Công dụng thuốc Clozapyl

Thuốc Clozapyl có thành phần là Clozapin, thường được chỉ định trong điều trị tâm thần phân liệt kháng thuốc. Hãy cùng tìm hiểu thuốc Clozapyl có tác dụng gì và cách sử dụng như thế nào trong bài viết dưới đây.

1. Clozapyl là thuốc gì?

Thuốc Clozapyl được sản xuất bởi Công ty Torrent Pharm., Ltd – Ấn Độ Clozapyl là một thuốc kê đơn được phân loại vào nhóm thuốc hướng tâm thần. Thành phần hoạt chất chính của thuốc Clozapyl Clozapin.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén, mỗi viên chứa 100mg Clozapin và các tá dược khác.

Dạng đóng gói: Vỉ 10 viên, hộp gồm 10 vỉ và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

2. Thuốc Clozapyl có tác dụng gì?

Dược lực học: Clozapin thuộc nhóm benzodiazepine, có hiệu quả kháng tâm thần mạnh, tác động đồng thời trên các triệu chứng của hương cảm và trầm cảm.

Đặc tính của Clozapin:

  • Hiếm gây tác dụng ngoại tháp.
  • Không làm tăng prolactine máu.
  • Hiệu quả an thần nhanh và mạnh.

Clozapin khác với những thuốc an thần cổ điển khác là không gây hội chứng giữ nguyên tư thế và không ức chế hành vi lặp lại như apomorphine. Ngoài ra, Clozapin còn có tác động đối kháng trên thụ thể cholinergic và 5-HT2.

Dược động học:

  • Hấp thu: Clozapin được hấp thu gần như hoàn toàn bằng đường uống và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Nồng độ Clozapin đạt đỉnh trong huyết tương dao động từ 1 – 6 giờ.
  • Phân bố: Clozapin phân bố rộng rãi trong cơ thể, tỉ lệ liên kết với protein huyết tương là 95%.
  • Chuyển hóa: Clozapin được chuyển hóa chủ yếu ở gan bằng cách oxy hóa và loại bỏ gốc methyl ở vị trí N.
  • Thải trừ: thời gian bán hủy của Clozapin trung bình là 12 giờ sau khi dùng liều duy nhất. Clozapin được đào thải chủ yếu qua nước tiểu và mật.

3. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Clozapyl

Thuốc Clozapyl thường được chỉ định trong điều trị tâm thần phân liệt kháng thuốc hoặc không dung nạp với các thuốc cổ điển.

Chống chỉ định: Tuyệt đối không sử dụng Clozapyl trong các trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc Clozapyl.
  • Suy tủy.
  • Tiền sử giảm bạch cầu hạt.
  • Động kinh không kiểm soát được.
  • Loạn thần do rượu và nhiễm độc, ngộ độc thuốc.
  • Hôn mê.
  • Suy tuần hoàn.
  • Suy nhược thần kinh.
  • Suy gan nặng.
  • Suy tim nặng.
  • Suy thận nặng.

4. Liều lượng và cách dùng thuốc Clozapyl

Clozapyl là thuốc kê đơn, vì vậy bạn chỉ sử dụng thuốc này khi có sự chỉ định của bác sĩ và phải tuân thủ tuyệt đối về liều lượng, đường dùng, thời gian dùng thuốc. Để đảm bảo an toàn, bạn không nên tự ý thay đổi liều lượng hoặc dùng thuốc theo đường khác ngoài hướng dẫn. Đồng thời, không dùng chung thuốc Clozapyl với người khác hoặc đưa cho người khác sử dụng khi thấy họ có triệu chứng giống bạn.

Liều lượng:

  • Khởi đầu với 12.5mg x 1 lần/ ngày. Sau đó tăng liều lên 25 – 50mg/ ngày vào ngày thứ 2. Tiếp tục thêm từng nấc 25 – 50nmg mỗi ngày cho đến khi đạt được liều 300 – 450mg/ ngày trong vòng 2 tuần.
  • Liều tối đa là 900mg/ ngày, khi có kế hoạch ngừng thuốc, cần giảm liều dần dần trong 1 – 2 tuần, không nên ngưng thuốc đột ngột.

Cách dùng: Thuốc Clozapyl được dùng theo đường uống. Người bệnh không nên dùng thuốc theo đường dùng khác với chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, cần có chế độ sinh hoạt khoa học, hợp lý giúp nhanh chóng khỏi bệnh.

