Công dụng thuốc Cefoperazone 1g

Thuốc Cefoperazone 1g là kháng sinh cephalosporin thế hệ 3. Thuốc được bào chế dưới dạng bột vô khuẩn pha tiêm, dùng điều trị nhiều tình trạng nhiễm khuẩn khác nhau.

1. Công dụng của thuốc Cefoperazone 1g

Thuốc Cefoperazone có tác dụng kháng khuẩn thông qua sự ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Phổ tác dụng của thuốc Cefoperazone khá rộng, gồm: Các vi khuẩn ưa khí gram dương, các vi khuẩn ưa khí gram âm, các vi khuẩn kỵ khí, vi khuẩn gây bệnh khác,… Chỉ định sử dụng thuốc Cefoperazone 1g:

  • Các nhiễm khuẩn nhạy cảm, đặc biệt là nhiễm Pseudomonas spp;
  • Nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn gram dương, gram âm nhạy cảm và các vi khuẩn đã kháng kháng sinh beta-lactam khác;
  • Các nhiễm khuẩn như: Nhiễm khuẩn đường mật, đường hô hấp trên và dưới, viêm vùng chậu và nhiễm khuẩn sản phụ khoa, da và mô mềm, xương khớp, thận và đường tiết niệu, bệnh lậu, nhiễm khuẩn huyết, viêm phúc mạc và nhiễm khuẩn trong ổ bụng,…;
  • Thay thế một số loại penicillin phổ rộng có hoặc không kết hợp với aminoglycosid để điều trị nhiễm khuẩn do Pseudomonas ở người quá mẫn với penicillin. Nếu sử dụng Cefoperazone để điều trị nhiễm khuẩn do Pseudomonas thì nên kết hợp với 1 aminoglycosid.

Mặt khác, thuốc Cefoperazone 1g không được kê đơn cho người có tiền sử dị ứng với Cefoperazone và kháng sinh nhóm cephalosporin.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Cefoperazone 1g

2.1. Cách dùng

Dùng ở dạng muối natri, tiêm bắp sâu hoặc tiêm truyền tĩnh mạch gián đoạn (15 – 30 phút) hoặc liên tục. Liều được biểu thị dưới dạng Cefoperazone tương ứng (cứ 1,03 g Cefoperazone natri tương đương với 1g Cefoperazone). Dù Cefoperazone đã được tiêm tĩnh mạch trực tiếp chậm trong 3 – 5 phút nhưng không khuyến cáo dùng thuốc theo đường tiêm tĩnh mạch, trực tiếp nhanh.

2.2. Liều dùng

  • Người lớn: Nhiễm khuẩn nhẹ và trung bình dùng liều 1 – 2g, mỗi 12 giờ/lần. Với nhiễm khuẩn nặng, có thể dùng tới 12g/24 giờ, chia làm 2 – 4 phân liều. Có trường hợp bệnh nhân suy giảm miễn dịch dùng liều tới 16g/ngày bằng đường tiêm truyền liên tục. Liệu trình sử dụng thuốc Cefoperazone trong điều trị nhiễm khuẩn Streptococcus tan huyết beta nhóm A cần tiếp tục trong tối thiểu 10 ngày để ngăn chặn viêm cầu thận hoặc thấp khớp cấp. Với bệnh nhân đang điều trị thẩm tách máu, có thể cần điều chỉnh liều Cefoperazone sau thẩm tách máu (vì Cefoperazone bị loại bỏ một phần trong khi thẩm phân máu);
  • Trẻ em: Tiêm tĩnh mạch cho trẻ em với liều 25 – 100mg/kg, cứ 12 giờ/lần; trẻ sơ sinh với liều 50mg/kg, cứ 12 giờ/lần; trẻ nhỏ với liều 25 – 50mg/kg, cứ 6 – 12 giờ/lần. Liều tối đa là 400mg/kg/ngày, không vượt quá 6g/ngày. Do tính chất độc của benzyl alcol với trẻ sơ sinh nên không được tiêm bắp cho trẻ sơ sinh bằng thuốc pha với dung dịch có chứa benzyl alcol (chất kìm khuẩn);
  • Người bệnh suy thận: Có thể sử dụng Cefoperazone với liều thường dùng mà không cần điều chỉnh liều vì thuốc được thải trừ qua đường mật. Nếu có dấu hiệu tích lũy thuốc thì cần giảm liều cho phù hợp’
  • Người bệnh gan hoặc tắc mật: Không dùng liều quá 4g/24 giờ. Hoặc liều dùng cho người bị suy gan và suy thận là 1 – 2g/24 giờ. Nếu dùng liều cao hơn thì cần theo dõi nồng độ Cefoperazone trong huyết tương.

