Các phương pháp và phác đồ điều trị suy tim

Suy tim là hội chứng bệnh lý của tim có rối loạn chức năng tâm thất. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị như dùng các thuốc, thiết bị đặt máy tạo nhịp, máy khử rung, phẫu thuật, thay đổi lối sống, các thảo dược tự nhiên,…. Mục tiêu điều trị bệnh suy tim nhằm làm giảm các triệu chứng bệnh, hạn chế nhập viện, kéo dài sự sống cho người bệnh.

1. Suy tim là bệnh lý gì?

Suy tim là hội chứng lâm sàng nguyên nhân do biến đổi cấu trúc có hoặc không kèm theo thay đổi chức năng của tim. Khi suy tim, chức năng cung cấp máu cho các nhu cầu chuyển hóa không đủ.

Nguyên nhân của bệnh lý suy tim: phần lớn do xuất hiện các rối loạn chức năng cơ tim hoặc do các bệnh lý tại van tim, cấu trúc tim, màng tim( màng trong tim và màng ngoài tim), rối loạn nhịp tim và rối loạn dẫn truyền.

2. Chẩn đoán suy tim

Chẩn đoán bệnh suy tim dựa trên những triệu chứng cơ năng, triệu chứng thực thể và kết quả những xét nghiệm, cận lâm sàng.

Các dấu hiệu người bệnh cảm thấy như khó thở, giảm khả năng gắng sức, toàn thân mệt mỏi, phù chân, hồi hộp, đánh trống ngực…tiền sử bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, bệnh đái tháo đường, nghiện rượu…Các xét nghiệm cần làm như điện tâm đồ, siêu âm tim, X-quang tim phổi thẳng, X-quang tim phổi nghiêng, xét nghiệm máu…

3. Các phương pháp điều trị bệnh suy tim

Người bệnh suy tim được điều trị bằng một hay nhiều phương pháp khác nhau, hoặc sử dụng các phác đồ điều trị suy tim khác nhau.

3.1. Điều trị nội khoa

Các thuốc được tối ưu hóa dùng trước khi cân nhắc sử dụng bất kì phương pháp can thiệp khác. Thuốc nội khoa được sử dụng bao gồm nhiều nhóm thuốc:

  • Nhóm thuốc ức chế hệ renin-angiotensin bao gồm:

Thuốc ức chế men chuyển(ƯCMC) là thuốc cơ bản hàng đầu trong điều trị bệnh suy tim, có thể dùng khi người bệnh chưa có triệu chứng cơ năng. Thuốc gây tác dụng phụ như ho khan đôi khi ho kéo dài dai dẳng, tăng kali máu, hạ huyết áp đột ngột, phù mạch hoặc đau đầu, mất vị giác, dát sần, chóng mặt, mệt mỏi…

Thuốc chẹn thụ thể angiotensin CTTA: không gây ho và tác động hoàn toàn hơn trên Angiotensin II, nên dùng khi người bệnh không dung nạp được nhóm ƯCMC.

  • Thuốc chẹn beta giao cảm: như các thuốc carvedilol, thuốc bisoprolol, metoprolol và nebivolol. Thuốc được ưu tiên sử dụng nếu không có chống chỉ định và dùng khi tình trạng suy tim đã ổn định.

Nên khởi đầu với liều dùng thấp và tăng dần liều, hiệu quả của thuốc rất chậm, cần 2 đến 3 tháng. Ngay cả khi các triệu chứng cơ năng không cải thiện, sử dụng thuốc vẫn có lợi nhằm làm giảm biến cố lâm sàng. Cần lưu ý tác dụng phụ của thuốc: ứ dịch, suy tim nặng hơn, mệt mỏi, nhịp tim chậm và hạ huyết áp, bloc tim.

  • Thuốc Nitrat được dùng dưới dạng ngậm, uống hoặc bôi, dán bao gồm: Nitroglycerine(ngậm dưới lưỡi), Nitroglycerine (uống), Nitroglycerine (bôi hoặc dán dưới da), Isosorbide Dinitrate (uống),…
  • Thuốc lợi tiểu như Furosemide, Hydrochlorothiazide, Indapamide… sử dụng khi người bệnh có dấu hiệu ứ trệ dịch và cần phối hợp với chế độ ăn giảm muối và nước.

