Công dụng thuốc Pegnano

Thuốc Pegnano được dùng để điều trị viêm gan B mạn tính và viêm gan C mạn tính. Thuốc có chứa thành phần chính là Peginterferon alfa – 2a. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng, người dùng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Pegnano trong bài viết dưới đây.

1. Công dụng thuốc Pegnano là gì?

1.1. Pegnano là thuốc gì?

Pegnano thuộc nhóm thuốc gan – mật – thận, có số đăng ký VD-13197-10, do Công ty TNHH CNSH Dược Nanogen – Việt Nam sản xuất.

Thuốc Pegnano có thành phần hoạt chất chính là Peginterferon alfa -2a hàm lượng 180 mcg, được bào chế dưới dạng bột đông khô vô khuẩn màu trắng.

Các dạng đóng gói:

  • Hộp 05 lọ dung dịch tiêm (mỗi lọ dung tích 1 ml);
  • Hộp 01 lọ bột đông khô kèm 1 lọ dung môi 1 ml chứa 9mg Benzyl alcohol trong 1mL nước cất pha tiêm;
  • Hộp 06 bơm tiêm đóng sẵn dung dịch thuốc tiêm( dung tích 0,5 ml).

Thuốc Pegnano khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành.

1.2. Thuốc Pegnano có tác dụng gì?

Thuốc Pegnano 180mcg được bác sĩ kê đơn chỉ định cho các trường hợp:

  • Điều trị bệnh viêm gan B mạn tính: Trong cả 2 trường hợp có HBsAg âm tính hay HBeAg dương tính ở những bệnh nhân không có xơ gan hoặc có xơ gan, gan còn bù, có bằng chứng của sự sao chép virus, tăng lượng men alanine aminotransferase (ALT) trong huyết thanh và bị viêm gan.
  • Điều trị bệnh viêm gan C mạn tính: Với xét nghiệm có HCV – RNA trong máu cho kết quả dương tính, kể cả những bệnh nhân xơ gan còn bù và/ hoặc có đồng nhiễm HIV.

Hiệu quả điều trị của Pegnano trong bệnh viêm gan C mạn tính được tăng cường khi dùng kết hợp với Ribavirin. Chỉ định điều trị phối hợp Pegnano/ Ribavirin cho những bệnh nhân mới lần đầu điều trị và các bệnh nhân đã điều trị nhưng thất bại trước đó với Interferon alfa (dạng cải tiến của peginterferon alfa-2a hoặc dạng thông thường) dùng đơn trị liệu hay kết hợp interferon alfa với Ribavirin.

Đơn trị liệu Pegnano đối với bệnh viêm gan C mạn tính chỉ áp dụng trong trường hợp bệnh nhân không dung nạp hoặc có chống chỉ định với Ribavirin.

Chống chỉ định dùng thuốc Pegnano trong trường hợp:

  • Bệnh nhân nhạy cảm với các Interferon alfa, dị ứng với hoạt chất chính Peginterferon alfa -2a hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân mắc chứng viêm gan tự miễn.
  • Người bệnh bị rối loạn chức năng gan nặng, xơ gan mất bù.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
  • Có tiền sử bị bệnh tim mạch nặng trước đó, kể cả bệnh tim mạch không ổn định hay không kiểm soát được bệnh trong 6 tháng trước đó.
  • Chống chỉ định điều trị khởi đầu Pegnano cho những bệnh nhân mắc đồng nhiễm HIV và HCV có kèm xơ gan và 6 điểm Child-Pugh.
  • Dùng chung với thuốc Telbivudine.

2. Cách sử dụng của Pegnano

2.1. Cách dùng thuốc Pegnano

  • Thuốc Pegnano được tiêm dưới da vùng đùi hoặc bụng. Khi tiêm dưới da ở cánh tay thì hiệu quả của thuốc Pegnano 180mcg sẽ giảm.
  • Mỗi ống tiêm chỉ nên được dùng cho 1 người và sử dụng một lần.
  • Thuốc Pegnano chỉ sử dụng đường tiêm, được thực hiện bởi nhân viên y tế, người bệnh không được tự ý sử dụng và tuyệt đối không được dùng sai đường chỉ định.
  • Nên tiêm Pegnano vào 1 ngày nhất định trong tuần để thuốc phát huy được hết tác dụng trong suốt thời gian điều trị.
  • Sau khi pha với 1 ml dung môi pha tiêm đi kèm (nước cất pha tiêm chứa 0,9% benzyl alcohol) sẽ thu được dung dịch tiêm trong suốt, không màu, quan sát thấy không có kết tủa hoặc không có vật thể lạ sau hòa tan thì có thể bắt đầu tiêm được.

2.2. Liều dùng của thuốc Pegnano

Điều trị viêm gan B mạn tính: 1 liều (180mcg) mỗi tuần, kéo dài liên tục trong 48 tuần.

Điều trị viêm gan C mãn tính:

  • Người chưa từng được điều trị bằng thuốc Pegnano 180mcg trước đó: 1 liều (180mcg) mỗi tuần. Kết hợp cùng với thuốc ribavirin (uống ngay sau bữa ăn) để tăng hiệu quả điều trị. Thời gian điều trị liệu pháp kép này còn phụ thuộc vào kiểu gen của loại virus mà người bệnh mắc phải.
  • Bệnh nhân đã từng điều trị: 1 liều (180 mcg) mỗi tuần kết hợp Ribavirin 1000 – 1200 mg mỗi ngày liên tục trong 16, 24 hoặc 48 tuần. Đối với người bệnh bị nhiễm virus kiểu gen số 1, không đáp ứng với điều trị trước đó bằng thuốc Pegnano và ribavirin được khuyến cáo điều trị liên tục trong 72 tuần.

