Công dụng thuốc Soslac

Thuốc Soslac là thuốc gì? Thuốc Soslac thuộc nhóm thuốc kháng khuẩn có corticoid dùng tại chỗ. Bài viết sau đây cung cấp thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Soslac.

1. Tác dụng thuốc Soslac là gì?

Thuốc Soslac có thành phần chính là Clotromazol, được bào chế dưới dạng kem và quy cách đóng gói với hình thức hộp.

Tác dụng thuốc Soslac được ứng dụng hiệu quả trong các trường hợp sau:

  • Điều trị viêm da có đáp ứng với corticoid khi có biến chứng nhiễm trùng thứ phát;
  • Bệnh da di ứng như bệnh eczema, vết trầy, hăm;
  • Điều trị nấm da, lang ben.

Mặt khác, không sử dụng thuốc Soslac trong các trường hợp sau:

  • Những người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Không thoa thuốc lên vùng da trầy xước hoặc vết thương hở hoặc lở loét;
  • Người mắc Eczema tai ngoài kèm theo thủng màng nhĩ.

2. Liều dùng và cách dùng thuốc Soslac

2.1. Liều dùng

Thuốc Soslac được thoa lên vùng tổn thương với một lớp mỏng, tần suất 2 lần/ ngày cho đến khi lành hẳn. Nếu trong quá trình sử dụng bệnh nhân có dấu hiệu mẫn cảm với thuốc hoặc bị ngứa thì nên ngừng dùng thuốc ngay.

Lưu ý: Liều dùng trên được nêu ra với tính chất tham khảo. Để có liều dùng cụ thể, bệnh nhân cần được đánh giá thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp.

2.2. Cách dùng

Thuốc Soslac được sử dụng để bôi ngoài da. Người bệnh tuyệt đối không được uống hay dùng thuốc với bất kỳ mục đích nào khác. Trước khi dùng thuốc điều trị nên vệ sinh sạch vùng da bị bệnh. Vùng da cần điều trị chỉ cần lấy một lượng kem vừa đủ để thoa mỏng nhẹ lên. Lúc bôi cần massage nhẹ nhàng sao cho thuốc thẩm thấu hết vào da. Người bệnh sau khi thoa thuốc xong cần rửa lại tay với nước sạch. Tránh để thuốc dính lên mắt, mũi hay miệng… Trường hợp không may làm dính thuốc lên mắt, mũi, miệng thì ngay lập tức rửa lại với nước sạch.

Hiện chưa có ghi nhận về trường hợp dùng thuốc quá liều và để lại hậu quả. Trong trường hợp cần trợ giúp y tế thì người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi Trung cấp cứu 115 .

Trường hợp quên thoa thuốc 1 liều, cần bổ sung khi phát hiện càng sớm càng tốt. Nếu thời gian quên liều gần với thời gian thoa liều tiếp theo thì nên bỏ qua liều quên và dùng liều tiếp theo đúng kế hoạch. Tránh dùng gấp đôi liều so với quy định.

3. Tác dụng phụ của thuốc Soslac

Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống như:

  • Các phản ứng phụ thường gặp như: Bị ngứa vùng da bôi thuốc lên, khô da, nóng vùng da bôi thuốc, ban đỏ….
  • Một số tác dụng phụ ít gặp hơn như: viêm nang lông, viêm da bội nhiễm, mọc mụn;
  • Các tác dụng phụ hiếm gặp như: giảm sắc hồng cầu, bệnh vảy cá.

Trên đây là danh mục các tác dụng phụ do thuốc Soslac gây ra, tuy nhiên, danh mục này có thể chưa liệt kê đầy đủ. Trong quá trình dùng thuốc Soslac điều trị bệnh, bệnh nhân nếu gặp bất cứ triệu chứng bất thường nào thì cần ngừng dùng thuốc và báo cho bác sĩ biết tình trạng, xin ý kiến tư vấn để xử trí kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Soslac

  • Giữ vùng da cần điều trị luôn khô thoáng;
  • Không mặc các kiểu quần áo bó sát vào vùng da đang điều trị;
  • Không dùng kem khi phát hiện các biến đổi bất thường như đổi màu kem, chảy nước,…;
  • Vệ sinh vùng da đang điều trị bằng nước muối sinh lý để phòng tránh nhiễm khuẩn;
  • Thuốc không gây tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến khả năng lái xe hay vận hành máy móc;
  • Phụ nữ đang mang thai nếu muốn sử dụng thuốc thì cần xin ý kiến tư vấn từ bác sĩ trước;
  • Phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ.

5. Tương tác thuốc Soslac

Thuốc Soslac khi phối hợp với các thuốc Heparin, Clindamycin, Cloramphenicol, Actinomycin, Acetylcystein, Sulfafurazol, Sulfacetamid,… có thể bị làm giảm hiệu quả điều trị bởi tương tác giữa các loại thuốc làm giảm hoạt tính của Gentamycin.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-soslac/