Công dụng thuốc Farizol 250 và 500

Farizol thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Cùng tìm hiểu về công dụng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Farizol qua bài viết dưới đây.

1. Farizol là thuốc gì?

Thuốc Farizol có chứa thành phần chính là hoạt chất Cefprozil dưới dạng Cefprozil monohydrat và các tá dược vừa đủ 1 viên. Thuốc được bào chế cho người dùng dưới dạng viên nén bao phim và được đóng gói theo hộp 1 vỉ x 10 viên với 2 loại theo liều lượng khác nhau bao gồm Farizol 250Farizol 500.

2. Công dụng của thuốc Farizol

Farizol là thuốc kê đơn điều trị trong nhiễm trùng nhẹ tới trung bình do các chủng vi khuẩn gây ra bao gồm:

Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như:

  • Viêm họng, viêm amidan do St. pyogenes
  • Viêm tai giữa và viêm xoang cấp do St. pneumoniae, H. influenza và Moraxella, catarrhalis.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới:

  • Người bị nhiễm trùng thứ cấp trong trường hợp bị viêm phế quản cấp hoặc đợt cấp của viêm phế quản mãn do St. pneumoniae, H. influenza, và Moraxella, Catarrhalis.

Da và cấu trúc: Người bị nhiễm trùng da và cấu trúc không biến chứng gây ra bởi St. pyogenes hoặc St. aureus bao gồm chủng sinh penicillinase.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Farizol

Cách dùng: Thuốc được bào chế dạng viên nén bao phim nên được sử dụng theo đường uống. Khi uống không nên nhai nát thuốc, mà uống cả viên với nước đun sôi để nguội.

Liều dùng khuyến cáo khi sử dụng thuốc Farizol 250Farizol 500 cho người từ 13 tuổi trở lên như sau:

  • Người bị viêm họng hoặc viêm Amidan: Dùng liều 500mg/ ngày 1 lần, duy trì thuốc trong 10 ngày.
  • Người bệnh viêm xoang cấp mức độ trung bình tới nặng có thể phải dùng liều cao hơn: Dùng liều 250mg hoặc 500mg/ ngày 2 lần, duy trì trong 10 ngày.
  • Người bị nhiễm trùng thứ cấp trong trường hợp bị viêm phế quản cấp hoặc đợt cấp của viêm phế quản mãn: Uống 500mg/ngày 2 lần, dùng trong 10 ngày.
  • Người bệnh viêm da và cấu trúc chưa biến chứng: Uống 250mg/ngày 2 lần hoặc 500mg/ ngày 1 hoặc 2 lần, trong vòng 10 ngày.
  • Điều trị người bị nhiễm khuẩn do St. pyogenes, thời gian dùng thuốc tối thiểu là 10 ngày.
  • Bệnh nhân suy gan: Không cần điều chỉnh liều lượng thuốc.
  • Bệnh nhân suy thận độ thanh thải creatinin 30- 120 ml/ phút: Sử dụng liều như người bình thường.
  • Bệnh nhân suy thận độ thanh thải creatinin 0 – 29ml/ phút: Sử dụng 50% liều tiêu chuẩn, thời gian điều trị trong 10 ngày.

Lưu ý: Do cefprozil bị loại bỏ khỏi cơ thể 1 phần trong quá trình chạy thận nhân tạo nên cần cho bệnh nhân uống ngay sau khi chạy thận.

Xử trí khi quên liều:

  • Nếu quên 1 liều thuốc, có thể uống bổ sung trong khoảng 1-2 giờ so với chỉ định được ghi trong đơn thuốc. Tuy nhiên, nếu thời gian quá xa thời điểm cần uống thuốc thì không nên uống bù hoặc uống gấp đôi liều lượng mà tiến hành uống liều tiếp theo như chỉ định. Cần tuân thủ đúng đơn thuốc hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định thay đổi liều dùng.

Quá liều và xử trí:

  • Các biểu hiện khi uống quá liều thuốc tương đối giống với các triệu chứng xuất hiện của tác dụng phụ. Kết quả đã được kiểm chứng khi dùng liều đơn 5000mg/ kg đường uống ở chuột cống hoặc chuột nhắt không gây chết hAY dấu hiệu ngộ độc. Sau khi dùng liều đơn 3000mg/ kg xuất hiện tiêu chảy và giảm ăn ở khỉ nhưng không gây chết.
  • Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng nhiễm độc gan, thận vì Cefprozil thải trừ chủ yếu qua thận. Một số trường hợp ngộ độc nặng, thường xảy ra ở những bệnh nhân bị bệnh thận, khi đó có thể dùng biện pháp lọc máu để loại bỏ Cefprozil ra khỏi cơ thể. Bệnh nhân cần được theo dõi kĩ các biểu hiện trên da, mặt, huyết áp.

