Các món cháo cho người tiểu đường

Từ xưa đến nay, dinh dưỡng trong điều trị đái tháo đường được coi là cách chữa cơ bản nhất, bởi bệnh nhân sẽ thực hiện chế độ ăn kiêng theo yêu cầu của bác sĩ với mục đích nhằm duy trì lượng đường cần thiết trong máu. Để tăng thêm khẩu vị trong chế độ dinh dưỡng, bạn có thể tham khảo một số các món cháo cho người tiểu đường trong bài viết sau đây.

1. Người mắc bệnh đái tháo đường có thể ăn cháo không?

Người mắc bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể đưa cháo vào thực đơn hàng ngày của mình. Tuy nhiên, khi cho người có bệnh lý tiểu đường ăn cháo cần phải lưu ý trong cách chế biến cũng như có chế độ ăn riêng biệt để không bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Đối với những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, việc kiêng khem một số nhóm thực phẩm là rất cần thiết để kiểm soát lượng đường huyết. Tuy nhiên, dù người bệnh phải kiêng khem nhưng cũng không nhất thiết phải cắt hoàn toàn. Người bệnh vẫn có thể chọn lựa những thực phẩm cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể.

XEM THÊM: Chế độ dinh dưỡng và luyện tập cho người bệnh tiểu đường

2. Các món cháo cho người tiểu đường

Bạn có thể tham khảo các món cháo cho người tiểu đường như sau:

2.1. Cháo địa cốt bì cho người tiểu đường

Nguyên liệu:

  • 30 gram địa cốt bì;
  • 15 gram mạch đông;
  • 15 gram tang bạch bì;
  • 100 gram bột miến dong.

Cách chế biến:

  • Đem 3 loại dược liệu (địa cốt bì, mạch đông, tang bạch bì) mang sắc lấy nước;
  • Mang bột miến dong đã chuẩn bị sẵn nấu cùng nước dược liệu thành cháo.

Cách dùng: Địa cốt bì – món cháo cho người tiểu đường này có công dụng dùng như nước với những người bệnh nước uống nhiều, suy kiệt, gầy yếu.

2.2. Cháo bột sắn cho người tiểu đường

Nguyên liệu:

  • 30 gram bột sắn;
  • 50 gram gạo tẻ.

Cách chế biến:

  • Lấy gạo tẻ đã được ngâm nước đem vo sạch rồi nấu thành cháo đặc;
  • Cho 30 gram bột sắn vào hòa tan cùng nước, đổ vào nấu cùng cháo đặc.

Cách dùng: Cháo bột sẵn không chỉ phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường type 2 mà còn sử dụng cho bệnh nhân tăng huyết áp, tiêu chảy mãn tính, bệnh tim mạch vành, khô họng và khát nước,…


Bột sắn nấu cháo cho người tiểu đường
Gạo tẻ và bột sắn khi được nấu cùng sẽ là một món ăn vô cùng phù hợp với những bệnh nhân tiểu đường

2.3. Cháo cần tây cho người tiểu đường

Chuẩn bị nguyên liệu:

  • 60 gram cần tây tươi;
  • 50 – 100 gram gạo tẻ.

Cách chế biến:

  • Rửa sạch cần tây tươi và xắt chúng;
  • Đem cần tây tươi đã xắt và nấu cùng với gạo tẻ thành cháo.

Cách dùng: Ăn cháo khi còn nóng. Cháo cần tây là món ăn bổ dưỡng cho những người bệnh tiểu đường và các trường hợp tăng huyết áp.

XEM THÊM: Tháp dinh dưỡng cho người tiểu đường

2.4. Cháo khoai lang cho người tiểu đường

Chuẩn bị nguyên liệu:

  • 60 gram khoai lang;
  • 30 gram gạo kê.

Cách chế biến:

  • Sơ chế sạch sẽ khoai lang, đem thái lát;
  • Mang khoai lang đã thái nấu nấu cùng gạo kê, cháo chín và khoai mềm là có thể ăn.

Người thân nên đưa cháo khoai lang vào thực đơn bữa sáng của bệnh nhân mắc tiểu đường có tỳ vị hư nhược.

2.5 Cháo tiểu mạch cho người tiểu đường

Nguyên liệu:

  • Mì hạt đã xát vỏ;
  • (Hoặc) Bột mì;

Cách chế biến:

  • Đem mì hạt đã xát vỏ ngâm nước đãi sạch;
  • Thêm nước cùng mì hạt vào nồi và nấu thành cháo (có thể nấu thành cơm, tùy theo ý thích).

