Thận trọng khi dùng củ ấu tẩu

Củ ấu tẩu hay còn tên gọi là củ Gấu tàu là một loại cây có độc tính rất mạnh. Thế nhưng, Đông Y Việt Nam đã sử dụng loại thực vật này như một vị thuốc đem đến các tác dụng tích cực đối với sức khỏe. Vậy làm thế nào để biến một cây độc thành dược liệu và nếu như bị ngộ độc củ ấu tẩu, bạn cần xử lý ra sao?

1. Tìm hiểu về củ ấu tẩu

Củ ấu tẩu còn có nhiều tên gọi khác là gấu tàu, ấu tàu, co ú tàu, cây thảo ô,… Tuy nhiên, khoa học đã thống nhất tên gọi của củ ấu tẩu là Aconitum Fortunei Hemsl.

Về đặc điểm dược liệu, ấu tẩu là một loại cây thảo với chiều cao trung bình từ 0.6m đến 1m. Cây có phần rễ củ mập và hình con quay, rễ cái có kích thước lớn, có nhiều rễ nhỏ. Bề ngoài của củ có màu đen và nhẵn. Thân ấu tẩu hình trụ, là dạng thân đứng và ít nhánh.

Lá ấu tẩu mọc theo cách thức sole nhau, gân lá hình chân vịt. Hoa ấu tẩu mọc thành chùm ở phần ngọn của thân, kích thước lớn và có màu xanh lam. Về quả ấu tẩu, quả có 5 dải mỏng và nhiều hạt. Mùa hoa quả thường dao động vào tháng 10 – tháng 11 hàng năm.

Cây củ ấu tẩu phân bố nhiều ở Sapa và Hà Giang. Đây là cây sống ở vùng ôn đới ẩm. Tuy là cây ưa sáng, nhưng củ ấu tẩu nhỏ thường là cây chịu bóng.

2. Củ ấu tẩu có tác dụng gì đối với sức khỏe nói chung?

Trong Dược điển Việt Nam, củ ấu tẩu có chứa khoảng 0.3% alkaloid. Loại củ này có nhiều tác dụng đối với sức khỏe trên nhiều bộ phận, trong đó nổi bật nhất là các tác dụng liên quan đến huyết áp, hệ thần kinh…

2.1. Tác dụng của củ ấu tẩu đối với huyết áp

Thành phần Aconitin có trong củ ấu tẩu giúp ổn định huyết áp và giảm cholesterol và mỡ trong máu. Nhờ đó cải thiện chứng xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, kết quả này vẫn đang được thực nghiệm trên động vật.

2.2. Củ ấu tẩu và khả năng giảm đau

Củ ấu tẩu có thể giảm đau nhờ đáp ứng của hệ thống với catecholamin trung ương. Bên cạnh đó, aconitin trong ấu tẩu còn ức chế dẫn truyền xung thần kinh, qua đó khiến dây thần kinh tê liệt và mất khả năng dẫn truyền, hỗ trợ giảm bớt tín hiệu đau.

2.3. Kháng viêm bằng củ ấu tẩu

Người ta thường dùng củ ấu tẩu để chống viêm do dược liệu nhờ tác động kích thích tuyến thượng thận của nó.

3. Củ ấu tẩu và độc tính của nó

Trên thực tế, củ ấu tẩu là một loại thực vật rất độc. Tùy theo loài, đặc điểm sinh trưởng, thời gian thu hoạch, cách chế biến và thời gian chế biến mà độc tính của củ ấu tẩu có thể thay đổi. Chúng có thể tác động tiêu cực lên nhiều bộ phận như:

3.1. Với tim mạch

Aconitin là một chất rất độc đối với tim mạch, có thể tác dụng trực tiếp lên tế bào cơ của tim và khiến tim tăng nhịp đập.

3.2. Với hệ thần kinh

Củ ấu tẩu cũng có tác dụng tiêu cực với hệ thần kinh, có khả năng kích thích gây ngứa và tạo cảm giác bỏng rát, rồi dẫn đến tình trạng mất cảm giác, tê dại toàn thân. Ngoài ra, Aconitin cũng ức chế trung khu hô hấp của cơ thể.