4. Tác dụng phụ của thuốc Farizol

Các phản ứng phụ của Cefprozil thường xảy ra tương tự như với các loại kháng sinh cephalosporin đường uống khác. Khoảng 2% bệnh nhân phải ngưng điều trị bằng cefprozil do có tác dụng phụ.

Các tác dụng phụ thường gặp khi dùng Farizol bao gồm:

  • Đường tiêu hoá: Xuất hiện tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn và đau bụng.
  • Gan – mật: Tăng men gan, photphatase kiềm và bilirubin. Một số ít trường hợp có thể xuất hiện vàng da.
  • Quá mẫn: Ban, mề đay thường xảy ra nhiều ở trẻ em.
  • Thần kinh: Chóng mặt, đau đầu, mất ngủ và có thể bị tăng động.
  • Máu: Giảm bạch cầu và bạch cầu ưa eosin.
  • Thận: Tăng BUN, creatinin huyết tương.
  • Xuất hiện triệu chứng bội nhiễm hoặc bị ngứa bộ phận sinh dục và viêm âm đạo.

Một số tác dụng phụ khác hiếm gặp được ghi nhận sau khi thuốc lưu hành trên thị trường bao gồm: Sốc phản vệ, phù mạch, ban đỏ đa dạng hoặc sốt, phản ứng tương tự hội chứng Stevens – Johnson và giảm tiểu cầu.

Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu bệnh nhân thấy xuất hiện biểu hiện của tác dụng phụ đã nêu trên hoặc triệu chứng bất thường nào khác, cần dừng thuốc và đến trung tâm cơ sở y tế gần nhất để nhận được sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn.

5. Tương tác thuốc Farizol

Trong quá trình sử dụng thuốc, có thể xảy ra hiện tượng tương tác giữa thuốc Farizol với thức ăn hoặc các thuốc, thực phẩm chức năng khác làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thu, phân bố, tốc độ chuyển hóa của thuốc như sau:

  • Khi dùng đồng thời kháng sinh Aminoglycosid với Cephalosporin có thể gây độc đến thận.
  • AUC của Cefprozil tăng gấp đôi khi dùng đồng thời với Probenecid.
  • Cefprozil có thể gây ra hiện tượng dương tính giả trong thử nghiệm đường trong nước tiểu bằng thuốc thử Fehling hoặc Benedict và làm ảnh hưởng tới kết quả phép thử dùng enzym Clinistix. Có thể xảy ra phản ứng âm tính giả với thử nghiệm Ferricyanide để kiểm tra đường trong máu. Tuy nhiên, khi dùng phương pháp picrat kiềm, Cefprozil không làm ảnh hưởng tới định lượng creatinin trong máu hoặc nước tiểu.

Lưu ý: Để tránh các tương tác thuốc không có lợi cho người dùng xảy ra, bệnh nhân nên liệt kê đầy đủ các thực phẩm chức năng và thuốc đang dùng để bác sĩ, dược sĩ có thể tư vấn chính xác.

6. Một số lưu ý khi dùng thuốc Farizol

  • Cần kiểm tra xem bệnh nhân có tiền sử bị dị ứng với Cefprozil, Cephalosporin, Penicillins hay các thuốc khác không trước khi chỉ định điều trị bằng Cefprozil. Phải ngừng dùng thuốc ngay nếu bệnh nhân bị dị ứng với thuốc.
  • Những bệnh nhân bị tiêu chảy do kháng sinh có thể là triệu chứng của viêm ruột kết màng giả đã được báo cáo với hầu hết các kháng sinh, bao gồm Cefprozil.
  • Việc điều trị bằng kháng sinh Cefprozil có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật ở đường ruột và tăng sinh Clostridia.
  • Cần thận trọng khi chỉ định cefprozil cho bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu do ảnh hưởng tới chức năng thận. Với người bệnh đang điều trị hoặc nghi ngờ bị suy chức năng thận, cần phải được đặc biệt theo dõi và tiến hành các xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng.
  • Bệnh nhân có tiểu sử bị bệnh đường ruột, đặc biệt là viêm đại tràng cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc.
  • Khi dùng đồng thời kháng sinh Cephalosporin và Cefprozil có thể xảy ra phản ứng dương tính với thử nghiệm Coombs trực tiếp.
  • Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai chỉ sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết và phải được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa.
  • Một lượng nhỏ thuốc đã được tìm thấy trong sữa mẹ. Cần thận trọng khi dùng thuốc ở phụ nữ cho con bú vì có thể gây ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
  • Cần cảnh báo cho bệnh nhân về tác dụng phụ khi dùng thuốc nếu họ lái xe hay vận hành máy móc, vì có thể xảy ra tình trạng chóng mặt khi dùng thuốc.

Những thông tin cơ bản về thuốc Farizol trong bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Đây là thuốc kê đơn, người dùng không nên tự ý sử dụng thuốc, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp và an toàn cho người dùng.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-farizol-250-va-500/