Công dụng thuốc Levotanic 500

Thuốc Levotanic 500 là nhóm thuốc được ưu tiên chỉ định dùng để điều trị cho các trường hợp nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm như: Viêm xoang cấp, viêm phế quản mãn, viêm phổi cộng đồng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những công dụng thuốc Levotanic 500.

1. Công dụng thuốc Levotanic 500 là gì?

1.1. Thuốc Levotanic 500 là thuốc gì?

Levotanic 500 là thuốc kháng sinh nhóm Quinolon, Fluoroquinolon thế hệ 3 với các thành phần chính bao gồm:

  • Hoạt chất chính: Levofloxacin hemihydrate tương đương với Levofloxacin hàm lượng 500 mg
  • Tá dược: Croscarmellose sodium, Microcrystalline cellulose, Povidone, Colloidal silicon dioxide, Magnesium stearate, bột Talc, Sodium starch glycolate, tinh bột ngô, Titanium dioxide, Hydroxypropyl methylcellulose, Polyethylene glycol 6000, Màu erythrosine.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim hàm lượng 500mg, vỉ 5 viên hộp 1 vỉ hoặc 2 vỉ, hay vỉ 10 viên hộp 3 vỉ.

Thuốc Levotanic 500 khuyến cáo sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên.

1.2. Thuốc Levotanic 500 có tác dụng gì?

Thuốc Levotanic 500 được các bác sĩ kê đơn chỉ định trong các trường hợp:

  • Viêm xoang cấp
  • Đợt cấp viêm phế quản mạn
  • Viêm phổi cộng đồng
  • Viêm tuyến tiền liệt
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng hoặc không
  • Nhiễm khuẩn da và tổ chức dưới da có biến chứng hoặc không
  • Dự phòng sau khi phơi nhiễm và điều trị triệt để bệnh than.

2. Cách sử dụng của Levotanic 500

2.1. Cách dùng thuốc Levotanic 500

  • Thuốc được chỉ định dùng theo đường uống.
  • Thời điểm dùng không phụ thuộc vào bữa ăn (có thể uống trong hoặc xa bữa ăn).
  • Trong vòng 2 giờ trước và sau khi uống Levofloxacin, không được dùng các thuốc sau:
    • Các antacid có chứa nhôm và magnesi.
    • Chế phẩm có chứa kim loại nặng như Sắt và Kẽm, Sucralfat, Didanosin (các dạng bào chế có chứa antacid).

2.2. Liều dùng của thuốc Levotanic 500

Nhiễm khuẩn đường hô hấp:

  • Đợt cấp viêm phế quản mạn tính: Uống 500 mg, 1 lần/ngày trong 7 ngày.
  • Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng: Uống 500 mg, 1 – 2 lần/ngày trong 7 – 14 ngày.
  • Viêm xoang hàm trên cấp tính: Uống 500 mg, 1 lần/ngày trong 10 – 14 ngày.

Nhiễm trùng da và tổ chức dưới da:

  • Có biến chứng: Uống 750 mg, 1 lần/ngày trong 7 – 14 ngày.
  • Không có biến chứng: Uống 500 mg, 1 lần/ngày trong 7 – 10 ngày.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

  • Có biến chứng: 250mg, 1 lần/ngày trong 10 ngày.
  • Không có biến chứng: 250mg, 1 lần/ngày trong 3 ngày.
  • Viêm thận – bể thận cấp: 250mg, 1 lần/ngày trong 10 ngày.
  • Viêm tuyến tiền liệt mạn: 500 mg 1 lần/ngày trong 28 ngày.

Bệnh Than:

  • Điều trị dự phòng sau khi phơi nhiễm với trực khuẩn than: Uống 500 mg, 1 lần/ngày dùng trong 8 tuần.
  • Điều trị bệnh Than: Truyền tĩnh mạch, sau đó uống thuốc khi tình trạng người bệnh cho phép, liều 500 mg, 1 lần/ngày, trong 8 tuần.

Liều dùng cho người bệnh suy gan:

  • Vì phần lớn Levofloxacin được đào thải ra nước tiểu dưới dạng không đổi, không cần thiết phải hiệu chỉnh liều trong trường hợp suy gan.

Thuốc Levofloxacin 500 để điều trị bệnh nên hạn chế việc quên uống thuốc bằng cách đặt báo thức hoặc ghi nhớ. Nếu quên liều, uống thuốc Levofloxacin 500 ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.

Bên cạnh đó, trong trường hợp xảy ra quá liều cấp tính, nên làm sạch dạ dày, theo dõi bệnh nhân và có biện pháp bù dịch đầy đủ. Hoạt chất Levofloxacin không được loại ra khỏi cơ thể bằng cách thẩm phân phúc mạc hay thẩm tách máu. Cần phải theo dõi điện tâm đồ vì có nguy cơ kéo dài khoảng QT.

