Tác dụng của thuốc Glucotrol

Glucotrol là 1 loại thuốc kê đơn, thuộc nhóm thuốc trị đái tháo đường được sử dụng rộng rãi trong điều trị đái tháo đường typ 2. Dưới đây là thông tin chi tiết về thuốc Glucotrol là thuốc gì và lưu ý khi sử dụng.

1. Glucotrol là thuốc gì?

  • Thuốc Glucotrol có thành phần chính là Glipizide, được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 5mg và 10mg.
  • Glipizide là một thuốc điều trị đái tháo đường đường uống thuộc nhóm sulfonylurea thế hệ 2. Cơ chế giảm nồng độ glucose huyết của thuốc chủ yếu bằng cách kích thích các tế bào beta tuyến tụy giải phóng insulin nội sinh của cơ thể. Thời gian tác dụng của glipizide có thể kéo dài tới 24 giờ.
  • Glipizide hấp thụ nhanh và hầu như hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Thức ăn có thể làm chậm quá trình hấp thu của thuốc. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được trong vòng 1-3 giờ sau khi uống một liều duy nhất. Thời gian bán hủy của thuốc khoảng từ 2-4 giờ ở người bình thường.
  • Glipizide chuyển hóa chủ yếu ở gan và đào thải qua nước tiểu.

2. Tác dụng thuốc Glucotrol

  • Thuốc Glucotrol được sử dụng trong điều trị đái tháo đường typ 2 không phụ thuộc insulin, khi tăng glucose huyết mà không kiểm soát được bằng việc điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện.
  • Không sử dụng Glucotrol trong các trường hợp sau:
    • Người có tiền sử mẫn cảm với glipizide, các sulfonylurea khác hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.
    • Đái tháo đường typ 1 phụ thuộc insulin, nhiễm toan ceton đái tháo đường, tiền hôn mê đái tháo đường.
    • Suy gan, suy thận nặng.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Glucotrol

  • Liều khởi đầu khuyến cáo ở người lớn là 5 mg/ngày, uống trước ăn sáng 30 phút. Người cao tuổi hoặc người có bệnh gan có thể bắt đầu với liều 2,5mg/ngày. Cần thận trọng khi khởi liều ở người cao tuổi, suy nhược, suy dinh dưỡng, hoặc chức năng gan thận kém để tránh nguy cơ hạ glucose huyết.
  • Liều duy trì: Có thể tăng dần liều thêm 2,5 – 5mg/ngày tùy theo mức độ dung nạp thuốc và đáp ứng điều trị của người bệnh. Nếu dùng một liều duy nhất không kiểm soát được tình trạng thì có thể chia nhỏ liều trong ngày. Liều khuyến cáo tối đa là 15mg/lần/ngày. Các liều trên 15mg thường được chia nhỏ và dùng trước các bữa ăn khoảng 30 phút. Tổng liều tối đa là 40mg/ngày.

4. Tác dụng phụ của thuốc Glucotrol

Khi sử dụng thuốc Glucotrol có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau:

  • Hạ đường huyết.
  • Rối loạn tiêu hóa: Các vấn đề ở đường tiêu hóa đã được báo cáo như buồn nôn, nôn, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón. đau dạ dày. Các phản ứng này dường như có liên quan đến liều lượng thuốc và có thể biến mất khi chia hoặc giảm liều. Hiếm khi xảy ra tình trạng vàng da ứ mật với sulfonylurea. Nên ngừng sử dụng Glucotrol nếu xảy ra hiện tượng này.
  • Các phản ứng dị ứng ở da bao gồm ban đỏ, phát ban dạng sởi hoặc dát sẩn, mày đay, ngứa và chàm đã được báo cáo. Những triệu chứng này có thể thoáng qua và có thể biến mất mặc dù tiếp tục sử dụng Glucotrol, nên ngừng thuốc nếu các phản ứng này kéo dài.
  • Giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, thiếu máu tán huyết, thiếu máu bất sản.
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin ở gan.
  • Phản ứng nội tiết: Hạ natri máu, hội chứng bài tiết hormon chống bài niệu không phù hợp (SIADH).
  • Các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn ngủ thường thoáng qua và hiếm khi cần phải ngừng điều trị.
  • Đôi khi có sự tăng nhẹ đến trung bình các giá trị xét nghiệm GOT, LDH, phosphatase kiềm, BUN và creatinin.

