Công dụng thuốc Zivastin

Thuốc Zivastin được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Betahistine dihydrochloride. Thuốc được sử dụng trong điều trị các tình trạng ù tai, chóng mặt,…

1. Thuốc Zivastin có tác dụng gì?

Thuốc Zivastin có tác dụng gì? 1 viên thuốc Zivastin thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần, có thành phần chính là Betahistine dihydrochloride 16mg cùng tá dược. Betahistine có tác dụng chủ vận trên histamin H1, đối kháng trên histamin H3 và không có hoạt tính H2. Betahistine có tác dụng làm giãn cơ vòng tiền mao mạch, làm gia tăng lưu lượng máu ở tai trong.

Thuốc Zivastin có thể kiểm soát tính thấm của mao mạch tai trong, do vậy loại trừ sự tích tụ nội dịch bạch huyết tai trong. Bên cạnh đó, thuốc cũng cải thiện tuần hoàn não, làm tăng thêm lưu lượng máu ở động mạch cảnh trong. Vì vậy, trên lâm sàng, Betahistine có hiệu quả trong việc giảm hoa mắt và chóng mặt.

Chỉ định: Điều trị cho người mắc hội chứng Meniere được xác định theo các triệu chứng thường thấy sau đây:

  • Chóng mặt (hoa mắt, chóng mặt và kèm theo hiện tượng buồn nôn/nôn);
  • Khó nghe hoặc mất thính giác;
  • Ù tai (cảm nhận âm thanh ở bên trong tai không đủ tương ứng so với âm thanh phát bên ngoài);
  • Điều trị triệu chứng chóng mặt tiền đình (ví dụ như cảm thấy chóng mặt và thường kèm theo buồn nôn, nôn, thậm chí ngay cả khi đứng yên).

Chống chỉ định: Không sử dụng thuốc Zivastin cho những người quá mẫn với hoạt chất hay bất cứ tá dược nào có trong thuốc hoặc người bị u tuyến thượng thận được biết như u tế bào ưa crom.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Zivastin

Cách dùng: Sử dụng thuốc Zivastin bằng đường uống trực tiếp.

Liều dùng:

  • Betahistine 8mg và 16mg: Liều dành cho người lớn là mỗi ngày 24 – 48 mg, được chia làm nhiều lần uống trong ngày;
    • Đối với viên nén 8mg: 1 – 2 viên/lần x 3 lần/ngày;
    • Đối với viên nén 16mg: 1⁄2 – 1 viên/lần x 3 lần/ngày;
  • Trẻ em: Không khuyến cáo sử dụng thuốc Zivastin cho trẻ em dưới 18 tuổi vì hiện vẫn chưa có đủ dữ liệu chứng minh độ an toàn và hiệu lực của thuốc.

Quên liều: Nếu bệnh nhân quên sử dụng 1 liều thuốc Zivastin, lưu ý không được dùng gấp đôi liều để bù vào liều đã quên. Bệnh nhân nên xin ý kiến của bác sĩ để dùng thuốc đúng cách, đúng liều.

Quá liều: Đã có báo cáo về một vài trường hợp quá liều thuốc Zivastin:

  • Một số người bệnh xuất hiện các triệu chứng từ nhẹ đến vừa khi sử dụng liều lên đến 728mg như: Buồn ngủ, buồn nôn, đau bụng;
  • Các biến chứng nghiêm trọng hơn như: Co giật, biến chứng ở tim hoặc phổi cũng được ghi nhận trong những trường hợp quá liều Betahistine do cố ý, đặc biệt trong phối hợp với các thuốc được dùng quá liều khác;
  • Việc xử lý quá liều thực hiện bao gồm cả các biện pháp hỗ trợ cơ bản.

3. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Zivastin

Hiện đã có báo cáo về một vài tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Zivastin, cụ thể:

  • Hệ thần kinh: Nhức đầu, mất ngủ;
  • Hệ tiêu hóa: Khó tiêu và buồn nôn;
  • Hệ miễn dịch: Phản ứng quá mẫn;
  • Hệ tim mạch: Đánh trống ngực.

Bệnh nhân và người nhà cần lưu ý thông báo cho bác sĩ chuyên môn những tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Zivastin để có hướng xử lý kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Zivastin

Một số điều người bệnh cần lưu ý trước và trong khi sử dụng thuốc Zivastin là:

  • Thận trọng khi dùng thuốc ở những người bệnh có tiền sử loét tiêu hóa;
  • Trên lâm sàng, ghi nhận tình trạng không dung nạp Betahistin ở một vài bệnh nhân bị hen phế quản. Do vậy, nên thận trọng khi sử dụng thuốc Zivastin cho đối tượng này;
  • Cần cẩn trọng khi dùng thuốc Zivastin cho người lái xe và vận hành máy móc bởi thuốc có thể gây nhức đầu;
  • Dùng thuốc Zivastin với phụ nữ có thai và cho con bú:
    • Phụ nữ có thai: Hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về việc sử dụng Betahistine cho phụ nữ có thai. Vẫn còn thiếu các nghiên cứu về ảnh hưởng trên thai kỳ, sự phát triển của phôi/bào thai, quá trình sinh sản và phát triển của trẻ sơ sinh. Do vậy không nên sử dụng thuốc Zivastin trong thai kỳ trừ trường hợp thật cần thiết;
    • Phụ nữ cho con bú: Vẫn chưa biết Betahistin có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Do đó, nên cân nhắc lợi ích của việc điều trị đối với bà mẹ và nguy cơ có thể xảy ra đối với trẻ trước khi quyết định sử dụng thuốc cho phụ nữ đang nuôi con bú;

5. Tương tác thuốc Zivastin

Một số tương tác thuốc Zivastin người bệnh cần lưu ý là:

  • Nếu đang sử dụng thuốc ức chế monoamine oxidase, thuốc được sử dụng để điều trị trầm cảm hoặc bệnh Parkinson, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ vì các thuốc này có thể làm gia tăng tác dụng của Betahistine.
  • Betahistine có cấu trúc tương tự với histamin nên tương tác thuốc giữa Betahistine và thuốc kháng histamin có thể tác động đến hiệu quả của một trong số các loại thuốc này.

Trong quá trình sử dụng thuốc Zivastin, người bệnh cần chú ý nghe theo các chỉ dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang dùng, mới dùng, tiền sử bệnh lý của bản thân để bác sĩ có chỉ định sử dụng thuốc, điều chỉnh thuốc hoặc giám sát sức khỏe thích hợp. Người bệnh lưu ý không nên tự ý ngừng dùng thuốc, thay đổi liều dùng hoặc bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới mà chưa xin ý kiến của bác sĩ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-zivastin/