Công dụng thuốc Stadasone 16

Thuốc Stadasone 16 được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Methylprednisolon. Thuốc được sử dụng làm thuốc chống viêm hoặc ức chế miễn dịch, chủ yếu dùng để điều trị một số bệnh do nguyên nhân viêm, dị ứng, huyết học, ung thư và tự miễn.

1. Công dụng của thuốc Stadasone

1 viên thuốc Stadasone có chứa 16mg Methylprednisolone và các tá dược khác. Methylprednisolone là 1 glucocorticoid tổng hợp, là dẫn xuất 6-alpha-methyl của prednisolon. Thuốc thường được dùng dưới dạng este hóa hoặc không este hóa nhằm điều trị các bệnh được chỉ định bởi corticosteroid.

Methylprednisolone có tác dụng chống viêm, chống tế bào tăng sinh và ức chế miễn dịch. Tác dụng chống viêm là do Methylprednisolone làm giảm sản xuất, giải phóng và hoạt tính các chất trung gian chống viêm như leucotrien, prostaglandin, histamin,… giúp làm giảm một số triệu chứng đầu tiên của quá trình viêm. Bên cạnh đó, Methylprednisolone ức chế bạch cầu đến bám dính vào thành mạch bị tổn thương, dị trú ở vùng bị tổn thương, làm giảm tính thấm ở vùng đó. Tác dụng này làm giảm thoát mạch, đau, sưng phù.

Methylprednisolone cũng ức chế tác dụng của lymphokin, tế bào đích và đại thực bào, làm giảm các phản ứng viêm da tiếp xúc do dị ứng. Ngoài ra, Methylprednisolone còn ngăn cản các lympho bào T và các đại thực bào nhạy cảm đi tới các tế bào đích. Nó có tác dụng chống tế bào tăng sinh, làm giảm mô tăng sản đặc trưng ở bệnh vảy nến.

Chỉ định sử dụng thuốc Stadasone làm thuốc chống viêm hoặc ức chế miễn dịch để điều trị một số bệnh do nguyên nhân huyết học, dị ứng, ung thư, viêm và tự miễn.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Stadasone:

  • Bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng, trừ bệnh lao màng não và sốc nhiễm khuẩn;
  • Người bị quá mẫn với thành phần hoạt chất hoặc tá dược của thuốc;
  • Bệnh nhân bị thương tổn da do nấm, virus hoặc lao;
  • Người bệnh đang dùng vắc-xin virus sống.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Stadasone

Cách dùng: Đường uống.

Liều dùng:

  • Trẻ em: Liều dùng thuốc Stadasone cho trẻ em cần dựa vào mức độ nặng của bệnh, đáp ứng của bệnh nhân. Sau khi đạt được liều phù hợp, nên giảm liều xuống tới mức thấp nhất duy trì được khả năng đáp ứng lâm sàng. Khi sử dụng thuốc Stadasone uống lâu dài, nên cân nhắc tới phác đồ uống cách nhật. Sau liệu pháp điều trị lâu dài, nên ngừng Methylprednisolon dần dần;
  • Người lớn: Dùng liều ban đầu là 2 – 60mg/ngày tùy từng bệnh, thường chia làm 4 lần/ngày;
  • Bệnh dị ứng (viêm da tiếp xúc): Dùng liều khuyến cáo ban đầu là 24mg (6 viên x 4mg) vào ngày đầu, sau đó giảm dần mỗi ngày 4mg cho tới 21 viên cho cả 6 ngày;
  • Hen:
    • Ở trẻ nhỏ trên 4 tuổi có trên 3 đợt hen nặng/năm và trẻ 5 – 11 tuổi có ít nhất 2 đợ hen nặng/năm thì dùng liều 1 – 2mg/kg/ngày (tối đa 60mg/ngày). Có thể dùng thuốc Methylprednisolon thêm vào liệu pháp đang sử dụng để điều trị hen;
    • Ở người lớn và thiếu nên có ít nhất 2 đợt hen nặng/năm thì dùng liều 40 – 60mg/ngày, có thể uống 1 – 2 lần. Có thể thêm vào liều duy trì corticosteroid khi sử dụng hoặc thuốc giãn phế quản chủ vận beta 2 tác dụng kéo dài. 1 liệu trình corticosteroid uống ngắn (3 – 10 ngày) có thể tiếp tục tới khi người bệnh đạt lưu lượng tối đa thở ra là 80% thở ra lớn nhất của người bệnh và cho tới khi hết triệu chứng. Khi hen đã được kiểm soát tốt, nên giảm liều uống corticosteroid.

Khi sử dụng thuốc Stadasone quá liều, người bệnh có thể có biểu hiện hội chứng Cushing, loãng xương và yếu cơ. Các tác dụng phụ này chỉ xảy ra khi dùng glucocorticoid dài ngày. Nếu sử dụng thuốc Stadasone với liều quá cao trong thời gian dài thì người bệnh có thể bị tăng năng vỏ tuyến thượng thận và ức chế tuyến thượng thận. Trong những trường hợp này, người bệnh nên cân nhắc tạm ngừng hoặc ngừng hẳn việc sử dụng thuốc glucocorticoid.

