Công dụng thuốc Zetracare

Thuốc Zetracare được bào chế dưới dạng thuốc cốm uống, có thành phần chính gồm Isoleucin, Leucin và Valine. Thuốc được sử dụng trong điều trị suy gan và ngăn ngừa biến chứng xơ gan.

1. Thuốc Zetracare công dụng là gì?

Mỗi gói thuốc cốm Zetracare có chứa: 952mg L – Isoleucin, 1904mg L – Leucin và 1144mg L – Valine cùng các tá dược khác. Vậy thuốc Zetracare có tác dụng gì? Công dụng các hoạt chất có trong thuốc Zetracare như sau:

  • Isoleucine: Là 1 trong 9 axit amin thiết yếu ở người. Nó có trong protein trong chế độ ăn uống và tập trung trong các mô cơ ở người. Isoleucine có nhiều trong thịt, cá, trứng, phô mai và hầu hết các loại hạt, quả hạch. Isoleucine có chức năng đa dạng như giải độc chất thải nitơ, hỗ trợ chữa lành vết thương, kích thích chức năng miễn dịch, thúc đẩy bài tiết một số loại hormone,… Bên cạnh đó, thành phần Isoleucine rất cần thiết đối với sự hình thành Hemoglobin và điều chỉnh lượng đường trong máu cũng như mức năng lượng trong cơ thể. Ngoài ra, nó còn cung cấp nguyên liệu để sản xuất các thành phần sinh hóa thiết yếu khác trong cơ thể, sản xuất năng lượng, chất kích thích lên não trên, giúp người dùng tỉnh táo hơn,…;
  • Leucine: Đóng vai trò quan trọng cho quá trình tổng hợp protein cùng nhiều chức năng trao đổi chất khác. Leucine có sẵn trong nhiều loại thực phẩm, hiếm khi bị thiếu hụt. Leucine đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh lượng đường trong máu, sản xuất hormone tăng trưởng, hỗ trợ tăng trưởng và sửa chữa mô cơ và xương, chữa lành các vết thương,… Ngoài ra, Leucine cũng ngăn ngừa sự phân hủy protein cơ sau chấn thương hoặc tình trạng căng thẳng nghiêm trọng, có lợi cho những người bị phenylceton niệu;
  • L – Valine: Là 1 axit amin thiết yếu chuỗi nhánh (BCAA) với tác dụng kích thích, thúc đẩy sự phát triển cơ và sửa chữa mô. Nó cũng là một tiền chất trong con đường sinh tổng hợp penicillin. Valine là 1 trong 3 axit amin giúp tăng cường năng lượng, tăng sức bền, hỗ trợ phục hồi và sửa chữa mô cơ, tăng sản xuất hormone tăng trưởng và làm giảm lượng đường trong máu tăng cao. L – Valine cũng rất quan trọng đối với sự phát triển ở trẻ sơ sinh và trẻ em cùng việc cân bằng nitơ ở người lớn. Tình trạng thiếu L – Valine có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ thể, gây thiếu máu, trở ngại thần kinh. Chất này cũng luôn được kết hợp với Isoleucine và Leucine.

Chỉ định sử dụng thuốc Zetracare:

  • Dùng cho người bị suy gan mất bù có hàm lượng Albumin ≤ 3,5g/dL kết hợp với một chế độ ăn đầy đủ;
  • Dùng cho người bị suy giảm chức năng gan để cải thiện chức năng gan và giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm gây ra bởi tình trạng xơ gan.

*Lưu ý: Chỉ sử dụng thuốc Zetracare cho những đối tượng có chế độ ăn đầy đủ nhưng vẫn bị giảm Albumin hoặc dùng thuốc ở người hấp thu calo và protein từ chế độ ăn bị hạn chế, người bệnh xơ gan mất bù có nồng độ Albumin huyết thanh ≤ 3,5 g/dL, đang hoặc có tiền sử bị phù/cổ trướng. Nên hướng dẫn cho người bệnh về một chế độ ăn khoa học, có chỉ định sử dụng thuốc bổ sung protein và calo nếu cần.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Zetracare:

  • Người bị dị ứng, mẫn cảm với thuốc hoặc thành phần của thuốc;
  • Bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa acid amin chuỗi nhánh bẩm sinh (có thể gây co giật hoặc rối loạn hô hấp ở người bị siro niệu).

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Zetracare

Cách dùng: Đường uống. Nên uống thuốc Zetracare sau khi ăn hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi dùng, người bệnh pha mỗi gói thuốc với khoảng 150 – 200ml nước, khuấy đều rồi uống ngay sau khi pha.

