Thuốc Paracetamol có gây loét dạ dày không?

Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn, thường được sử dụng khá rộng rãi trong điều trị. Không như Aspirin hay các thuốc chống viêm không steroid khác, Paracetamol được cho là sử dụng an toàn ở bệnh nhân có viêm loét dạ dày cấp tính.

1. Paracetamol có gây loét dạ dày không?

Paracetamol (acetaminophen hay N-acetyl-p-aminophenol) là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin. Paracetamol là thuốc giảm đau – hạ sốt hữu hiệu, tuy nhiên thuốc không có hiệu quả điều trị viêm. Paracetamol có tác dụng giảm đau và hạ sốt tương tự như Aspirin với liều ngang nhau tính theo gam.

Paracetamol làm giảm thân nhiệt ở bệnh nhân sốt, nhưng hiếm khi làm giảm thân nhiệt ở người bình thường. Paracetamol tác động lên vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, tỏa nhiệt tăng do giãn mạch và tăng lưu lượng máu ở ngoại biên.

Với liều điều trị, Paracetamol không làm thay đổi cân bằng acid – base, không gây kích ứng và tổn thương niêm mạc đường tiêu hoá, không gây viêm loét hoặc xuất huyết dạ dày như khi sử dụng Salicylat.

Paracetamol được xem là thuốc giảm đau, hạ sốt hiệu quả và rất an toàn. Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Paracetamol là loại thuốc giảm đau bậc 1. Paracetamol là thuốc giảm đau không opioid được ưu tiên cho bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hoá trên trong thực hành lâm sàng.

2. Một số thuốc gây đau dạ dày khác

Nhiều bệnh nhân bị thoái hoá xương khớp hoặc viêm khớp dạng thấp thường xuyên dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau hoặc viêm ở khớp. Các NSAID thường được sử dụng chứa axit acetylsalicylic (như Aspirin), Ibuprofen, Diclofenac và Naproxen.

Một nhược điểm của các loại thuốc này là chúng thường gây ra các vấn đề về dạ dày và tá tràng khi dùng trong vài tuần hoặc vài tháng, dẫn đến viêm loét dạ dày cấp tính. NSAID làm giảm sản xuất prostaglandin, chất này có tác dụng làm tăng sản xuất chất nhầy trong dạ dày và các chất trung hòa axit trong dạ dày. Nếu có quá ít prostaglandin, niêm mạc dạ dày sẽ dễ bị tổn thương do axit dạ dày hơn, dẫn đến viêm và có thể phát triển thành vết loét dạ dày.

  • Một số loại thuốc phòng ngừa loét

Một số loại thuốc khác nhau có thể làm giảm nguy cơ bị loét dạ dày cấp tính, thường được sử dụng như thuốc ức chế bơm proton (PPI) và thuốc kháng H2. Cả 2 loại thuốc này đều làm giảm sản xuất axit trong dạ dày. Thuốc Misoprostol tương tự hormone đôi khi cũng được sử dụng, mặc dù ít thường xuyên hơn.

  • Các yếu tố nguy cơ gây loét dạ dày cấp tính khi dùng thuốc NSAID

Không phải ai thường xuyên dùng thuốc NSAID cũng sẽ cần dùng thuốc để bảo vệ dạ dày. Điều này chủ yếu phụ thuộc vào nguy cơ phát triển loét dạ dày tá tràng của từng bệnh nhân. Một số yếu tố nguy cơ gây viêm loét dạ dày khi sử dụng thuốc NSAID như:

  • Người lớn > 65 tuổi;
  • Tiền sử bị loét dạ dày tá tràng;
  • Uống nhiều loại thuốc giảm đau khác nhau cùng một lúc.

3. Khuyến cáo khi sử dụng thuốc giảm đau

Cần thận trọng trong việc lựa chọn dùng thuốc giảm đau tuỳ vào tình trạng bệnh. Nên dùng thuốc giảm đau bậc 1, paracetamol nên được chọn là thuốc dùng đầu tiên, dùng đúng liều và không dùng kéo dài. Nếu tình trạng đau không cải thiện hoặc cải thiện, sau đó lại tái phát, bạn nên đến cơ sở y tế để được khám, xác định nguyên nhân chính xác và sử dụng loại thuốc giảm đau thích hợp. Bạn không nên tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc giảm đau nào mà bạn không rõ, có thể dẫn đến nghiện thuốc và các biến chứng nguy hiểm.

Paracetamol là thuốc giảm đau không opioid được ưu tiên cho bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hoá trên trong thực hành lâm sàng. Sử dụng Paracetamol không có khả năng gây loét dạ dày cấp tính có người bệnh. Để sử dụng thuốc giảm đau an toàn và hiệu quả, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định đúng nguyên nhân và sử dụng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/thuoc-paracetamol-co-gay-loet-da-day-khong/