Khi sử dụng thuốc Glucotrol, nếu người bệnh gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào nghiêm trọng hãy ngưng dùng thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ điều trị hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.

5. Tương tác với thuốc Glucotrol

Khi dùng phối hợp Glucotrol có thể tương tác với các thuốc sau:

  • Tác dụng hạ đường huyết của Glucotrol có thể tăng lên bởi một số loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống nấm (fluconazol, miconazol), salicylat, sulfonamid, chloramphenicol, probenecid, thuốc chống đông máu coumarin, thuốc ức chế monoamine oxidase, quinolone và thuốc chẹn beta adrenergic. Khi dùng các loại thuốc này cùng với Glucotrol cần phải theo dõi chặt chẽ tình trạng hạ đường huyết của người bệnh.
  • Một số loại thuốc có thể làm tăng đường huyết và giảm tác dụng của Glucotrol như corticosteroid, thiazide và các thuốc lợi tiểu khác, phenothiazin, estrogen, thuốc tránh thai, phenytoin, axit nicotinic, thuốc cường giao cảm, thuốc chẹn kênh canxi và isoniazid.

6. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Glucotrol

Khi sử dụng thuốc Glucotrol, cần thận trọng trong các trường hợp sau:

  • Hạ đường huyết.
  • Tất cả các loại thuốc sulfonylurea đều có khả năng gây hạ đường huyết nghiêm trọng. Vì vậy sử dụng đúng cách, đúng liều lượng là rất quan trọng để giảm nguy cơ hạ đường huyết. Suy gan, suy thận có thể làm tăng nồng độ Glucotrol trong máu, tăng nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng. Bệnh nhân cao tuổi, suy nhược, suy dinh dưỡng, suy tuyến thượng thận hoặc tuyến yên, đặc biệt nhạy cảm với tác dụng hạ đường huyết của thuốc. Hạ đường huyết có thể khó nhận ra ở người cao tuổi và người đang sử dụng thuốc chẹn beta-adrenergic. Hạ đường huyết có nhiều khả năng xảy ra khi ăn ít, lao động nặng hoặc kéo dài, uống rượu hoặc khi kết hợp với các loại thuốc hạ đường huyết khác.
  • Khi bệnh nhân đã được kiểm soát đường huyết ổn định nhưng bị các stress như sốt, nhiễm trùng, chấn thương, phẫu thuật thì tình trạng mất kiểm soát đường huyết có thể xảy ra. Khi đó, có thể cần phải ngừng sử dụng Glucotrol và thay thế bằng Insulin.
  • Hiệu quả của bất kỳ loại thuốc hạ đường huyết đường uống nào, kể cả Glucotrol, trong việc kiểm soát đường huyết xuống mức mong muốn sẽ giảm ở nhiều bệnh nhân sau một khoảng thời gian sử dụng. Điều này có thể là do sự tiến triển mức độ nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường hoặc khả năng đáp ứng với thuốc bị giảm dần. Hiện tượng này được gọi là điều trị thất bại thứ phát, để phân biệt với điều trị thất bại nguyên phát là do thuốc không hiệu quả ở từng bệnh nhân khi được dùng lần đầu.
  • Thận trọng khi sử dụng Glucotrol ở bệnh nhân thiếu men G6PD do có thể dẫn đến thiếu máu tán huyết.
  • Không nên sử dụng Glucotrol cho người đang mang thai mà nên thay thế bằng insulin.
  • Mặc dù không biết liệu Glucotrol có bài tiết qua sữa mẹ hay không, nhưng một số loại thuốc sulfonylurea được biết là có bài tiết qua sữa mẹ. Do có thể có khả năng hạ đường huyết ở trẻ bú mẹ, nên thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ cho con bú. Nếu ngừng thuốc và chế độ ăn uống không đủ để kiểm soát đường huyết ở đối tượng này thì nên xem xét điều trị bằng Insulin.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Glucotrol, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Glucotrol là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/tac-dung-cua-thuoc-glucotrol/