Công dụng thuốc Zedoxim-200

Thuốc Zedoxim 200 được bào chế dưới dạng viên nang cứng, với thành phần chính là Cefpodoxim. Thuốc được sử dụng trong điều trị nhiều loại nhiễm trùng khác nhau.

1. Thuốc Zedoxim-200 là thuốc gì?

Thuốc Zedoxim-200 là thuốc gì? Thuốc Zedoxim 200 có dạng viên nang cứng, chứa hoạt chất Cefpodoxim proxetil USP tương đương Cefpodoxim 200mg cùng các tác dược khác. Cefpodoxim là kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3, có phổ kháng khuẩn rộng đối với nhiều vi khuẩn Gram âm và vi khuẩn Gram dương.

Cefpodoxim ổn định khi các enzym beta – lactamase có mặt. Do vậy, nhiều vi khuẩn đề kháng với các loại kháng sinh kháng penicillin và một số kháng sinh cephalosporin do vi khuẩn tạo beta – lactamase có thể sẽ nhạy cảm với Cefpodoxim. Một số beta – lactamase phổ rộng có thể làm Cefpodoxim bị bất hoạt.

Khả năng diệt khuẩn của Cefpodoxim dựa trên sự ức chế sự tổng hợp vách tế bào vi khuẩn nhờ sự acyl hóa các enzyme transpeptidase gắn kết màng. Điều này dẫn tới ngăn ngừa sự liên kết chéo của các chuỗi peptidoglycan cần thiết đối với độ bền và độ mạnh của thành tế bào vi khuẩn.

Chỉ định: Sử dụng thuốc Zedoxim 200 trong một số trường hợp:

  • Điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm tai giữa, viêm họng, viêm amidan;
  • Điều trị nhiễm trùng đường hô hấp dưới, ví dụ như viêm phổi, viêm phế quản;
  • Điều trị nhiễm trùng đường niệu đạo (gồm cả lậu cầu);
  • Điều trị nhiễm trùng trong da và ở mô mềm;
  • Điều trị các loại nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh;
  • Điều trị các loại nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm gây ra.

Chống chỉ định: Không sử dụng thuốc Zedoxim-200 đối với các trường hợp mẫn cảm với thuốc hoặc các thuốc nhóm cephalosporin.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Zedoxim 200

Cách dùng: Sử dụng thuốc Zedoxim-200 theo đường uống với lượng nước vừa đủ, có thể uống trước hoặc sau ăn đều được (do quá trình hấp thu thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn).

Liều dùng:

  • Người lớn:
    • Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: 100mg/lần x 2 lần/ngày;
    • Viêm xoang: 200mg/lần x 2 lần/ngày;
    • Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới: 100mg – 200mg/lần x 2 lần/ngày;
    • Nhiễm khuẩn trong da và mô mềm: 100mg/lần x 2 lần/ngày;
    • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: 100mg/lần x 2 lần/ngày hoặc 200mg x 2 lần/ngày đối với người bị nhiễm khuẩn đường niệu trên.
  • Trẻ em:
    • Từ 15 ngày – 6 tháng tuổi: Dùng liều 4mg/kg mỗi 12h;
    • Từ 6 tháng – 24 tháng tuổi: Dùng liều 40mg mỗi 12 giờ;
    • Từ 3 tuổi – 8 tuổi: Dùng liều 80mg mỗi 12 giờ;
    • Từ 9 tuổi trở lên: Dùng liều 100mg mỗi 12 giờ.

Quên liều: Khi quên 1 liều Zedoxim 200, người bệnh có thể uống thuốc bổ sung ngay lúc nhớ ra. Nếu đã đến gần thời điểm của liều dùng tiếp theo thì bỏ qua liều quên và uống thuốc như kế hoạch. Không nên dùng gấp đôi lượng cần thiết trong một lần nhằm mục đích bù liều.

Quá liều: Trong các nghiên cứu độc tính cấp trên động vật, khi dùng một liều đơn Cefpodoxim 5g/kg đường uống không xảy ra tác dụng phụ. Trong trường hợp người bệnh gặp những phản ứng độc tính nghiêm trọng do dùng quá liều, phương pháp lọc thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc có thể giúp thải trừ cefpodoxim ra khỏi cơ thể hiệu quả, đặc biệt là khi chức năng thận bị suy yếu. Các triệu chứng độc tính sau khi sử dụng quá liều kháng sinh beta – lactam có thể bao gồm: Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, khó chịu vùng thượng vị.