Lưu ý khi dùng thuốc liều cao và theo dõi nồng độ các điện giải Kali và Natri máu và các chỉ số Ure và Creatinin máu.

  • Thuốc Hydralazine có tác dụng làm tăng tần số tim, tăng tiêu thụ oxy cơ tim. Lưu ý khi sử dụng đối với người bệnh bị thiếu máu cơ tim. Thông thường thuốc thường được kết hợp với Nitrate có tác dụng làm tăng tuổi thọ của người bệnh suy tim
  • Thuốc ức chế trực tiếp nút xoang như Ivabradine, chỉ dùng khi liều lượng ƯCB đạt tối đa mà tần số tim lớn hơn hoặc bằng 70 chu kỳ trên phút.
  • Omega 3 cũng được sử dụng cho người bệnh suy tim.
  • Thuốc giãn mạch: chỉ nên được sử dụng trong trường hợp suy tim cấp do cơn cao huyết áp hoặc khi chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 110 mmHg.
  • Thuốc tăng co bóp cơ tim, thuốc gây tăng co mạch: nhằm cải thiện tưới máu cơ quan và gây tăng huyết áp, chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn.

3.2. Các phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh suy tim

Phẫu thuật có thể điều trị một số nguyên nhân cơ bản gây suy tim hoặc hỗ trợ, thay thế khi nguyên nhân gây bệnh không thể sửa được.Các phẫu thuật điều trị suy tim bao gồm:

  • Phẫu thuật bắc cầu chủ vành: áp dụng khi nguyên nhân là bệnh lý mạch vành. Tuy nhiên trong khi phẫu thuật, người bệnh có thể đối mặt với những nguy cơ khác nhau bao gồm cả trước, trong và sau phẫu thuật cũng như tiên lượng cuộc mổ.
  • Thay van tim: khi người suy tim có bệnh van tim, bằng các phẫu thuật van tim theo truyền thống, xâm lấn tối thiểu, nội soi và can thiệp qua da như TAVI,…
  • Cấy dụng cụ hỗ trợ thất trái: sử dụng khi người bệnh suy tim không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác, nhập viện trong tình trạng suy chức năng của thất trái nặng. Đây được coi là biện pháp cuối cùng khi mà người bệnh không phù hợp ghép tim.
  • Thay tim hoặc ghép tim: phương pháp được cân nhắc khi người bệnh suy tim quá nặng, suy tim giai đoạn cuối, kháng lại với tất cả những biện pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa thông thường. Ghép tim áp dụng cho người bệnh dưới 65 tuổi, có khả năng tuân thủ nguyên tắc điều trị chặt chẽ.

3.3. Thay đổi lối sống cho người bệnh suy tim

Chế độ ăn uống:

  • Chế độ ăn cần hạn chế muối, natri nhằm giúp hạn chế tình trạng ứ dịch. Trường hợp suy tim mức độ nặng nhất, chế độ ăn được khuyến cáo hạn chế dùng natri < 2 g/ngày.
  • Cần tránh nhóm thực phẩm chứa các chất béo xấu và được chế biến sẵn như thịt động vật, nội tạng của động vật, các đồ chiên rán nhiều dầu mỡ…
  • Người bệnh nên sử dụng nhiều loại trái cây, các loại rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, nhóm thịt nạc, cá, trứng, thịt trắng, dầu thực vật, loại quả hạch,…
  • Về số lượng bữa ăn và tổng năng lượng trong ngày cần phù hợp với thể trạng, tuổi tác và mức độ bệnh suy tim, người bệnh cần chia nhỏ những bữa ăn trong ngày, không nên ăn quá no hoặc quá đói.
  • Không nên sử dụng rượu bia, sử dụng chất kích thích, không hút thuốc lá vì gây ảnh hưởng xấu đến tim.

