Công dụng thuốc Lancid

Lancid có hoạt chất chính là Lansoprazol, một thuốc ức tiết acid dịch vị. Thuốc được chỉ định trong các bệnh lý như loét dạ dày – tá tràng có/không nhiễm H. pylori, điều trị và dự phòng loét tiêu hóa do thuốc kháng viêm không steroid, hội chứng Zollinger – Ellison,… Vậy thuốc Lancid nên được sử dụng thế nào?

1. Thuốc Lancid là gì?

Thuốc Lancid có hoạt chất chính là Lansoprazol, một thuốc ức chế bơm proton có tác dụng tương tự Omeprazol. Lansoprazol tác động bằng cách gắn vào hệ thống enzym H+/K+ATPase (bơm proton ở trong tế bào thành của dạ dày), làm bất hoạt hệ thống enzym này khiến các tế bào thành không thể tiết acid dịch vị. Lansoprazol là một base yếu, cần được hoạt hóa trong môi trường acid. Sau khi hấp thu vào máu, thuốc vào tế bào thành và tích tụ trong các ống tiết acid, tại đó thuốc được chuyển thành các chất chuyển hóa sulfenamid có hoạt tính. Vì các chất chuyển hóa sulfenamid tạo thành liên kết cộng không thuận nghịch với bơm H+/K+ ATPase, nên sự bài tiết acid sẽ bị ức chế cho tới khi enzym mới được tổng hợp. Điều này lý giải tại sao thời gian tác dụng của thuốc Lancid kéo dài trong khi thời gian bán thải ngắn.

2. Công dụng của thuốc Lancid

Thuốc Lancid được chỉ định trong điều trị các bệnh lý bao gồm:

Thuốc Lancid chống chỉ định ở các bệnh nhân sau đây:

  • Quá mẫn với Lansoprazol hoặc các thành phần khác trong công thức.
  • Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Lancid

3.1 Liều dùng

Điều trị viêm thực quản có trợt loét ở người bệnh trào ngược dạ dày thực quản:

  • Điều trị triệu chứng trong thời gian ngắn cho tất cả các trường hợp viêm thực quản: Liều khuyến cáo ở người lớn là 15 – 30mg, 1 lần/ngày, trong 4 – 8 tuần. Có thể dùng thêm 8 tuần nữa, nếu chưa khỏi.
  • Điều trị duy trì để giảm tái phát: Người lớn nên dùng liều 15mg/ngày. Chưa xác định được mức tính an toàn và hiệu quả khi điều trị duy trì với Lansoprazole kéo dài quá 1 năm.

Loét dạ dày: Liều khuyến cáo là 15 tới 30mg, 1 lần/ngày, dùng trong 4 – 8 tuần. Bệnh nhân nên uống vào buổi sáng trước bữa ăn khoảng 30 phút.

Loét tá tràng: Liều khuyến cáo là 5mg, 1 lần/ngày, dùng trong 4 tuần hoặc đến khi khỏi bệnh.

Phác đồ điều trị H.p: Lansoprazol được sử dụng phối hợp với Amoxicillin và Clarithromycin trong điều trị nhiễm H. pylori, cụ thể như sau: 30mg Lansoprazol + 1g Amoxicillin và 500mg Clarithromycin, dùng 2 lần/ngày, trong 10 đến 14 ngày. Tất cả 3 loại thuốc trên đều uống trước bữa ăn.

Điều trị duy trì sau khi loét tá tràng đã khỏi: Liều khuyến cáo là 15mg/lần/ngày. Chưa xác định được tính độ an toàn và hiệu quả khi điều trị duy trì quá 1 năm.

Các bệnh lý gây tăng tiết acid khác (ví dụ hội chứng Zollinger-Ellison.)

Liều Lancid thường dùng cho người lớn là 60mg, 1 lần/ngày, uống vào buổi sáng trước bữa ăn. Sau đó, điều chỉnh liều theo sự dung nạp và mức độ ức chế tiết acid dịch vị, tiếp tục điều trị cho đến khi đạt kết quả lâm sàng. Liều thông thường dao động từ 15mg uống cách ngày đến 180mg uống hàng ngày. Liều Lansoprazol trên 120mg/ngày nên chia làm 2 lần uống.

Loét đường tiêu hóa do thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Khuyến cáo người lớn uống 30mg/ngày x 1 lần, trong 8 tuần.

Phòng loét dạ dày do NSAID ở bệnh nhân có tiền sử loét: Liều Lancid thường dùng là 15mg/lần, 1 lần/ngày, cho tới 12 tuần.

Bệnh nhân suy thận: Không cần phải chỉnh liều thuốc Lancid ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận

Bệnh nhân suy gan: Cần điều chỉnh liều thuốc Lancid cho người có bệnh gan nặng. Liều thông thường không được vượt quá 30mg/ngày.

3.2 Cách dùng

Lansoprazol không bền trong môi trường acid dạ dày, do vậy phải uống thuốc trước khi ăn, uống nguyên viên và không cắn vỡ hoặc nhai viên nang.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Lancid là gì?

