Nhỡ uống nhầm thuốc làm thế nào?

Nhỡ uống nhầm thuốc không phải là trường hợp hiếm gặp, thường gặp nhất là ở người già và trẻ em. Điều cần lưu ý là khi sơ cứu cho người uống nhầm thuốc cần phải bình tĩnh, tránh hoảng loạn để xử lý được chính xác. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ việc nhỡ uống nhầm thuốc làm thế nào và xử trí ra sao?

1. Điều gì xảy ra khi nhỡ uống nhầm thuốc và cách nhận biết

Sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ có khả năng cứu sống và có thể cải thiện triệu chứng bệnh cũng như chất lượng cuộc sống cho nhiều người bệnh. Tuy nhiên, các loại thuốc theo đơn cũng có khả năng gây nguy hiểm khi người sử dụng vô tình hay hữu ý không tuân thủ phác đồ điều trị hoặc dùng nhầm thuốc khiến bệnh nhân có thể bị tổn hại nghiêm trọng. Ngoài ra, nguyên nhân của việc uống nhầm thuốc có thể là do nhân viên y tế sơ xuất có thể trao nhầm thuốc khiến cho bệnh nhân vô tình uống phải.

Khi bệnh nhân uống nhầm thuốc hay hóa chất đối với những thuốc thông thường sẽ không có biểu hiện gì đặc biệt, còn đối với các loại thuốc hay hoá chất gây hại hoặc loại thuốc đó khiến cho cơ thể người bệnh có một số biểu hiện phản ứng lại như: ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất, sốc phản vệ, dị ứng toàn thân, buồn nôn, nôn, tức ngực khó thở…

Ngoài ra, còn có thể có vết bỏng quanh vùng miệng tái nhợt do đã nuốt phải một loại chất độc ăn mòn.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, đáng lo ngại nhất chính là việc người uống nhầm thuốc bị ngộ độc do uống nhầm thuốc diệt cỏ paraquat, thuốc trừ sâu. Các loại thuốc trừ cỏ cực độc, khi uống sẽ gây triệu chứng nôn mửa, đau bụng, gây tụt huyết áp, trụy tim mạch hoặc co giật hôn mê, thậm chí tử vong. Những hóa chất này chỉ cần uống một lượng nhỏ thì nguy cơ tử vong rất cao nếu không được điều trị hỗ trợ kịp thời. Uống khoảng 15ml dung dịch paraquat 20% thường gây tử vong trong 1-5 ngày do suy đa phủ tạng hoặc do bỏng niêm mạc tiêu hóa.

Do vậy, việc phát hiện, sơ cứu kịp thời, đúng cách là vô cùng quan trọng để tránh những hậu quả đáng tiếc.

2. Uống nhầm thuốc nên làm gì?

Các loại thuốc mua tự do thường được dùng mà không có hậu quả gây hại nào đáng kể. Nhưng khi dùng thuốc theo toa kết hợp với một số loại thuốc không kê đơn, sự kết hợp này có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Đối với những trường hợp uống nhầm phải thuốc thông thường và được phát hiện kịp thời, bệnh nhân không có biểu hiện nào nguy hiểm thì chỉ cần theo dõi và cho bệnh nhân uống nhiều nước là được.

Còn đối với những trường hợp bệnh nhân có các biểu hiện bất thường sau khi uống nhầm thuốc cần phản ứng nhanh chóng gọi cấp cứu, sơ cứu ngay khi có thể do nếu lúng túng mà sơ cứu không tốt sẽ khiến người bệnh càng đau đớn hơn, nguy cơ cao để lại di chứng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Điều quan trọng nhất là phải biết được rõ bệnh nhân đã uống nhầm loại thuốc gì, và uống với số lượng bao nhiêu. Vì nếu loại thuốc có tính kích thích dạ dày sẽ gây đau bụng, nôn mửa; uống thuốc có độc tính mạnh có thể gây co giật, hôn mê; loại thuốc có tính ăn mòn có thể gây thủng dạ dày; uống quá liều kháng sinh có thể gây hại thận; nếu uống nhầm thuốc giảm đau, kháng sinh có thể gây tổn thương tới hệ thống tạo máu.

Bằng việc quan sát, những người xung quanh có thể căn cứ vào phản ứng trúng độc của bệnh nhân, vỏ thuốc bên cạnh người bị trúng độc sẽ biết được người đó đã uống nhầm loại thuốc gì, điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý cấp cứu bệnh nhân kịp thời.

Bất kể là người bệnh đã uống nhầm loại gì thì nguyên tắc xử lý là phải hết sức nhanh chóng ngăn chặn việc thuốc hấp thụ vào cơ thể bằng biện pháp gây nôn, nếu cần rửa sạch dạ dày và giải độc. Việc xử lý như vậy có thể làm giảm bớt tác động của thuốc đến cơ thể, đặc biệt với những loại thuốc có tính ăn mòn cao.

Việc sơ cấp cứu ban đầu này nên làm ngay từ khi còn ở nhà, vì nếu để nguyên tình trạng trúng độc như vậy mà đưa tới bệnh viện thì vô hình chung sẽ có thể mất thời điểm vàng trong cấp cứu, chưa kể đến một khoảng thời gian dài chờ đợi xe cứu thương, khiến việc uống nhầm thuốc càng gây tác hại lớn hơn.

Việc bạn có thể làm tại nhà:

  • Có thể gây nôn bằng cách móc họng, rồi cho người bệnh uống nhiều nước ấm, rồi lại tiếp tục gây nôn.
  • Nếu người bệnh đã hôn mê thì phải đặt nằm nghiêng, tránh để chất nôn và dịch tiết chảy vào khí quản gây tắc nghẽn đường thở.
  • Sau khi đã cấp cứu sớm như vậy, nhất thiết phải đưa vào bệnh viện ngay để được xử lý các biện pháp giải độc. Ghi nhớ mang theo vỏ loại thuốc đã uống nhầm để việc điều trị của các bác sĩ được nhanh chóng.

3. Việc nên làm để tránh nguy cơ uống nhầm thuốc

  • Luôn kiểm tra kỹ nhãn mác và chắc chắn về loại thuốc bạn sẽ uống.
  • Lưu trữ thuốc trong các ngăn tủ riêng biệt, nếu có thể hãy chia riêng từng loại thuốc có công dụng khác nhau, không vứt bừa bãi để phòng tránh trẻ hay người già uống nhầm thuốc. Sau khi dùng thuốc xong hãy cất vào tủ, đề phòng việc trẻ do tò mò có thể uống thử thuốc gây ngộ độc, nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.
  • Khi đi mua thuốc cần được hướng dẫn kỹ về loại thuốc bạn mua, kiểm tra đúng loại thuốc trước khi mang về.
  • Các loại thực phẩm chức năng và thảo mộc, khi dùng cùng với thuốc kê đơn, có thể dẫn đến tương tác thuốc gây hại. Nên cần thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng, bao gồm cả các loại vitamin và thảo dược.
  • Người cao tuổi rất dễ nhầm lẫn trong việc uống thuốc, đặc biệt khi phải uống với số lượng thuốc nhiều trong ngày. Nên những người chăm sóc cần chú ý một số biện pháp phòng tránh bằng cách cho người cao tuổi trực tiếp uống thuốc hoặc chia các loại thuốc vào các hộp nhỏ và đề rõ thời gian uống để người cao tuổi có thể thuận tiện tìm được.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về việc nhỡ uống nhầm thuốc làm thế nào? Người thân cần chú ý để sớm đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Nguồn tham khảo: zeenews.india.com, .napolilaw.com

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/nho-uong-nham-thuoc-lam-nao/