3. Chống chỉ định của thuốc Levotanic 500

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Levofloxacin, với các Quinolon khác hay bất cứ thành phần tá dược nào được liệt kê trên đây của thuốc Levotanic 500
  • Bệnh nhân bị động kinh
  • Bệnh nhân có thiếu hụt G6PD,
  • Có tiền sử bệnh ở gân cơ do một Fluoroquinolon gây ra.
  • Trẻ em nhỏ hơn 18 tuổi.
  • Phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Levotanic 500

  • Cần thận trọng ở người bệnh bị nhược cơ vì các biểu hiện của bệnh có thể nặng hơn.
  • Phản ứng mẫn cảm: Với nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, có thể xảy ra sốc phản vệ khi sử dụng các Quinolon, bao gồm cả Levofloxacin đã được thông báo. Cần ngưng sử dụng thuốc ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên của phản ứng mẫn cảm (như khó thở, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh nhỏ khó bắt) và áp dụng ngay các biện pháp xử trí thích hợp.
  • Viêm kết tràng giả mạc đã được báo cáo với gần như tất cả các kháng sinh, kể cả Levofloxacin, và có thể ở mức độ từ nhẹ đến nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, cần phải xem xét chẩn đoán bệnh này ở những bệnh nhân bị tiêu chảy sau khi dùng kháng sinh.
  • Bệnh lý thần kinh ngoại vi: Đã có báo cáo vài trường hợp hiếm bệnh đa thần kinh sợi trục giác quan – vận động hay giác quan làm ảnh hưởng đến sợi trục lớn và/ hoặc nhỏ gây chứng dị cảm, giảm cảm giác, loạn cảm và suy yếu ở những bệnh nhân dùng các quinolon, kể cả Levofloxacin.
  • Tác động trên gân: Đã có báo cáo đứt gân Achilles, tay, vai hoặc các gân khác cần phải chữa bằng phẫu thuật hoặc gây tàn tật kéo dài ở những bệnh nhân dùng các quinolon, kể cả Levofloxacin. Nên ngưng dùng levofloxacin nếu bệnh nhân cảm thấy đau, viêm hoặc đứt gân. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi và kiêng tập thể dục cho đến khi chẩn đoán xác định không có bị viêm gân hoặc đứt gân.
  • Xoắn đỉnh tim: Một số Quinolon, kể cả Levofloxacin, gây kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ và vài trường hợp gây loạn nhịp. Nên tránh dùng Levofloxacin cho những bệnh nhân đã biết kéo dài khoảng QT, bệnh nhân hạ kali huyết chưa hiệu chỉnh được, và bệnh nhân dùng các thuốc chống loạn nhịp loại IA (Quinidin, Procainamid) hoặc loại III (Amiodaron, Sotalol); thận trọng khi sử dụng Levofloxacin cho các người bệnh đang trong các tình trạng tiền loạn nhịp như nhịp tim chậm và thiếu máu cơ tim cấp.
  • Thận trọng khi dùng Levofloxacin trong trường hợp thiểu năng thận. Nên làm các xét nghiệm labo thích hợp và theo dõi lâm sàng chặt chẽ trước khi và trong suốt thời gian điều trị bởi vì sự thải trừ của Levofloxacin có thể bị giảm. Cần phải điều chỉnh liều dùng ở những bệnh nhân suy chức năng thận (thanh thải creatinin Levofloxacin do giảm thanh thải.
  • Mẫn cảm với ánh sáng ở mức độ vừa đến nặng đã thấy ở những bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời khi đang dùng một số thuốc trong nhóm này. Nên tránh phơi nắng, Tuy nhiên, trong các thử nghiệm lâm sàng với Levofloxacin, tính độc hại của ánh sáng chỉ xảy ra dưới 0,1% bệnh nhân. Nên ngưng điều trị nếu xảy ra mẫn cảm với ánh sáng (như bỏng da, đỏ da, phù, bóng nước…).
  • Tác dụng trên thần kinh trung ương: Đã có các thông báo về phản ứng bất lợi: Rối loạn tâm thần, tăng áp lực nội sọ, kích thích thần kinh trung ương dẫn đến co giật, run ray, bồn chồn, đau đầu, mất ngủ, trầm cảm, lú lẫn, ảo giác, ác mộng, có ý định hoặc hành động tự sát (hiếm gặp) khi sử dụng các kháng sinh nhóm Quinolon, thậm chí ngay khi sử dụng ở liều đầu tiên. Nếu xảy ra những phản ứng bất lợi này trong khi sử dụng Levofloxacin, cần dừng thuốc và có các biện pháp xử trí triệu chứng thích hợp. Cần thận trọng khi sử dụng cho người bệnh có các bệnh lý trên thần kinh trung ương: động kinh, xơ cứng động mạch não… vì có thể tăng nguy cơ gây co giật.
  • Rối loạn glucose trong máu, kể cả tăng và hạ đường huyết triệu chứng, thường ở bệnh nhân đái tháo đường điều trị đồng thời với một thuốc hạ đường huyết dạng uống (như Glyburide/ Glibenclamid) hoặc insulin. Ở những bệnh nhân này, nên theo dõi cần thận nồng độ glucose trong máu. Nếu xảy ra phản ứng hạ đường huyết ở bệnh nhân điều trị với Levofloxacin, nên ngưng dùng Levofloxacin ngay lập tức và tiến hành điều trị bằng thuốc khác thích hợp.
  • Nên đánh giá định kỳ chức năng các hệ cơ quan bao gồm thận, gan và khả năng tạo máu trong suốt thời gian điều trị.
  • Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.
  • Bệnh nhân cảm thấy chóng mặt hoặc có các rối loạn thần kinh trung ương khác kể cả rối loạn thị giác, không nên lái xe hoặc vận hành máy móc.