Lối sống:

  • Thực hiện lối sống tích cực, có sức khỏe tinh thần tốt, tránh stress, lo âu, tập thể dục phù hợp chính là các yếu tố giúp cơ thể người bệnh suy tim chống lại bệnh tật tốt hơn.
  • Duy tri mức cân nặng phù hợp, chế độ hoạt động, chế độ tập luyện thể lực cần phù hợp với mức độ suy tim, nghỉ ngơi hợp lý, không gắng sức quá mức.
  • Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ trên người bệnh bị suy tim như có các bệnh lý tăng huyết áp, người bệnh đái tháo đường, mỡ máu…

3.4. Các phương pháp thảo dược tự nhiên

Các thuốc Tây y và các can thiệp, phẫu thuật có hiệu quả giúp kiểm soát tiến triển của bệnh suy tim, giảm tỷ lệ tử vong của bệnh. Tuy nhiên, từ xa xưa, nhiều cây thuốc nam, các thảo dược tự nhiên đã được sử dụng cho tác dụng tốt tới tim mạch, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh suy tim như cơn khó thở, đau thắt ngực, hụt hơi, giảm khả năng gắng sức…và ngăn suy tim tiến triển nặng, giảm tần suất nhập viện cho người bệnh.

Những bài thuốc, vị thuốc quý của y học cổ truyền không những được sử dụng theo cách truyền thống( sắc nước, làm hoàn, tán bột…), ngày nay với các phương pháp tách chiết và nghiên cứu mới nhất của y học hiện đại, nhiều sản phẩm đông y đã xuất hiện ở các dạng bào chế hiện đại hơn. Người bệnh cần lưu ý nên lựa chọn những sản phẩm hỗ trợ có chứa thảo dược đã được nghiên cứu lâm sàng đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh suy tim.

Các thảo dược tự nhiên được nghiên cứu có tác dụng tăng cường chức năng tim, làm tăng lưu thông máu, giảm xơ vữa, tiêu huyết khối được dùng bao gồm: Đan sâm, Hoàng đằng, Nhân sâm,…

  • Đan sâm: có chứa hoạt chất Tanshinone IIA, được biết đến như một loại thảo dược tốt cho hệ tim mạch bao gồm cả suy tim. Vị thuốc giúp làm giãn động mạch vành, các mạch máu ngoại vi, cải thiện lưu lượng máu, có tính hoạt huyết nên hạn chế tình trạng ứ huyết, giảm những triệu chứng ho, phù, mệt mỏi, khó thở do tim. Ngoài ra các nghiên cứu hiện đại còn chỉ ra Đan sâm giúp ngăn ngừa huyết khối, chống gốc tự do giúp bảo vệ tế bào cơ tim và chống phì đại cơ tim, ngăn dày thất trái, nhờ tác dụng bổ huyết và hoạt huyết.
  • Hoàng đằng: có hoạt chất chính là Berberin, không những có tác dụng trên hệ tiêu hóa chống nhiễm khuẩn mà còn có tác động toàn diện trên hệ tim mạch. Hoạt chất có trong Hoàng đằng làm giảm khả năng hình thành mảng xơ vữa, làm thư giãn mạch máu, tăng lưu lượng tuần hoàn và giảm huyết áp. Theo các nghiên cứu, Hoàng đằng làm giảm đau ngực khó thở, giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh suy tim.

Ngoài ra có rất nhiều vị thuốc tự nhiên khác được sử dụng kết hợp cùng Hoàng đằng, Đan sâm để hỗ trợ điều trị suy tim như: Nhân sâm, Ích mẫu, Bạch quả, Hoè hoa…

Suy tim là căn bệnh nguy hiểm, hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị. Để điều trị suy tim hiệu quả, nâng cao chất lượng và thời gian sống, người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ và có thể sử dụng thêm các sản phẩm thảo dược tự nhiên hiệu quả, an toàn đã được kiểm chứng.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/tim-mach/thong-tin-suc-khoe/cac-phuong-phap-va-phac-do-dieu-tri-suy-tim/