone furoate cùng các tá dược khác. Mometasone furoate là 1 glucocorticosteroid dùng ngoài, có tính chất chống viêm tại chỗ ở những liều không có tác dụng toàn thân. Cơ chế tác dụng kháng viêm và kháng dị ứng của Mometasone furoate dựa vào sự ức chế các chất trung gian gây phản ứng dị ứng. Hiệu quả lâm sàng rõ rệt thường xuất hiện sớm nhất là 12 giờ sau liều đầu tiên.

Thuốc Nazoster được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Điều trị các triệu chứng viêm mũi theo mùa và quanh năm ở người từ 2 tuổi trở lên;
  • Dự phòng viêm mũi dị ứng theo mùa ở người từ 12 tuổi trở lên. Nên điều trị dự phòng từ 2 – 3 tuần trước khi vào mùa phấn hoa;
  • Điều trị triệu chứng liên quan tới các khối u mũi (gồm tắc nghẽn và mất mùi) ở người từ 18 tuổi trở lên.

Thuốc Nazoster chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Người mẫn cảm với thành phần của thuốc;
  • Không sử dụng khi vết thương chưa lành ở bệnh nhân từng phẫu thuật mũi hoặc chấn thương gần đây;
  • Người bị nhiễm virus, nấm và lao;
  • Trẻ em dưới 2 tuổi.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Nazoster

Lắc kỹ thuốc trước khi sử dụng. Khi dùng lần đầu tiên hoặc khi đầu bơm xịt chưa được sử dụng trong khoảng 14 ngày thì bạn nên xịt thử thuốc khoảng 6 – 7 lần ra không khí cho thấy khi đã xịt được thuốc chuẩn. Mỗi nhát xịt có chứa khoảng 100μg hỗn dịch mometasone furoate, tương đương 50 microgram mometasone furoate.

2.1 Cách dùng

Hướng dẫn sử dụng thuốc Nazoster như sau:

  • Lắc lọ nhẹ nhàng, gỡ bỏ phần nắp bảo vệ;
  • Nhẹ nhàng làm sạch 2 bên mũi;
  • Bịt 1 bên mũi, đặt đầu phun của lọ thuốc vào trong lỗ mũi còn lại, giữ bình thẳng trong khi đầu hơi nghiêng về phía trước;
  • Thở chậm, xịt vào mũi bằng cách bấm ngón tay 1 lần đồng thời hít vào;
  • Thở ra bằng miệng, lặp lại tiến trình trong bước 4 lại 1 lần nữa vào cùng 1 lỗ mũi;
  • Lấy lọ thuốc ra khỏi mũi, thở ra qua miệng;
  • Lặp lại tiến trình từ bước 3 – 6 cho bên lỗ mũi còn lại;
  • Sau khi sử dụng, dùng khăn giấy hoặc khăn sạch lau bình xịt, đóng nắp lại.

2.2 Liều dùng

Điều trị viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc viêm mũi quanh năm:

  • Người lớn (gồm cả người cao tuổi) và thanh thiếu niên: Liều khuyến cáo cho dự phòng và điều trị là 200mcg/ngày chia thành 2 nhát xịt 50mcg vào cả 2 lỗ mũi x 1 lần/ngày. Sau khi các triệu chứng được kiểm soát, dùng liều duy trì với tổng liều 100mcg/ngày chia thành 1 nhát xịt 50mcg vào cả 2 lỗ mũi x 1 lần/ngày. Nếu các triệu chứng không được kiểm soát đầy đủ, dùng liều tối đa có thể lên tới 400mcg: 4 nhát xịt vào cả 2 lỗ mũi x 1 lần/ngày. Sau khi các triệu chứng được kiểm soát thì cần giảm liều. Hiệu quả của thuốc rõ rệt sau 12 giờ kể từ khi dùng liều đầu tiên;
  • Trẻ em từ 2 – 11 tuổi: Tổng liều hằng ngày được khuyến cáo là 100mcg chia thành 1 nhát xịt 50mcg vào cả 2 lỗ mũi x 1 lần/ngày. Khi sử dụng cho trẻ nhỏ, người lớn cần xịt cho trẻ.

Điều trị bệnh polyp mũi:

Dùng cho người lớn từ 18 tuổi trở lên: Tổng liều khuyến cáo hằng ngày là 400mcg chia thành 2 nhát xịt (50mcg/nhát xịt) x 2 lần/ngày vào mỗi bên mũi. Nếu triệu chứng được kiểm soát đầy đủ thì có thể giảm tổng liều dùng xuống còn 200mcg chia thành 2 nhát xịt (50mcg/nhát xịt) x 1 lần/ngày vào mỗi bên mũi.

2.3. Quá liều

Do sinh khả dụng toàn thân của thuốc Nazoster dạng xịt không đáng kể nên nếu dùng thuốc quá liều, cần theo dõi bệnh nhân và kê toa lại liều dùng phù hợp. Triệu chứng quá liều có thể gồm khó thở, chảy máu cam, đau rát ở mũi,… Người bệnh nên thông báo với bác sĩ hoặc đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời.