Cách dùng: Cháo tiểu mạch vô cùng phù hợp với người bệnh tiểu đường, tuy nhiên phải tuân thủ định lượng theo thực đơn đã quy định trước. Bên cạnh đó, trường hợp các bệnh nhân bị sốt nóng, khát nước, miệng họng khô cũng có thể dùng món ăn này.


Các món cháo cho người tiểu đường
Cháo tiểu mạch là món ăn vô cùng phù hợp với người tiểu đường

2.6. Cháo thục địa nhục quế cho người tiểu đường

Nguyên liệu

  • 10 gram thục địa hoàng;
  • 3 gram nhục quế;
  • 100 gram gạo tẻ;
  • 30 gram rau hẹ tươi.

Cách chế biến:

  • Đem các dược liệu gồm thục địa và nhục quế nấu chung với gạo tẻ thành cháo loãng;
  • Khi cháo đã chín hãy cho thêm 30 gram rau hẹ tươi cùng chút muối gia vị để tô cháo thêm ngon miệng.

Không chỉ là món cháo cho người tiểu đường, cháo thục địa nhục quế còn là món ăn bổ dưỡng với những trường hợp bệnh nhân di niệu hoặc u xơ tiền liệt tuyến.

3. Một số lưu ý về dinh dưỡng trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường

Vì tiểu đường là căn bệnh cần có chế độ ăn kiêng khem nhất định nhằm duy trì lượng đường cần thiết có trong máu. Chính vì vậy, người bệnh cần lưu ý một số điều cơ bản khi lựa chọn cũng như chế biến các món ăn, bao gồm:

  • Người bị bệnh đái tháo đường được các chuyên gia khuyến cáo nên ăn nhạt. Lượng muối mỗi ngày nạp vào cơ thể chỉ nên dưới 6 gram. Do đó, phải hạn chế ăn các món mặn như dưa muối, mắm, chao,…
  • Khuyến khích người bị bệnh tiểu đường nên chế biến các món ăn theo các cách là hấp, luộc; hạn chế chiên xào hay hầm nhừ.
  • Thịt nạc là món ăn mà người bị đái tháo đường nên ăn thường xuyên, bên cạnh đó người bệnh có thể đổi khẩu vị bằng cách ăn các món cá để bổ sung chất đạm.
  • Đối với người bị bệnh tiểu đường, mướp đắng có thể được cho là “thần dược”.
  • Nên bổ sung trứng vào thực đơn ăn uống của người bệnh, với lượng là 2 bữa trứng 1 tuần.
  • Người bệnh nên ăn các món ăn chứa nhiều tinh bột ở một lượng vừa phải. Cụ thể, chỉ nên tiêu thụ khoảng 50-60% lượng tinh bột so với người bình thường.

Nấu cháo cho người tiểu đường
Khi nấu cháo cho người tiểu đường, bạn cần lưu ý lượng muối ăn được thêm vào
  • Nên bổ sung các loại vitamin và chất khoáng, chất xơ thông qua việc ăn nhiều hoa quả và rau xanh. Những loại trái cây ít đường phù hợp với bệnh nhân đái tháo đường bao gồm: dưa lưới, dứa, táo, lê, dâu tây, cam,… Bên cạnh đó, để tránh lượng đường huyết tăng cao, cần hạn chế những loại trái cây có chứa nhiều đường như dưa hấu, anh đào, nho, xoài, …
  • Người bệnh tiểu đường không được ăn nội tạng động vật và không nên sử dụng các loại thức ăn nhanh hoặc thực phẩm đóng hộp như: thịt nguội, xúc xích, pate, …

Theo Đông y, dinh dưỡng trong điều trị bệnh tiểu đường chính là cả một nghệ thuật bởi nó có thể mang lại những hiệu quả điều trị bệnh nhất định. Những người mắc đái tháo đường hoàn toàn có thể yên tâm chế biến các món cháo trên, tuy nhiên để đảm bảo sức khỏe bạn vẫn nên thường xuyên theo dõi lượng đường huyết và tham khảo ý kiến của bác sĩ để có chế độ ăn hợp lý.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dinh-duong/cac-mon-chao-cho-nguoi-tieu-duong/