Cần làm gì khi quên liều thuốc Clozapyl?

  • Khi quên liều, hãy cho người bệnh uống một liều khác càng sớm càng tốt.
  • Nếu lúc đó gần với thời điểm dùng thuốc tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên.
  • Không nên uống gấp đôi liều để bù lại liều bị quên.

Cần làm gì khi quá liều thuốc Clozapyl?

  • Quá liều Clozapyl có thể gây ra các triệu chứng đờ đẫn, hôn mê, ngủ lịm, lú lẫn, mất phản xạ, kích động, co giật, mê sảng, tăng tiết nước bọt, nhìn mờ, giãn đồng tử, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp, suy sụp, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp.
  • Khi nghi ngờ quá liều, cần đưa bệnh nhân đến ngay trung tâm cấp cứu gần nhất để được xử trí kịp thời, mang theo tất cả các thuốc bệnh nhân đã sử dụng trước đó.
  • Biện pháp xử trí ngộ độc thuốc Clozapyl bao gồm súc rửa dạ dày, uống than hoạt tính, điều trị triệu chứng và theo dõi chức năng tim mạch và hô hấp, điều trị rối loạn điện giải và cân bằng kiềm toan. Nên theo dõi bệnh nhân ít nhất 4 ngày để đề phòng xảy ra những phản ứng muộn.

5. Tác dụng không mong muốn

Thuốc Clozapyl thường được dung nạp tốt và hiếm khi gây ra tác dụng không mong muốn, trừ trường hợp bệnh nhân sử dụng liều cao trong thời gian dài.

Một số tác dụng không mong muốn đã được báo cáo, nghiên cứu như: Giảm hoặc mất bạch cầu hạt, mệt mỏi, ngủ gà, nhức đầu, choáng váng, trầm uất, lú lần, bồn chồn, hoang tưởng, khô miệng, nhìn mờ, hạ huyết áp tư thế, buồn nôn, táo bón, tim đập nhanh,… Hiếm gặp hơn là tắc ruột, đái dầm, bí tiểu, viêm tụy cấp, dị ứng,…

Để đảm bảo an toàn trong quá trình dùng thuốc Clozapyl, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ ngay khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào để được tư vấn.

6. Tương tác thuốc

Khi phải điều trị với nhiều loại thuốc, có thể xảy ra tương tác thuốc hoặc tương tác giữa thuốc và thực phẩm, đồ uống. Kết quả là ảnh hưởng đến khả năng hấp thu, phân bố, chuyển hóa, tác dụng, tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy, để được kê đơn an toàn bạn cần thông báo với bác sĩ về các thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe khác cũng như các bệnh lý đang mắc phải. Một số thuốc có tương tác với Clozapyl như:

  • Thuốc gây suy tủy.
  • IMAO.
  • Thuốc ức chế thần kinh trung ương.
  • Thuốc hướng thần khác.
  • Thuốc kháng cholinergic.
  • Thuốc hạ huyết áp.
  • Thuốc ức chế hô hấp.
  • Thuốc gắn kết với protein huyết tương.
  • Rượu.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Clozapyl

  • Sử dụng thuốc Clozapyl trong thai kỳ: Chưa có đủ bằng chứng về tính an toàn của Clozapyl khi dùng cho phụ nữ có thai, vì vậy thuốc này không được khuyên dùng trong thai kỳ.
  • Sử dụng thuốc Clozapyl trong thời kỳ cho con bú: Clozapyl được bài tiết vào sữa mẹ, vì vậy không nên dùng Clozapyl khi đang cho con bú.

Thuốc Clozapyl có thể làm mất bạch cầu hạt. Vì vậy cần làm xét nghiệm xác định số lượng và công thức bạch cầu trước khi điều trị, trong suốt thời gian điều trị và sau khi điều trị.

8. Bảo quản thuốc

  • Bảo quản thuốc Clozapyl trong bao bì gốc của nhà sản xuất, ở nơi thoáng mát, sạch sẽ tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
  • Để Clozapyl tránh xa tầm tay trẻ em cũng như vật nuôi, tránh chúng không biết nhai phải gây ra những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng.
  • Thuốc Clozapyl có hạn sử dụng là 24 tháng, không dùng thuốc đã hết hạn hoặc có các dấu hiệu thay đổi màu sắc, tính chất, không còn nguyên tem nhãn niêm phong.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-clozapyl/