3. Tác dụng phụ của thuốc Zedoxim-200

Trong quá trình sử dụng thuốc Zedoxim 200, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như: Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, nhức đầu, viêm ruột. Các phản ứng tăng cảm có thể xảy ra nhưng với mức độ hiếm như: Ngứa, nổi mẩn đỏ, chóng mặt, tăng tiểu cầu, thiếu tiểu cầu, thiếu bạch cầu hoặc tăng bạch cầu ưa eosin.

Người bệnh cần lưu ý thông báo cho bác sĩ những tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Zedoxim 200 để được tư vấn về cách ứng phó phù hợp nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Zedoxim 200

Một số lưu ý bệnh nhân cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Zedoxim-200:

  • Không sử dụng thuốc Euvixim cho những người mẫn cảm với các kháng sinh nhóm cephalosporin hoặc các beta – lactam khác. Các phản ứng dị ứng xảy ra dễ hơn ở các bệnh nhân có tiền sử dị ứng;
  • Cần kiểm soát chức năng thận khi sử dụng thuốc Zedoxim 200 đồng thời với các hợp chất có độc tính trên thận.
  • Sử dụng Zedoxim 200 trong thai kỳ: Cefpodoxim proxetil không gây ra quái thai cũng không gây hại cho phôi thai khi sử dụng cho chuột ở liều lên đến 100mg/kg/ngày (gấp 02 lần liều dùng cho người theo mg/m2) hoặc dùng cho thỏ với liều lên đến 30mg/kg/ngày (1 – 2 lần liều dùng cho người theo mg/m2). Tuy nhiên, hiện nay không có các nghiên cứu đầy đủ về việc sử dụng Cefpodoxim proxetil cho phụ nữ mang thai. Do đó, chỉ nên sử dụng thuốc này trong thai kỳ nếu thật sự cần thiết;
  • Sử dụng Zedoxim-200 khi cho con bú: Cefpodoxim được tiết vào sữa mẹ. Do có khả năng gây ra các phản ứng nghiêm trọng ở trẻ bú mẹ nên cần quyết định ngưng dùng thuốc hoặc ngưng cho con bú, quyết định tùy thuộc vào tầm quan trọng của thuốc Zedoxim 200 đối với người mẹ.
  • Sử dụng thuốc Zedoxim 200 cho trẻ em: Có thể sử dụng theo những hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn;
  • Tác động của thuốc Zedoxim 200 trên khả năng lái xe và vận hành máy móc: Thuốc có thể gây ra hiện tượng hoa mắt, chóng mặt nên nhóm đối tượng này cần cẩn thận khi dùng thuốc.

5. Tương tác thuốc Zedoxim 200

Một số tương tác thuốc Zedoxim 200 cần lưu ý là:

  • Sử dụng đồng thời thuốc Zedoxim với các loại thuốc kháng acid liều cao như nhôm hydroxid hoặc natri bicarbonat hoặc các thuốc chẹn thụ thể H2 sẽ làm giảm nồng độ đỉnh trong huyết tương khoảng 24 – 42% và giảm độ hấp thụ khoảng 27 – 32%. Tốc độ hấp thu cũng không bị thay đổi bởi các thuốc dùng đồng thời này;
  • Các loại thuốc kháng cholinergic đường uống như propanthelin sẽ làm chậm thời gian đạt đến nồng độ đỉnh trong huyết thanh (tăng Tmax lên 47%) nhưng không làm ảnh hưởng đến độ hấp thu (UAC);
  • Cũng tương tự như các thuốc kháng sinh beta – lactam khác, sự bài tiết qua thận của Cefpodoxim cũng bị ức chế bởi probenecid khi dùng đồng thời 2 thuốc này. Điều đó làm tăng cường vùng dưới đường cong nồng độ khoảng 31% và khiến tăng nồng độ đỉnh trong huyết tương của Cefpodoxim khoảng 20%.
  • Đã có những ghi chú về độc tính trên thận khi sử dụng đơn độc Cefpodoxim proxetil, nên cần theo dõi cẩn thận chức năng thận khi dùng Cefpodoxim proxetil đồng thời với các hợp chất khác được biết đến là có độc tính trên thận;
  • Thay đổi các giá trị xét nghiệm: Thuốc Zedoxim ảnh hưởng tới độ chính xác của thử nghiệm Coomb trực tiếp.

Trong quá trình sử dụng thuốc Zedoxim 200, người bệnh cần báo cho bác sĩ về các loại dược phẩm mình đang dùng, các bệnh lý mình đã/đang mắc phải. Bệnh nhân cũng cần lưu ý tuân thủ theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị cao.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-zedoxim-200/