Liều dùng: 1 gói/lần x 3 lần/ngày sau khi ăn hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý: Thuốc Zetracare chỉ chứa acid amin mạch nhánh, không chứa tất cả các acid amin cần thiết cho sự tổng hợp protein. Do đó, những bệnh nhân sử dụng Zetracare vẫn cần đảm bảo nhu cầu về protein và calo từ chế độ ăn tùy theo tình trạng bệnh. Nếu người bệnh đang áp dụng chế độ ăn hạn chế protein thì có thể họ không đáp ứng với phác đồ sử dụng Zetracare. Hơn nữa, việc dùng thuốc kéo dài có thể làm tăng nặng tình trạng dinh dưỡng, trừ khi đảm bảo nhu cầu tối thiểu về calo và protein.

Quá liều: Tình trạng nitơ ure huyết (BUN) hoặc amoniac huyết bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo sử dụng thuốc Zetracare quá liều. Cần thận trọng nếu dùng thuốc quá liều kéo dài vì có thể làm nặng thêm tình trạng dinh dưỡng của cơ thể. Nếu tình trạng bệnh (giảm albumin) của người bệnh không được cải thiện sau 2 tháng hoặc thời gian dài hơn thì tốt nhất người bệnh nên áp dụng phương pháp điều trị khác.

3. Tác dụng phụ của thuốc Zetracare

Khi sử dụng thuốc Zetracare, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Tiêu hóa: Buồn nôn, ói mửa, chướng bụng, tiêu chảy, khó chịu ở bụng, đau bụng, chán ăn, ợ nóng, táo bón, khát nước, ợ hơi;
  • Thận: Tăng creatinin huyết, tăng ure nitơ huyết;
  • Chuyển hóa: Tăng amoniac huyết;
  • Gan: Tăng bilirubin toàn phần, tăng ALT và AST huyết;
  • Da: Ngứa da, nổi ban;
  • Phản ứng phụ khác: Khó chịu, phù, đỏ bừng mặt,…

Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ của thuốc Zetracare mà bản thân gặp phải để nhận được sự tư vấn thích hợp nhất. Với các phản ứng phụ trên tiêu hóa, thận và chuyển hóa, nên giảm liều hoặc ngưng dùng thuốc tùy theo lời khuyên của bác sĩ.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Zetracare

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Zetracare:

  • Không nên dùng thuốc Zetracare cho những người bệnh xơ gan tiến triển rõ rệt sau đây vì nhóm người bệnh này có thể không đáp ứng với phác đồ dùng thuốc:
    • Người bị hôn mê do bệnh não gan từ giai đoạn 3 trở lên về mức độ trầm trọng;
    • Người bệnh có nồng độ bilirubin toàn phần ≥ 3 mg/dL;
    • Bệnh nhân bị suy giảm rõ rệt chức năng tổng hợp protein của gan;
  • Nên thận trọng khi dùng thuốc Zetracare cho người bệnh cao tuổi vì nhóm đối tượng này có chức năng sinh lý suy giảm và rối loạn chuyển hóa như tình trạng tăng amoniac huyết có thể bị tăng nặng do sử dụng thuốc;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Zetracare ở trẻ em vì chưa có kinh nghiệm lâm sàng về việc sử dụng thuốc cho nhóm đối tượng này;
  • Chưa xác định được độ an toàn của thuốc Zetracare khi sử dụng ở phụ nữ có thai và cho con bú. Do đó, không nên dùng thuốc này cho bà mẹ mang thai, nghi ngờ có thai hoặc phụ nữ đang cho con bú trừ khi lợi ích lớn hơn so với những nguy cơ có thể xảy ra;
  • Hiện chưa có báo cáo về ảnh hưởng của thuốc Zetracare đối với hoạt động lái xe và vận hành máy móc. Tốt nhất là nên thận trọng khi sử dụng thuốc cho nhóm người dùng này.

Về nguy cơ tương tác và tương kỵ của thuốc Zetracare, do chưa có nghiên cứu nên tốt nhất không trộn lẫn thuốc này với các loại thuốc khác.

Khi dùng thuốc Zetracare, người bệnh nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về cách dùng, liều dùng, thời gian dùng thuốc để đảm bảo hiệu quả trị liệu cao nhất và hạn chế tối đa nguy cơ đối diện với những tác dụng phụ nghiêm trọng.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-zetracare/