2.3. Quá liều

Các triệu chứng quá liều của thuốc gồm tăng kích thích thần kinh cơ, co giật (đặc biệt ở người bị suy thận). Khi dùng thuốc quá liều, cần bảo vệ đường hô hấp của bệnh nhân, hỗ trợ thông khí và truyền dịch. Nếu người bệnh bị co giật thì ngừng sử dụng thuốc, có thể dùng liệu pháp chống co giật nếu có chỉ định về lâm sàng. Thẩm tách máu cũng có thể giúp thải loại thuốc khỏi máu. Ngoài ra, có thể điều trị hỗ trợ hoặc điều trị triệu chứng.

3. Tác dụng phụ của thuốc Cefoperazone

Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Cefoperazone 1g gồm:

  • Thường gặp: Tiêu chảy, ban da dạng sần, thử nghiệm Coombs dương tính, tăng bạch cầu ưa eosin tạm thời;
  • Ít gặp: Sốt, thiếu máu tán huyết, giảm bạch cầu trung tính có hồi phục, giảm tiểu cầu, mày đay, ngứa da, viêm tĩnh mạch tại nơi tiêm truyền, đau tạm thời tại vị trí tiêm bắp;
  • Hiếm gặp: Co giật (với liều cao và suy giảm chức năng thận), bồn chồn, đau đầu, buồn nôn, nôn ói, viêm đại tràng màng giả, giảm prothrombin huyết, ban đỏ đa dạng, vàng da ứ mật, tăng nhẹ ALT, AST và phosphatase kiềm, hội chứng Stevens-Johnson, viêm thận kẽ, nhiễm độc thận có tăng tạm thời ure huyết/creatinin, đau khớp, bệnh nấm Candida, bệnh huyết thanh,…

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Cefoperazone, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ để được hỗ trợ sớm, can thiệp kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Cefoperazone 1g

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ khi sử dụng thuốc Cefoperazone 1g:

  • Đã ghi nhận có phản ứng chéo quá mẫn (gồm sốc phản vệ) trong số người bệnh dị ứng với kháng sinh nhóm beta-lactam nên cần phải dùng Cefoperazone một cách thận trọng. Nên theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng sốc phản vệ trong lần đầu dùng thuốc, sẵn sàng các biện pháp cấp cứu nếu người bệnh trước đó bị dị ứng với penicillin. Tuy nhiên, với Cefoperazone thì tỷ lệ phản ứng quá mẫn chéo với penicillin thấp hơn;
  • Sử dụng Cefoperazone dài ngày có thể làm phát triển các chủng vi khuẩn không nhạy cảm. Nếu bị bội nhiễm, người bệnh cần phải ngừng sử dụng thuốc;
  • Nên thận trọng khi kê đơn kháng sinh phổ rộng cho người mắc bệnh đường tiêu hóa (đặc biệt là viêm đại tràng);
  • Theo dõi thời gian prothrombin ở người có nguy cơ giảm prothrombin huyết và sử dụng vitamin K nếu cần thiết. Nên theo dõi hàm lượng prothrombin ở người bị rối loạn hấp thu hoặc được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch, nếu cần thì dùng thêm vitamin K;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Cefoperazone ở phụ nữ có thai và bà mẹ đang cho con bú, chỉ dùng khi thực sự cần thiết (được bác sĩ chỉ định).

5. Tương tác thuốc Cefoperazone 1g

Một số tương tác thuốc của Cefoperazone 1g gồm:

  • Sử dụng thuốc Cefoperazone đồng thời với aminoglycosid có thể làm tăng nguy cơ gây độc cho thận;
  • Hoạt tính kháng khuẩn của Cefoperazone và aminoglycosid in vitro có thể hiệp đồng chống lại một vài vi khuẩn gram âm, gồm P. aeruginosa và Serratia marcescens;
  • Sử dụng Cefoperazone đồng thời với heparin và warfarin có thể làm tăng tác dụng giảm prothrombin huyết của Cefoperazone, tăng nguy cơ chảy máu;
  • Khi sử dụng Cefoperazone đồng thời với các thuốc gây độc cho gan thì cần theo dõi chức năng gan;
  • Thuốc Cefoperazone có thể làm giảm hoạt lực của vắc-xin thương hàn;
  • Thuốc Cefoperazone có thể gây kết quả dương tính giả khi kiểm tra glucose trong nước tiểu;
  • Nếu uống rượu trong khi điều trị và trong vòng 72 giờ sau khi sử dụng Cefoperazone thì người bệnh có thể gặp các triệu chứng như ra mồ hôi, đỏ bừng da, đau đầu, buồn nôn, nôn ói, nhịp tim nhanh,…;
  • Có sự tương kỵ giữa Cefoperazone và aminoglycosid nên cần sử dụng riêng rẽ từng loại thuốc, không kết hợp với nhau.

Khi sử dụng thuốc Cefoperazone 1g, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ về tiền sử sức khỏe và các loại thuốc mình đang sử dụng. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-cefoperazone-1g/