Nếu quên 1 liều dùng thuốc Stadasone, người bệnh nên uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu đã gần tới liều tiếp theo, bệnh nhân hãy bỏ qua liều thuốc đã quên và dùng liều thuốc kế tiếp vào thời điểm đã lên kế hoạch từ đầu. Bệnh nhân không được tự ý dùng gấp đôi liều thuốc đã được quy định.

3. Tác dụng phụ của thuốc Stadasone

Các tác dụng phụ của thuốc Stadasone thường xảy ra nếu dùng Methylprednisolon liều cao và dài ngày. Methylprednisolon ức chế tổng hợp prostaglandin, làm mất tác dụng của prostaglandin trên đường tiêu hóa, bao gồm ức chế tiết acid dạ dày và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Có khá nhiều tác dụng phụ liên quan tới tác dụng này của glucocorticoid.

Khi sử dụng thuốc Stadasone, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp:
    • Thần kinh trung ương: Thần kinh dễ bị kích động, mất ngủ;
    • Tiêu hóa: Khó tiêu, tăng cảm giác ngon miệng;
    • Da: Rậm lông;
    • Nội tiết và chuyển hóa: Tiểu đường;
    • Thần kinh – cơ và xương: Đau khớp;
    • Mắt: Glocom, đục thủy tinh thể;
    • Hô hấp: Chảy máu cam;
  • Ít gặp:
    • Thần kinh trung ương: Cơn co giật, u giả ở não, chóng mặt, nhức đầu, loạn tâm thần, ảo giác, mê sảng, sảng khoái, thay đổi tâm trạng;
    • Tim mạch: Tăng huyết áp, phù;
    • Da: Teo da, thâm tím, mụn trứng cá, tăng sắc tố mô;
    • Nội tiết và chuyển hóa: Giảm kali huyết, không dung nạp glucose, ức chế trục tuyến yên – thượng thận, hội chứng Cushing, chậm lớn, vô kinh, nhiễm kiềm, giữ natri và nước, tăng glucose huyết;
    • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn ói, chướng bụng, viêm loét thực quản, loét dạ dày, viêm tụy;
    • Thần kinh – cơ và xương: Loãng xương, gãy xương, yếu cơ;
    • Khác: Phản ứng quá mẫn.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Stadasone, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện gần nhất để được kiểm tra, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Stadasone

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Stadasone:

  • Sử dụng thuốc Stadasone thận trọng ở bệnh nhân loãng xương, rối loạn tâm thần, loét tá tràng, loét dạ dày, người mới nối thông mạch máu, tiểu đường, suy tim, tăng huyết áp, suy thận, suy gan, bệnh tuyến giáp, đục thủy tinh thể, glocom, trẻ đang lớn,…;
  • Do nguy cơ xảy ra nhiều tác dụng phụ, nên dùng thuốc Stadasone thận trọng ở người cao tuổi với liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất có thể;
  • Suy tuyến thượng thận cấp có thể xảy ra nếu ngừng thuốc Stadasone đột ngột sau một thời gian dài điều trị hoặc khi bệnh nhân có stress;
  • Sử dụng thuốc Stadasone với liều cao có thể ảnh hưởng tới tác dụng của tiêm vắc-xin;
  • Hiện chưa có đánh giá về ảnh hưởng của thuốc Stadasone đối với khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc. Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho nhóm đối tượng này;
  • Việc sử dụng Methylprednisolon toàn thân cho người mẹ có thể dẫn tới nguy cơ giảm nhẹ thể trọng ở trẻ sơ sinh. Do đó, khi sử dụng thuốc Stadasone ở phụ nữ mang thai, nên cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro có thể xảy ra đối với cả mẹ lẫn con;
  • Methylprednisolon có thể đi vào sữa mẹ nên cần thận trọng khi dùng thuốc ở phụ nữ cho con bú.

5. Tương tác thuốc Stadasone

Một số tương tác thuốc của Stadasone gồm:

  • Methylprednisolon là chất gây cảm ứng enzyme cytochrome P450 và là cơ chất của enzyme P450 3A. Do vậy, thuốc này có khả năng tác động tới chuyển hóa của cyclosporin, phenytoin, carbamazepin, erythromycin, phenobarbital, ketoconazol, rifampicin;
  • Phenytoin, rifampicin, phenobarbital và các thuốc lợi tiểu giảm kali huyết,… có thể làm giảm hiệu quả điều trị của Methylprednisolon;
  • Methylprednisolon có thể làm tăng glucose huyết. Do đó, bệnh nhân tiểu đường nếu dùng đồng thời với thuốc này thì cần sử dụng liều insulin cao hơn.

Để tránh nguy cơ tương tác thuốc, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang dùng, các bệnh lý mình từng mắc phải. Từ đó, bác sĩ sẽ có sự điều chỉnh phù hợp, đảm bảo hiệu quả điều trị của thuốc và tránh gây những tác dụng phụ nguy hiểm.

Trong quá trình dùng thuốc Stadasone, người bệnh cũng cần ghi nhớ thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ về cách dùng, liều dùng, thời gian dùng thuốc. Người bệnh không được tự ý ngưng dùng thuốc hoặc thay đổi liều dùng để tránh những nguy cơ bất lợi cho sức khỏe.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-stadasone-16/