Thuốc kháng giáp là gì?

Cường giáp là một trong những bệnh lý tuyến giáp phổ biến hàng đầu hiện nay. Thuốc điều trị cường giáp được chia làm 3 nhóm là i-ốt phóng xạ, thuốc kháng giáp và thuốc chẹn beta. Để tìm hiểu về nhóm thuốc kháng giáp, bạn đọc có thể tham khảo một số thông tin trong bài viết dưới đây.

1. Thuốc kháng giáp là gì?

Do các loại thuốc điều trị cường giáp ít gây biến chứng cho người sử dụng nên thường là phương pháp đầu tiên được bác sĩ ưu tiên chỉ định cho bệnh nhân.

Mỗi loại thuốc lại có cơ chế và mức độ tác động khác nhau lên cơ thể người bệnh. Với thuốc kháng giáp, loại thuốc này có vai trò ngăn chặn tuyến giáp sản xuất thêm hormone nên cũng có khả năng kiểm soát cường giáp hiệu quả. Thông thường, thuốc sẽ có những tác dụng đầu tiên sau 1-3 tháng sử dụng liên tục. Sau thời gian này, bác sĩ có thể dựa trên tình trạng của bệnh nhân để xem xét giảm dần liều lượng cho đến khi bệnh nhân có thể ngưng thuốc hoàn toàn theo liệu trình.

Để tăng nguy cơ bị cơn bão giáp, bệnh nhân không nên tự ý ngưng thuốc đột ngột khi thấy bệnh bắt đầu thuyên giảm. Đây được xem là một biến chứng vô cùng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng.

2. Thuốc kháng giáp có những loại nào?

Thuốc kháng giáp được sử dụng phổ biến trên thị trường hiện nay đều thuộc họ thionamide. Theo đó, sản phẩm này gồm 2 loại thường dùng là propylthiouracil và methimazole. Cả 2 loại thuốc đều có khả năng ngăn chặn tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormon giáp T3 và T4. Tuy nhiên, chúng cũng có những bất lợi đáng lưu ý trong quá trình điều trị cường giáp nên bệnh nhân cần hết sức thận trọng khi sử dụng.

2.1. Thuốc Propylthiouracil (PTU)

Propylthiouracil (PTU) được xem lựa chọn hàng đầu để điều trị bệnh cường giáp cho phụ nữ mang thai. Việc sử dụng thuốc gần như không ảnh hưởng đến thai phụ với nguy cơ sảy thai rất thấp.

Tuy nhiên, do thuốc chỉ được bào chế dưới dạng viên hàm lượng 50mg. Từ đây, bệnh nhân cần uống 3 liều bằng nhau theo lịch trình 8 tiếng/lần và phải thực hiện đều đặn thì thuốc mới có thể phát huy tác dụng điều trị.

Thông thường, tùy vào mức độ nghiêm trọng và tuổi tác của người bệnh mà bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng từ 100mg đến 600mg để phát huy hiệu quả tốt nhất.

2.2. Thuốc Methimazole

Methimazole được bào chế dưới dạng viên hàm lượng 5mg và 10mg với tác dụng nhanh hơn so với Propylthiouracil. Người bệnh có thể sử dụng thuốc với liều dùng 1 lần, 2 lần hoặc 3 lần mỗi ngày tùy thuộc vào bác sĩ chỉ định.

Thông thường, sau khi thuốc có tác dụng, bác sĩ sẽ theo dõi những diễn biến tiếp theo và có thể cho ngừng hẳn theo liệu trình điều trị.

Nhìn chung, cả thuốc Propylthiouracil và Methimazole đều sẽ bảo vệ tuyến giáp của người bệnh hiệu quả. Theo các chuyên gia, cả 2 loại thuốc đều có tác dụng trong khoảng 12 tháng sử dụng liên tục. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh nhân phải uống thuốc không ngừng nghỉ trong 12 đến 18 tháng, thậm chí là cả đời khi cần thiết. Trong quá trình sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc đổi phương pháp điều trị nếu bệnh nhân thường xuyên tái phát cường giáp khi giảm liều lượng hoặc gặp phải tác dụng phụ ngoài ý muốn.

3. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc kháng giáp

Về cơ bản các loại thuốc này thường ít gây tác dụng phụ và các phản ứng xảy ra ở tỷ lệ 1-3% số người bệnh. Các triệu chứng thường gặp ở người dùng thuốc là phát ban, ngứa ngáy, rụng tóc và sốt. Một số ít trường hợp bệnh nhân khác có thể bị buồn nôn, phù, tức ngực, đau nhức xương khớp và đau đầu ngay sau khi uống thuốc.

Một số trường hợp hiếm gặp có thể bị tổn thương gan hoặc giảm bạch cầu đột ngột. Do đó trong thời gian dùng thuốc, nếu bạn bị sốt, cảm cúm hoặc đau họng, bạn cần phải đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về thuốc kháng giáp mà các bạn có thể tham khảo. Mặc dù tác dụng phụ của thuốc rất hiếm gặp nhưng chúng sẽ để lại hậu quả rất nặng nề, thậm chí gây tử vong cho người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, bệnh nhân khi điều trị cường giáp phải tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời ngăn chặn những rủi ro sức khỏe.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/thuoc-khang-giap-la-gi/