Công dụng thuốc Sacendol

Sacendol có thành phần chính Paracetamol, là thuốc điều trị các triệu chứng cảm cúm, sốt, sổ mũi cũng như có tác dụng giảm đau, kháng dị ứng. Cùng tìm hiểu các thông tin về công dụng, liều dùng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Sacendol qua bài viết sau.

1. Sacendol là thuốc gì ? Công dụng của Sacendol

Thuốc Sacendol có thành phần chính là Paracetamol 150mg, được bào chế dưới dạng thuốc cốm.

Paracetamol hay Acetaminophen, là chất chuyển hóa của Phenacetin. Với liều tương tự Aspirin, Paracetamol có tác dụng hạ sốt, giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên, không giống Aspirin hay các nhóm thuốc thuộc nhóm NSAIDs, Paracetamol không có hiệu quả trong điều trị kháng viêm.

Tác dụng giảm đau của Paracetamol được thực hiện thông qua cơ chế làm giảm sự truyền tín hiệu cảm thụ trong tủy sống bằng cách ức chế hoạt động của COX-2 trung tâm và sự hoạt động của con đường 5-hydroxytryptamine.

Paracetamol tác động lên trung tâm điều nhiệt tại trên não, làm giãn các mạch máu, tăng lưu lượng máu ngoại vi giúp tỏa nhiệt. Paracetamol ít gây tác động lên tim mạch, hô hấp hay toàn cơ thể. Ngoài ra, thuốc cũng không làm tăng xuất huyết hay ảnh hưởng dạ dày vì không làm thay đổi cân bằng acid-base, không kích ứng dạ dày.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Sacendol

Thuốc Sacendol được sử dụng trong trường hợp đau và sốt mức độ nhẹ hoặc vừa. Ngoài ra, Sacendol còn điều trị các triệu chứng khi thay đổi thời tiết đột ngột như cảm cúm, viêm mũi, viêm xoang, sổ mũi, nhức đầu hay đau răng, đau bụng,…

Thuốc Sacendol không được sử dụng cho những bệnh nhân có các bệnh lý sau:

  • Tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thuốc nào chứa Paracetamol.
  • Bệnh di truyền thiếu hụt men Glucose – 6 – phosphat dehydrogenase.
  • Sốt cao trên 39,5 độ C.
  • Thiếu máu.
  • Suy gan nặng.
  • Viêm loét đường tiêu hóa nặng.
  • Phì đại tiền liệt tuyến.

Để đảm bảo an toàn khi dùng Sacendol, người bệnh cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ tình trạng sức khỏe và tiền sử dị ứng để được cân nhắc sử dụng thuốc.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Sacendol

Thuốc Sacendol được sử dụng bằng đường uống. Hòa gói thuốc vào một lượng nước thích hợp, chờ đến khi sủi bọt hết và dùng ngay. Sacendol có vị ngọt và mùi thơm trái cây nên rất thích hợp dùng cho trẻ nhỏ. Thuốc Sacendol có thể được uống cùng lúc hoặc sau bữa ăn.

Liều dùng phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ:

  • Trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi: 1/2 gói/lần, ngày 2 lần.
  • Trẻ từ 1 – 2 tuổi: 1 gói/lần, ngày 2 lần.
  • Trẻ từ 2 – 3 tuổi: 1 gói/ lần, ngày 3 -4 lần.
  • Trẻ từ 4 – 5 tuổi: 1,5 gói/lần, ngày 3 – 4 lần.
  • Trẻ từ 6 – 8 tuổi: 2 gói/lần, ngày 3 – 4 lần.
  • Không sử dụng thuốc Sacendol cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Bậc phụ huynh cần cho trẻ uống thuốc đúng chỉ định và liều dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Không được tự ý sử dụng thuốc hoặc tăng liều dùng.

4. Tác dụng phụ của thuốc Sacendol

Khi dùng thuốc Sacendol người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Thường gặp: Sốt, thương tổn niêm mạc, ban da, phản ứng dị ứng khác, nổi mày đay.
  • Ít gặp: ngứa, khó thở, buồn nôn, nôn, khó nuốt, giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu, bệnh thận, độc gan nếu dùng quá liều.
  • Hiếm gặp: phản ứng quá mẫn như sưng phù mắt, lưỡi, họng,…

Nếu bệnh nhân gặp các triệu chứng trên khi sử dụng Sacendol thì cần ngừng thuốc và đến cơ sở y tế gần nhất để có hướng xử trí thích hợp.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Sacendol

