Cây ké hoa đào có tác dụng gì?

Ké hoa đào là cây mọc hoang nhiều ở các vùng núi phía Bắc nước ta, được dân gian sử dụng rất nhiều trong các phương thuốc cổ. Theo Đông y, ké hoa đào là vị thuốc thường được dùng trong điều trị táo bón, khí hư, mụn nhọt, phong thấp tê đau.

1. Mô tả cây ké hoa đào

Ké hoa đào thuộc họ Malvaceae (Bông), có tên khoa học là Urena lobata L. Cây mọc hoang ở nhiều nơi, thường phân bố tập trung tại vùng đồi núi các tỉnh miền núi Tây Bắc. Cây còn có tên khác là ké hoa đỏ, thổ đỗ trọng, dã mai hoa, dã đào hoa… Bộ phần dùng của cây là rễ và toàn cây, thường được thu hái vào mùa hè và mùa thu, dùng tươi hoặc sấy khô dùng dần.

Cây ké hoa đào là dạng cây nhỡ cao khoảng 1m, có cành mang mang nhiều lông mịn hình sao. Lá có hình gần tròn, đường kính khoảng 4-6cm, gân lá hình chân vịt, mép răng cưa, đầu lá nhọn, phía cuối hơi bằng, mặt trên lá có màu xanh, mặt dưới màu tro nhạt. Hoa có màu hồng, mọc đơn độc hoặc mọc thành đôi ở kẽ lá. Mùa hoa thường từ tháng 6-10. Quả có hình cầu dẹt, nhiều lông, có gai hình móc ở phía trên, hạt có vân dọc và có lông ngắn.


cây ké hoa đào
Cây ké hoa đào được ứng dụng trong Y học cổ truyền giúp điều trị một số bệnh lý

2. Cây ké hoa đào trị bệnh gì?

Theo Y Học Cổ Truyền, ké hoa đào là vị thuốc có tính mát, vị ngọt, có tác dụng trừ phong, lợi thấp, thanh nhiệt, giải độc. Trong dân gian dùng ké hoa đào để chữa đau nhức, phong thấp, thủy thũng, tiểu tiện khó, khí hư, tiêu hóa kém, bướu giáp… Ở Ấn Độ, người ta dùng rễ cây ké hoa đào làm thuốc đắp ngoài da trị tê thấp. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau: chữa viêm họng, phong thấp, viêm khớp, đau nhức xương, chữa lỵ, bạch đới, viêm thận phù thũng, bướu cổ đơn thuần, viêm ruột, tiêu hóa kém, rong kinh, rong huyết. Ngoài ra, ké hoa đào còn dùng ngoài trong chữa vết thương sưng đau, mụn nhọt mưng mủ, chữa rắn cắn, viêm tuyến vú.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/y-hoc-co-truyen/duoc-lieu/cay-ke-hoa-dao-co-tac-dung-gi/