Công dụng thuốc Glazi 250-500

Thuốc Glazi được bào chế dưới dạng viên nén với thành phần chính là Azithromycin. Thuốc được sử dụng trong quá trình điều trị nhiều loại nhiễm khuẩn khác nhau.

1. Công dụng thuốc Glazi

Theo thành phần hoạt chất, thuốc Glazi có 2 dạng hàm lượng là: Thuốc Glazi 250 (có chứa Azithromycin 250g dưới dạng azithromycin dihydrat) và thuốc Glazi 500 (có chứa Azithromycin 500g dưới dạng azithromycin dihydrat). Azithromycin là kháng sinh thuộc nhóm macrolid, có hoạt phổ rộng (cả trên vi khuẩn gram âm và vi khuẩn gram dương). Thuốc có công dụng diệt khuẩn mạnh bằng cách gắn với ribosom của vi khuẩn gây bệnh, ngăn cản quá trình tổng hợp protein của chúng, dẫn tới sự ức chế tăng trưởng của tế bào vi khuẩn.

Chỉ định sử dụng thuốc Glazi: Dùng để điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn còn nhạy cảm với thuốc gồm:

  • Viêm xoang cấp, viêm tai giữa cấp do vi khuẩn;
  • Viêm họng, viêm amidan;
  • Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính;
  • Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng có mức độ từ nhẹ đến vừa;
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm;
  • Viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung không biến chứng gây ra bởi Chlamydia trachomatis.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Glazi với bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với thành phần azithromycin, erythromycin, bất kỳ kháng sinh nhóm macrolid, ketolid hoặc với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Glazi

Thuốc Glazi được dùng bằng đường uống, uống cùng hay không cùng thức ăn đều được.

Liều dùng:

  • Đối với người lớn và trẻ em có nặng trên 45kg:
    • Viêm niệu đạo và viêm cổ tử cung không biến chứng do Chlamydia: Dùng liều 1g duy nhất;
    • Các chỉ định nhiễm khuẩn khác: Dùng liều 500mg 1 liều duy nhất vào ngày đầu tiên. Tiếp theo, uống 250mg/lần/ngày từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 với tổng liều 1,5g trong 5 ngày;
  • Đối với người lớn tuổi: không cần điều chỉnh liều uống;
  • Đối với trẻ em dưới 45kg: Nên chọn các dạng bào chế phù hợp khác của azithromycin, ví dụ như: hỗn dịch;
  • Đối với bệnh nhân suy thận: Không cần điều chỉnh liều uống ở bệnh nhân suy thận nhẹ đến trung bình (GFR 10-80 ml/phút)
  • Đối với bệnh nhân suy gan: Không cần điều chỉnh liều uống cho bệnh nhân suy gan mức độ nhẹ đến trung bình.

Hiện nay chưa ghi nhận thông tin cụ thể về quá liều azithromycin. Triệu chứng quá liều điển hình của kháng sinh nhóm macrolid thông thường là buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Phương pháp xử lý chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Glazi

Khi sử dụng thuốc Glazi, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu;
  • Ít gặp: Nhiễm nấm Candida, viêm phổi, nhiễm trùng âm đạo, nhiễm nấm, nhiễm khuẩn, rối loạn hô hấp, viêm họng, viêm dạ dày – ruột, viêm mũi, nhiễm nấm Candida miệng, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, phù mạch, chán ăn, lo lắng,…
  • Hiếm gặp: Lo âu, chức năng gan bất thường, vàng da, ứ mật, da nhạy cảm hơn với ánh sáng;
  • Chưa rõ tần suất: Viêm ruột kết màng giả, giảm tiểu cầu trong máu, thiếu máu do tan huyết, phản ứng quá mẫn, tâm trạng lo lắng, ảo giác, mê sảng, ngất, co giật, hạ huyết áp, mất vị giác, mất khứu giác, loạn khướu, nhược cơ năng,..

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là có hiện tượng nổi mẩn, sưng phù, viêm họng, sốt, ho, khó thở, khó nuốt,… người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp can thiệp xử trí thích hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Glazi

Trước và trong khi sử dụng thuốc Glazi, người bệnh cần lưu ý:

  • Có nguy cơ phản ứng dị ứng nghiêm trọng như phù thần kinh mạch, loạn nhịp tim khi điều trị với các macrolid bao gồm cả azithromycin. Nên thận trọng khi dùng azithromycin với những đối tượng có tình trạng co thắt tim như: Bị kéo dài khoảng QT hoặc do bẩm sinh, người đang điều trị với các thuốc gây kéo dài khoảng QT, rối loạn điện giải, có nhịp tim chậm, bị rối loạn nhịp tim hoặc suy tim nặng;
  • Vì azithromycin thải trừ chủ yếu qua gan nên cần thận trọng khi sử dụng azithromycin đối với các bệnh nhất bị bệnh gan nặng. Đã có trường hợp viêm gan bạo phát có thể đe dọa đến tính mạng khi dùng thuốc này. Trong trường hợp gặp triệu chứng rối loạn chức năng gan, suy nhược cơ thể, nước tiểu sẫm màu, vàng da, nguy cơ chảy máu hoặc bệnh não gan, người bệnh nên được xét nghiệm chức năng gan. Ngưng dùng thuốc azithromycin nếu có rối loạn chức năng gan;
  • Có khả năng ngộ độc nấm cựa gà đối với người bệnh dùng dẫn xuất nấm cựa gà chung một vài kháng sinh nhóm macrolid (tiêu biểu như azithromycin);
  • Khi dùng azithromycin, nguy cơ tiêu chảy do Clostridium difficile ở mức độ nhẹ đến viêm đại tràng có thể xảy ra, cần thận trọng;
  • Thuốc azithromycin làm trầm trọng thêm bệnh nhược cơ nên người bệnh cần cẩn trọng;
  • Thận trọng khi dùng thuốc azithromycin đối với những bệnh nhân có khoảng QT kéo dài bẩm sinh hoặc mắc phải, hoặc khi dùng thuốc kết hợp với các thuốc gây kéo dài khoảng QT;
  • Cần theo dõi các dấu hiệu bội nhiễm bởi các vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc azithromycin, không loại trừ nấm;
  • Tăng 33% sự tiếp xúc của azithromycin đối với cơ thể ở những người bệnh bị suy thận nặng (GFR
  • Chưa có nghiên cứu đầy đủ về hiệu quả, độ an toàn của thuốc Glazi đối với phụ nữ mang thai nên chỉ sử dụng khi thật cần thiết;
  • Bà mẹ nuôi con bú nên ngừng cho con bú trong quá trình điều trị với azithromycin;
  • Tác dụng phụ của thuốc Glazi có thể gây co giật, chóng mặt nên cần chú ý khi lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Glazi

Một số tương tác của thuốc Glazi như:

  • Thức ăn: Cản trở cơ thể hấp thụ azithromycin;
  • Chỉ sử dụng azithromycin ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi dùng các thuốc kháng acid;
  • Fluconazole: Có thể làm giảm nồng độ đỉnh Cmax của azithromycin khoảng 18%;
  • Nelfinavir: Có thể làm gia tăng nồng độ của azithromycin;
  • Cimetidin: Dược động học của azithromycin không bị tác động nếu uống 1 liều cimetidin trước khi dùng azithromycin 2 giờ;
  • Dẫn chất nấm cựa gà: Bệnh nhân không sử dụng đồng thời azithromycin với các dẫn chất nấm cựa gà vì có nguy cơ ngộ độc;
  • Digoxin: Sử dụng đồng thời azithromycin và digoxin làm tăng nồng độ huyết thanh của digoxin nên cần đánh giá nồng độ digoxin huyết thanh khi dùng đồng thời 2 thuốc này;
  • Thuốc chống đông đường uống: Sử dụng đồng thời azithromycin và thuốc chống đông đường uống có thể làm gia tăng tác dụng chống đông. Do đó, nên theo dõi thời gian prothrombin khi dùng đồng thời 2 loại thuốc này;
  • Cyclosporin: Azithromycin có khả năng làm giảm chuyển hóa của cyclosporin nên cần theo dõi nồng độ và điều chỉnh liều dùng của cyclosporin cho phù hợp;
  • Theophylin: Hiện nay chưa thấy bất kỳ ảnh hưởng nào đến dược động học khi 2 thuốc azithromycin và theophylin cùng được sử dụng. Tuy nhiên, vẫn nên theo dõi nồng độ theophylin khi sử dụng đồng thời 2 thuốc này cho người bệnh;
  • Astemizol, alfentanil: Cần cẩn trọng khi sử dụng đồng thời azithromycin với astemizol, alfentanil bởi nghiên cứu đã cho thấy nồng độ của 2 chất này tăng lên khi dùng chung với azithromycin;
  • Atorvastatin: Có nguy cơ Globin cơ niệu kịch phát ở bệnh nhân sử dụng azithromycin với statin;
  • Cisaprid: Cisaprid được chuyển hóa ở gan thông qua hệ enzyme CYP 3A4. Do các macrolid ức chế enzyme này nên sử dụng đồng thời azithromycin với cisaprid có thể gây kéo dài khoảng QT, loạn nhịp thất và xoắn đỉnh;
  • Zidovudin: Khi dùng liều đơn 1000mg và liều đa 1200mg hoặc 600mg azithromycin có tác động nhẹ đến dược động học trong huyết tương và sự bài tiết của zidovudin hoặc trong quá trình chuyển hóa glucuronic. Tuy nhiên, khi dùng azithromycin làm tăng nồng độ zidovudin phosphoryl, chất chuyển hóa có hoạt tính trên lâm sàng và trong tế bào máu ngoại vi. Ảnh hưởng trên lâm sàng của tương tác này chưa thật sự rõ ràng nhưng có thể mang lại những tác động tích cực đối với bệnh nhân;

Khi sử dụng thuốc Glazi, người bệnh cần chú ý thực hiện đúng theo các chỉ dẫn mà bác sĩ đưa ra để mang lại những hiệu quả tốt nhất trong điều trị các loại nhiễm khuẩn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-glazi-250-500/