  • Đối với trẻ bị sốt, bố mẹ hoặc người chăm sóc phải theo dõi nhiệt độ thường xuyên bằng nhiệt kế và có phương pháp hạ sốt truyền thống như mặc đồ thông thoáng, lau khăn ấm, uống nhiều nước để hỗ trợ trẻ trong quá trình điều trị.
  • Sử dụng Paracetamol kéo dài có thể dẫn đến giảm bạch cầu, tiểu cầu hoặc toàn bộ các dạng huyết cầu.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Sacendol ở người suy gan hoặc suy giảm chức năng đào thải của thận.
  • Thận trọng khi dùng Sacendol ở người có tiền sử thiếu máu vừa hoặc nặng vì có thể gây chứng xanh tím không biểu hiện rõ trên lâm sàng trong khi nồng độ methemoglobin đã rất cao.
  • Không tự điều trị giảm đau bằng Sacendol quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em.
  • Thuốc Sacendol ít ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc nên người bệnh có thể thực hiện các hoạt động này trong quá trình điều trị.
  • Chưa có đầy đủ các nghiên cứu về mức độ an toàn của thuốc Sacendol trên phụ nữ mang thai. Vì vậy, trừ những trường hợp thật cần thiết thì không nên sử dụng Sacendol cho phụ nữ đang mang thai.
  • Hiện nay, mức độ bài tiết Paracetamol vào sữa mẹ chưa được ghi nhận chính thức, tuy nhiên chưa thấy các tác dụng phụ lên trẻ sơ sinh khi các bà mẹ có sử dụng Paracetamol.

6. Tương tác của thuốc Sacendol

Sacendol có thể tương tác nếu dùng đồng thời với những thuốc sau:

  • Dùng đồng thời Paracetamol với thuốc Coumarin hoặc dẫn xuất của Indandion trong giảm đau, hạ sốt có thể làm tăng nhẹ tác dụng của các thuốc này, tăng nguy cơ chảy máu.
  • Các thuốc sau khi dùng chung với Paracetamol có thể làm tăng nguy cơ độc gan: Phenothiazin, thuốc chống co giật như Barbiturat, Phenytoin, Carbamazepin hoặc Isoniazid.
  • Rượu tăng nguy cơ nhiễm độc gan, vì vậy không uống rượu trong gian điều trị với Paracetamol.

7. Quá liều thuốc Sacendol và xử trí

Paracetamol sử dụng liều cao lặp lại hoặc uống thuốc dài ngày hoặc chỉ sử dụng một lần với liều rất cao đều có thể dẫn đến nhiễm độc cấp. Độc tính nghiêm trọng nhất khi dùng thuốc Sacendol là hoại tử gan và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Các triệu chứng ngộ độc bắt đầu với nôn, buồn nôn, đau bụng, tím da, niêm mạc, móng tay. Đặc biệt, cần thận trọng khi quá liều ở trẻ em vì các triệu chứng của nhiễm độc sẽ diễn tiến nhanh và nhiều hơn so với người lớn.

Về thần kinh, các triệu chứng kích thích, mê sảng sẽ xuất hiện đầu tiên, tiếp theo là sững sờ, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, thở nhanh, nông, mạch nhanh nhẹ, suy tuần hoàn. Triệu chứng trụy mạch, sốc có thể xảy ra nếu hấp thu liều rất lớn Paracetamol.

Sau 2 – 4 ngày từ khi dùng liều độc, tổn thương gan trở nên rõ ràng với nồng độ bilirubin huyết tương tăng, tăng men gan trong máu, tổn thương gan lan rộng, rối loạn cơ chế đông máu, suy gan, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong. Ngược lại, nếu có thể hồi phục thì những tổn thương gan cũng phải mất đến nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Điều trị: Một số phương pháp có thể được dùng để xác định nồng độ Paracetamol trong máu, tuy nhiên việc điều trị là không thể trì hoãn dù chẩn đoán sớm một trường hợp ngộ độc Paracetamol là điều rất quan trọng. Các liệu pháp xử trí bao gồm rửa dạ dày, than hoạt, thuốc tẩy muối và dùng thuốc giải độc chính là N-acetylcystein đường uống hoặc tĩnh mạch. Cần phải cho dùng thuốc ngay lập tức nếu nếu có các triệu chứng ngộ độc cấp Paracetamol. Ngoài ra, các liệu pháp hỗ trợ thông khí, đảm bảo tuần hoàn cũng được sử dụng để đảm bảo huyết động cho bệnh nhân.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Sacendol, người bệnh cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng, tuân thủ đúng chỉ định và liều dùng để đạt hiệu quả điều trị, phòng tránh nguy cơ quá liều hoặc các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-sacendol/