5. Tác dụng phụ của thuốc Levotanic 500

Ít gặp:

  • Buồn nôn, nhức đầu, tiêu chảy, mất ngủ, táo bón.

Hiếm gặp:

  • Đau bụng, chóng mặt, nôn mửa, khó tiêu, đầy hơi.
  • Viêm âm đạo
  • Phát ban, ngứa
  • Viêm xoang, viêm mũi, viêm họng, đau ngực, khó thở, mệt mỏi.

Rất hiếm gặp:

  • Rối loạn toàn thân: Cổ trướng, phản ứng dị ứng, suy nhược, phù, tăng nồng độ thuốc, sốt, nhức đầu, triệu chứng giống cảm cúm, khó ở, ngất, thay đổi cảm giác về nhiệt độ.
  • Rối loạn tim mạch: Suy tim, tăng huyết áp, hạ huyết áp, hạ huyết áp tư thế.
  • Rối loạn hệ thần kinh trung ương và ngoại vi: Co giật (động kinh), khó phát âm, tăng vận động, tăng trương lực, giảm cảm giác, co cơ không tự chủ, đau nửa đầu, dị cảm, liệt, rối loạn phát âm, run, hoa mắt, bệnh não, mất điều hòa.
  • Rối loạn hệ tiêu hóa: Khô miệng, khó nuốt, viêm thực quản, viêm dạ dày, viêm dạ dày-ruột, trào ngược dạ dày-thực quản, viêm lưỡi, trĩ, tắc nghẽn ruột, viêm tuyến tụy, đại tiện máu đen, viêm miệng.
  • Rối loạn tiền đình và khả năng nghe: Đau tai, ù tai.
  • Rối loạn hệ gan và mật: Bất thường chức năng gan, viêm túi mật, sỏi mật, tăng bilirubin, tăng các men gan, suy gan, vàng da.
  • Rối loạn chuyển hóa và dinh dưỡng: Giảm magie huyết, khát, mất nước, bất thường điện giải, tăng đường huyết, tăng kali huyết, tăng natri huyết, hạ đường huyết, giảm kali huyết, giảm phosphat huyết, giảm cân.
  • Rối loạn hệ cơ – xương: Đau khớp, viêm khớp, bệnh khớp, đau cơ, viêm xương tủy, đau xương, viêm màng hoạt dịch, viêm gân, rối loạn gân.
  • Rối loạn tâm thần: Ác mộng, kích động, chán ăn, lú lẫn, suy nhược, ảo giác, bất lực, căng thẳng, ngủ gà.
  • Rối loạn sinh sản: Chứng thống kinh, khí hư.
  • Rối loạn hệ hô hấp: Tắc nghẽn khí đạo, hen, viêm phế quản, co thắt phế quản, ho, chảy máu cam, giảm oxy huyết, viêm thanh quản, viêm họng, viêm màng phổi, suy hô hấp, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
  • Rối loạn da và các phần phụ: Rụng lông tóc, khô da, eczema, ngứa sinh dục, toát mồ hôi, nổi mẩn, loét da, mề đay.
  • Rối loạn đường niệu: Bất thường chức năng thận, khó tiểu, huyết niệu, thiểu niệu, bí tiểu.
  • Rối loạn thị giác: Bất thường thị giác, đau mắt, viêm kết mạc..

6. Cách bảo quản thuốc Levotanic 500

  • Để thuốc trong bao bì gốc, đặt trong phòng khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời.
  • Nhiệt độ không quá 30°C.
  • Để xa tầm tay trẻ nhỏ và thú nuôi.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-levotanic-500/