4. Trúng độc củ ấu tẩu – phải làm gì?

Khi tự ý sử dụng củ ấu tẩu chưa qua chế biến, cơ thể có thể gặp phải tình trạng ngộ độc và thậm chí dẫn đến tử vong. Chỉ với 1mg củ ấu tẩu có thể gây ngộ độc nặng và nếu hàm lượng là 2mg – 3mg, một người trưởng thành có thể tử vong bởi loại thực vật này.

Khi ngộ độc củ ấu tẩu, nạn nhân sẽ có cảm giác tê lưỡi và tê rần các đầu ngón tay, ngón chân, lạnh buốt tay chân. Dần dần, nạn nhân không thể đứng vững, chóng mặt, váng đầu, vã mồ hôi và chảy nước dãi. Bên cạnh đó, nạn nhân cũng khó giao tiếp hơn, buồn nôn, tiêu chảy và tức ngực, nhịp tim nhanh bất thường.

Tất cả những biểu hiện này sau khi sử dụng củ ấu tẩu đều cho thấy bạn đã bị ngộ độc. Khi đó, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không được ở nhà tự theo dõi hoặc điều trị theo cách dân gian, bởi tác động của củ ấu tẩu trực tiếp lên tim mạch và hệ thần kinh – các cơ quan liên quan đến tính mạng con người.


Ấu tẩu Hà Giang
Củ ấu tẩu còn có nhiều tên gọi khác là gấu tàu, ấu tàu, co ú tàu, cây thảo ô,…

5. Cách chế biến củ ấu tẩu độc đáo từ Hà Giang

Có thể bạn chưa biết, nhưng củ ấu tẩu Hà Giang đã tạo nên một món ăn đặc sản, đó là cháo ấu tẩu. Mặc dù, đây là một loại củ có độc tính rất mạnh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng với cách chế biến củ ấu tẩu vô cùng độc đáo và tài tình, người dân Tây Bắc đã biến nó thành một nguyên liệu ngon cho món cháo có lợi cho sức khỏe.

Không chỉ cháo, rất nhiều món ăn khác đến từ củ ấu tẩu đã trở thành nét rất riêng của cao nguyên đá Hà Giang. Bí quyết để chế biến được món ăn ngon và bổ này được người dân chia sẻ như sau:

  • Đầu tiên, cần ngâm củ ấu tẩu trong nước gạo.
  • Ninh cùng với bở tơi và đem tán nhuyễn.
  • Sau cùng nấu với gạo tẻ, chân giò và nếp cái để tạo thành món cháo củ ấu tẩu Hà Giang.

Cũng từ chia sẻ của người dân, củ ấu tẩu là một nguyên liệu cứng, vì vậy sau khi rửa sạch sẽ ninh trong nồi đến khi nhừ. Về vấn đề độc tính của củ ấu tẩu, sau khi chế biến sẽ gần như không còn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, mỗi xoong cháo sẽ chỉ dùng vài củ để nấu.

Món cháo ấu tẩu của Hà Giang thường ăn kèm với thịt băm và các loại rau thơm, măng chua và tiêu nóng. Vị của món ăn này béo ngậy, hơi đắng và lạ miệng. Một bát cháo ấu tẩu có thể khiến cơ thể trở nên khỏe khoắn và sảng khoái hơn, tinh thần minh mẫn, tỉnh táo lại sau một chuyến du lịch dài.

Cháo củ ấu tẩu Hà Giang được bán quanh năm và đặc biệt chỉ bán vào buổi tối. Theo lời từ người dân, ăn bát cháo này vào ban đêm sẽ có tác dụng tích cực đối với giấc ngủ, giúp thư giãn cơ bắp, gân cốt, xương khớp và hồi phục năng lượng sau ngày dài.

Có thể nói, mặc dù là một loại củ có độc tính mạnh, nhưng củ ấu tẩu đã được ứng dụng rộng rãi trong Đông Y nhằm điều trị / cải thiện các tình trạng sức khỏe. Trong dân gian, cách chế biến tài tình của người dân cũng khiến củ ấu tẩu trở thành món ăn ngon – bổ.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/y-hoc-co-truyen/duoc-lieu/trong-khi-dung-cu-au-tau/