Bệnh nhân sử dụng thuốc Lancid có thể gặp phải các tác dụng phụ bao gồm:

Thường gặp, ADR > 1/100

  • Toàn thân: Nhức đầu, chóng mặt.
  • Tiêu hóa: Ỉa chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón, khó tiêu.
  • Da: Phát ban.

Ít gặp, 1/1000

  • Toàn thân: Mệt mỏi
  • Cận lâm sàng: Tăng gastrin huyết thanh, men gan, hematocrit, hemoglobin, acid uric và protein niệu.
  • Tim mạch: Rối loạn nhịp tim, đau ngực, phù, tăng/hạ huyết áp, đánh trống ngực, ngất, giãn mạch
  • Da liễu: Mụn thịt, rụng tóc, viêm da tiếp xúc, ban dát sẩn, ngứa, phát ban da, mày đay
  • Nội tiết và chuyển hóa: Giảm ham muốn tình dục, mất nước, đái tháo đường, kinh nguyệt ra nhiều, tăng/hạ đường huyết, tăng khát nước, tăng cân hoặc giảm cân
  • Hệ thần kinh: Những giấc mơ bất thường, kích động, khứu giác bị thay đổi, giảm trí nhớ, chóng mặt, buồn ngủ, cảm xúc không ổn định
  • Thần kinh cơ xương: Đau khớp, viêm khớp, suy nhược, đau lưng, chuột rút chi dưới, run
  • Khác: Nhiễm trùng, viêm bờ mi, mờ mắt, viêm kết mạc, nhìn đôi, viêm tai giữa, ù tai, sỏi thận, đa niệu, đau thận

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Lancid là gì?

  • Tiêu chảy do clostridium difficile (CDAD): Sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI) có thể làm tăng nguy cơ mắc CDAD, đặc biệt ở bệnh nhân nhập viện. Nên xem xét chẩn đoán CDAD ở những bệnh nhân bị tiêu chảy dai dẳng không cải thiện. Khuyến cáo sử dụng Lancid với liều thấp nhất và thời gian ngắn nhất phù hợp với bệnh lý đang điều trị.
  • Lupus ban đỏ: Đã được báo cáo về việc khởi phát mới hoặc đợt cấp của bệnh tự miễn hiện có, hầu hết các trường hợp là lupus ban đỏ ở da. Ngừng thuốc Lancid nếu các dấu hiệu hoặc triệu chứng của Lupus xảy ra và đến bác sĩ chuyên khoa để đánh giá. Hầu hết bệnh nhân cải thiện sau 4 đến 12 tuần ngừng Lansoprazole.
  • Phản ứng ngoài da: Đã có báo về một số trường hợp mắc các phản ứng có hại nghiêm trọng trên da, bao gồm mụn mủ ngoại ban toàn thân cấp tính, phản ứng thuốc với tăng bạch cầu ái toan, hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử biểu bì nhiễm độc.
  • Tăng tỷ lệ gãy xương do loãng xương ở hông, cột sống hoặc cổ tay có thể xảy ra với liệu pháp ức chế bơm proton. Bệnh nhân đang điều trị liều cao hoặc dài hạn cần được theo dõi, khuyến cáo dùng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất. Có thể cân nhắc bổ sung vitamin D và canxi để giảm nguy cơ gãy xương ở những bệnh nhân nguy cơ cao.
  • Hạ kali máu: Có thể xảy ra khi sử dụng kéo dài ≥ 3 tháng (hầu hết các trường hợp > 1 năm). Bệnh nhân có thể có triệu chứng hoặc không triệu chứng, trường hợp nặng có thể bị uốn ván, co giật, rối loạn nhịp tim.
  • Thiếu vitamin B12: Điều trị kéo dài với thuốc Lancid (≥2 năm) có thể dẫn đến kém hấp thu vitamin B12 và thiếu hụt vitamin B12 sau đó.
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa (ví dụ nhiễm Salmonella, Campylobacter): Sử dụng thuốc Lancid có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng trên.

6. Tương tác thuốc Lancid

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi hiệu lực điều trị và/hoặc gia tăng độc tính của thuốc. Bệnh nhân nên thông báo với y bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng (bao gồm cả thuốc kê đơn, không kê đơn, thực phẩm chức năng). Sau đây là một số tương tác thuốc cần lưu ý khi sử dụng Lancid:

  • Vì Lansoprazol được chuyển hóa bởi hệ enzym cytochrom P450 nên có nguy cơ tương tác với các thuốc khác được chuyển hóa bởi cùng hệ enzym này. Do vậy, bệnh nhân không nên dùng Lancid đồng thời với các thuốc khác cũng được chuyển hóa bởi cytochrom P450.
  • Lansoprazol có thể làm giảm tác dụng của Ketoconazol, Itraconazol và các thuốc khác mà sự hấp thu cần môi trường acid.
  • Sucralfat có thể làm chậm và giảm hấp thu lansoprazol khoảng 30%.

Trên đây là các thông tin về công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Lancid. Nếu có thắc mắc hoặc cần thêm thông tin về thuốc, bệnh nhân nên liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-lancid/