2.4. Quên liều

Bệnh nhân nên xịt thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu đã gần đến liều tiếp theo thì có thể bỏ qua liều đã quên, xịt thuốc với liều kế tiếp như bình thường (không bù liều).

3. Tác dụng phụ của thuốc Nazoster

Một số tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Nazoster gồm:

  • Đau đầu;
  • Chảy máu cam;
  • Dịch nhầy đẫm máu và đông máu;
  • Viêm họng;
  • Ngứa mũi;
  • Rát mũi;
  • Loét mũi;
  • Hắt hơi;
  • Phản ứng quá mẫn: Co thắt phế quản và khó thở, sốc phản vệ và phù mạch (hiếm gặp);
  • Rối loạn vị giác và khứu giác (hiếm gặp).

Khi gặp những tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Nazoster, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ để nhận được lời khuyên thích hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Nazoster

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Nazoster gồm:

  • Thuốc dạng xịt nên sử dụng thận trọng ở người bị nhiễm khuẩn lao dạng tiềm ẩn hoặc hoạt động, nhiễm khuẩn hoặc nhiễm trùng toàn thân, nhiễm nấm không điều trị, nhiễm herpes simplex ở mắt;
  • Khi điều trị lâu dài (người sử dụng thuốc Nazoster nhiều tháng hoặc lâu hơn) nên kiểm tra sự thay đổi trong niêm mạc mũi. Nếu nhiễm nấm tại chỗ tiến triển trong mũi hoặc hầu họng thì nên ngưng dùng thuốc dạng xịt hoặc bắt đầu với biện pháp điều trị thích hợp khác. Nếu xảy ra tình trạng kích thích kéo dài trong vòm họng, nên cân nhắc ngưng dùng thuốc Nazoster;
  • Không có bằng chứng về tình trạng chèn ép trục dưới đồi – yên – thượng thận (HPA) khi sử dụng Nazoster lâu dài. Tuy nhiên, nên theo dõi kỹ càng nếu chuyển từ corticosteroid toàn thân trong thời gian dài sang dùng Nazoster 0,05% dạng xịt. Ở những bệnh nhân này nếu có dấu hiệu suy thượng thận, điều trị với corticosteroid thì cần kèm theo phương pháp điều trị khác và thường xuyên kiểm tra, đánh giá sức khỏe;
  • Trong quá trình chuyển đổi từ corticosteroid sang Nazoster 0,05% dạng xịt, một số bệnh nhân có thể bị đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và trầm cảm. Ngoài ra, sự chuyển đổi này có thể gây triệu chứng dị ứng như viêm kết mạc dị ứng và eczema;
  • Có khả năng suy giảm miễn dịch ở bệnh nhân sử dụng corticosteroid trước một số bệnh nhiễm trùng (thủy đậu, sởi);
  • Thận trọng với người bị cường chức năng tuyến giáp;
  • Thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ em vì trẻ rất nhạy cảm với tác dụng phụ của thuốc. Trong trường hợp cần thiết sẽ phải giảm liều;
  • Thận trọng, chỉnh liều thích hợp đối với người cao tuổi vì người già thường dùng nhiều loại thuốc, rất nhạy cảm với tác dụng chính và tác dụng phụ của thuốc (do dung nạp kém, cơ chế điều hòa cân bằng hằng định nội môi giảm);
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở người lái xe hoặc vận hành máy móc do thuốc có thể gây chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu tạm thời;
  • Có trường hợp xảy ra biến chứng thủng vách ngăn mũi hoặc tăng nhãn áp do sử dụng corticosteroid dạng xịt (rất hiếm);
  • Chưa xác định được độ an toàn của thuốc đối với phụ nữ có thai và cho con bú nên nhóm đối tượng này cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.

5. Tương tác thuốc Nazoster

Một số tương tác thuốc Nazoster mà người bệnh cần lưu ý:

  • Mometasone furoate là 1 chất nền của CYP3A4. Khi sử dụng mometasone furoate đồng thời với Loratadin không gây ảnh hưởng đáng kể tới nồng độ Loratadin trong huyết tương và chất chuyển hóa chính của nó;
  • Thuốc Nazoster có thể phối hợp với thuốc điều trị và dự phòng hen phế quản (theo chỉ định của bác sĩ);
  • Không phối hợp thuốc Nazoster với các thuốc dùng qua đường hô hấp có tác dụng toàn thân (như thuốc gây mê hô hấp).

Thuốc Nazoster được sử dụng trong những trường hợp viêm mũi dị ứng, viêm xoang cấp,… Khi dùng thuốc, người bệnh nên tuyệt đối tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất và giảm nguy cơ mắc phải các tác dụng phụ.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-nazoster/