Thuốc Hantacid có thể gây tác dụng phụ nào?

Thuốc Hantacid được bào chế dưới dạng hỗn dịch uống, có thành phần chính gồm gel Nhôm hydroxyd khô, Magnesi hydroxyd và Simethicon. Thuốc được sử dụng để làm dịu các triệu chứng rối loạn tiêu hóa liên quan tới tăng tiết acid dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản,… Vậy thuốc Hantacid có thể gây tác dụng phụ nào?

1. Thuốc Hantacid có tác dụng gì?

Thuốc Hantacid chữa bệnh gì? Thành phần của thuốc gồm 220mg gel nhôm hydroxyd khô + 195mg Magnesi hydroxyd + 25mg Simethicon. Đây là hỗn hợp cân bằng giữa 2 tác nhân kháng acid là Nhôm hydroxyd và Magnesi hydroxyd có tác dụng trung hòa acid hydrochloric trong dạ dày mà không làm giảm tiết acid. Thuốc giúp làm giảm các triệu chứng dư acid dạ dày liên quan tới loét tiêu hóa, viêm thực quản, viêm dạ dày và khó tiêu. Đồng thời, thuốc này còn ức chế tác dụng tiêu protid của pepsin (rất quan trọng đối với người bệnh loét dạ dày).

Đặc biệt, Nhôm hydroxyd làm tăng pH dạ dày chậm, có thể gây táo bón. Trong khi đó, Magnesi hydroxyd lại có tác dụng nhanh và có thể gây tiêu chảy. Sự kết hợp của 2 thành phần này tạo ra tác dụng khởi đầu nhanh, tăng thời gian tác dụng và ít gây tác dụng phụ.

Chỉ định sử dụng thuốc Hantacid:

  • Làm dịu các triệu chứng rối loạn tiêu hóa liên quan tới tăng tiết acid dạ dày như khó tiêu, chướng bụng, ợ chua, nóng bỏng ở vùng thượng vị;
  • Tăng acid dạ dày do các nguyên nhân như viêm dạ dày, viêm thực quản, loét dạ dày – tá tràng;
  • Phòng ngừa và điều trị loét, chảy máu dạ dày – tá tràng do stress;
  • Điều trị các triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Hantacid:

  • Bệnh nhân rối loạn chuyển hóa Porphyrin;
  • Người bệnh suy thận nặng;
  • Bệnh nhân tiền sản giật, suy nhược cơ thể, tăng magnesi huyết, nhiễm độc kiềm, giảm phosphat huyết;
  • Người bệnh đang thẩm tách máu, viêm ruột thừa, tắc ruột, loét ruột kết, hẹp môn vị;
  • Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi (sử dụng thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm độc nhôm, đặc biệt là ở những trẻ bị mất nước hoặc suy thận).

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Hantacid

Cách dùng: Đường uống. Người bệnh nên lắc kỹ ống thuốc trước khi dùng.

Liều dùng:

  • Liều thông thường: Uống 1 ống hỗn dịch uống sau bữa ăn khoảng 1 – 3 giờ và uống 1 ống trước khi đi ngủ nếu cần thiết. Ngoài ra, có thể uống thuốc khi đau. Tổng liều là không quá 4 ống thuốc/ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ;
  • Đề kháng acid: Liều dùng tối đa khuyến cáo để điều trị triệu chứng rối loạn tiêu hóa, khó tiêu là không dùng thuốc quá 2 tuần trừ khi được bác sĩ cho phép, giám sát chặt chẽ;
  • Trong loét dạ dày – tá tràng, vì không có mối liên quan giữa việc triệu chứng biến mất và hiện tượng lành vết loét nên người bệnh cần tiếp tục uống thuốc Hantacid ít nhất 4 – 6 tuần sau khi hết hẳn các triệu chứng.

Quên liều: Nếu quên 1 liều thuốc Hantacid, người bệnh nên dùng liều đó ngay khi nhớ ra. Nếu gần với thời gian dùng liều tiếp theo thì bệnh nhân nên bỏ qua liều đã quên, sử dụng liều kế tiếp đúng như kế hoạch.

Quá liều: Nếu xảy ra quá liều thuốc Hantacid, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ. Nếu thấy có biểu hiện bất thường thì bệnh nhân nên gọi cấp cứu hoặc nhập viện ngay để được điều trị kịp thời.

3. Tác dụng phụ của thuốc Hantacid

Thông thường, các tác dụng phụ toàn thân hiếm khi xảy ra ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường. Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Hantacid gồm:

  • Thường gặp: Tiêu chảy, táo bón;
  • Ít gặp: Sử dụng thuốc với liều cao gây tắc nghẽn ruột hoặc giảm phosphat huyết;
  • Ở người bệnh suy thận mãn tính: Tăng magnesi huyết, bệnh não, nhuyễn xương, sa sút trí tuệ, thiếu máu hồng cầu nhỏ.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Hantacid

Trước và trong khi sử dụng thuốc Hantacid, người bệnh nên lưu ý:

  • Dùng thuốc Hantacid thận trọng với người bệnh xơ gan, phù, suy tim sung huyết;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Hantacid ở bệnh nhân suy thận nhẹ và trung bình, người bệnh nhược cơ;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Hantacid ở bệnh nhân tiêu chảy mãn tính, táo bón, xuất huyết đường tiêu hóa chưa xác định chẩn đoán, chế độ ăn ít natri;
  • Dùng thuốc Hantacid thận trọng ở người cao tuổi, phụ nữ mang thai và đang cho con bú, nên tránh sử dụng liều cao kéo dài. Đồng thời, cần thường xuyên theo dõi nhịp tim của thai nhi;
  • Thuốc Hantacid có thể gây thiếu phosphat ở người bệnh có chế độ ăn ít phosphat. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh nên thường xuyên sử dụng sữa và các chất có phosphat. Đồng thời, bệnh nhân nên kiểm tra định kỳ nồng độ phosphat nếu điều trị bằng thuốc Hantacid trong thời gian dài;
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Hantacid cho người lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Hantacid

Một số tương tác thuốc Hantacid gồm:

  • Thuốc kháng acid Hantacid tương tác với nhiều loại thuốc khác do có khả năng làm thay đổi pH dạ dày, thuốc được hấp thu, tạo thành những phức hợp không được hấp thu. Các tương tác thuốc có thể được giảm bằng cách sử dụng thuốc Hantacid cách các thuốc khác khoảng 2 – 3 giờ;
  • Nhôm hydroxyd (thành phần chính của thuốc Hantacid) có thể làm giảm sự hấp thu của các thuốc sau nếu sử dụng đồng thời: Digoxin, tetracyclin, benzodiazepin, corticosteroid, penicilamin, indomethacin, muối sắt, isoniazid, ranitidin, ketoconazol, itraconazol, allopurinol, phenothiazin,…;
  • Nếu sử dụng chung thuốc Hantacid với citrat hoặc acid ascorbic thì sự hấp thu nhôm từ ống tiêu hóa có thể tăng lên;
  • Magnesi hydroxyd làm giảm sự hấp thu biphosphonat và tetracyclin.

Khi sử dụng thuốc Hantacid, người bệnh nên tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả trị liệu cao nhất, giảm nguy cơ xảy ra những sự cố nguy hiểm.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/thuoc-hantacid-co-gay-tac-dung-phu-nao/