Bệnh nhân đồng nhiễm viêm gan C và HIV:

  • Khuyến cáo liều dùng đơn hoặc kết hợp với ribavirin là 1 liều (180 mcg) mỗi tuần trong 48 tuần.
  • Nếu virus HCV có kiểu gen số 1 sử dụng ribavirin 1000 – 1200 mg một ngày.
    Nếu virus HCV khác kiểu gen số 1 sử dụng ribavirin 800mg một ngày.

Bệnh nhân suy gan:

  • Cần theo dõi nồng độ ALT để hiệu chỉnh liều dùng thuốc Pegnano.

Bệnh nhân suy thận:

  • Mức độ nhẹ và vừa: Không cần hiệu chỉnh liều thuốc Pegnano.
  • Mức độ nặng và giai đoạn cuối: Dùng thuốc Pegnano liều 135 mcg/ lần mỗi tuần.

Xử lý khi quên liều:

  • Nếu xảy ra trường hợp bạn quên liều tiêm của thuốc Pegnano thì ngay lập tức đến nơi có thể tiến hành tiêm cho bạn ngay khi nhớ ra. Vì mỗi tuần chỉ tiêm có 1 lần và theo khuyến cáo thì nên chọn 1 ngày cố định trong tuần để tiêm nên tốt hơn hết là bạn nên đặt báo thức hoặc ghi nhớ trên lịch để tránh trường hợp quên tiêm.

Xử trí khi quá liều:

  • Vì thuốc được thực hiện bởi nhân viên y tế nên sẽ hạn chế được việc tiêm quá liều tuy nhiên vẫn có trường hợp quá liều xảy ra do vô ý thì cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị và nếu cần thì nên đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Pegnano

Trước khi sử dụng thuốc Pegnano cần:

  • Tiến hành xét nghiệm huyết học và định kỳ kiểm tra lại sau 2 và 4 tuần do việc điều trị đơn liều hay phối hợp đều làm giảm tổng lượng bạch cầu (WBC) và số lượng bạch cầu trung tính (ANC). Điều này thường bắt đầu xảy ra trong vòng 2 tuần kể từ khi đầu được điều trị.
  • Điều trị đơn liều hay phối hợp cũng làm giảm số lượng tiểu cầu và trở về mức trước khi điều trị trong thời gian theo dõi sau điều trị. Nếu số lượng tiểu cầu
  • Các xét nghiệm sinh hóa cũng nên được thực hiện sau 4 tuần. Việc kiểm tra bổ sung này là cần thiết và nên được thực hiện định kỳ trong khi điều trị (bao gồm cả theo dõi glucose).
  • Đánh giá mức T4 và TSH: Những bệnh nhân có bất thường về tim mạch từ trước được khuyến cáo nên đo điện tâm đồ trước khi dùng Pegnano. Nếu có bất kỳ dấu hiệu xấu đi nào của tình trạng tim mạch trong thời gian dùng thuốc, thì nên tạm ngưng hoặc ngừng điều trị. Ở những bệnh nhân bị bệnh tim mạch có kèm thiếu máu có thể cần giảm liều hoặc ngưng sử dụng ribavirin.
  • Bệnh nhân có thể bị lú lẫn, chóng mặt, buồn ngủ hoặc mệt mỏi nên cần thận trọng khi phải lái xe hoặc vận hành máy móc.
  • Không dùng thuốc cho nhóm đối tượng phụ nữ có thai và cho con bú do chưa có nhiều nghiên cứu sử dụng Peginterferon alfa-2a cho nhóm đối tượng này.

4. Tác dụng phụ của thuốc Pegnano

Ở liều điều trị, thuốc Pegnano được dung nạp tốt. Tuy nhiên, quá trình sử dụng Pegnano, người bệnh vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như:

Thường gặp:

  • Nhiễm khuẩn: Nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm phế quản, nhiễm nấm Candida miệng, Herpes simplex.
  • Máu và bạch huyết: Thiếu máu, giảm tiểu cầu và nổi hạch.
  • Tâm thần: Thay đổi tâm trạng, lo lắng, rối loạn cảm xúc, giảm ham muốn tình dục, trầm cảm và mất ngủ.
  • Nội tiết: Suy giáp hoặc cường giáp.
  • Thần kinh: Đau nửa đầu, suy giảm trí nhớ, suy nhược thần kinh, ngất, dị cảm, loạn cảm, rối loạn vị giác, run, ác mộng và buồn ngủ.
  • Tim mạch: Phù ngoại vi, nhịp tim nhanh và đánh trống ngực.
  • Mắt: Đau mắt, nhìn mờ, viêm mắt và bệnh nhãn khoa.
  • Tai và tiền đình: Chóng mặt và đau tai.
  • Hô hấp, lồng ngực và trung thất: Chảy máu cam, nghẹt mũi xoang, nghẹt mũi, viêm mũi họng, viêm mũi, viêm họng và khó thở khi gắng sức.
  • Tiêu hoá: Nôn mửa, khó tiêu, khó nuốt, loét miệng, đầy hơi, khô miệng, chảy máu lợi, viêm lưỡi và viêm miệng.
  • Da và mô dưới da: Mề đay, eczema, bệnh vẩy nến, phát ban, tăng tiết mồ hôi, rối loạn da, đổ mồ hôi ban đêm, phản ứng nhạy cảm với ánh sáng.
  • Cơ xương khớp và mô liên kết: Đau lưng, yếu cơ, viêm khớp, đau xương, đau cổ, đau cơ xương và chuột rút.
  • Sinh sản: Bất lực.
  • Khác: Đau ngực, triệu chứng cảm cúm như ốm, nóng bừng mặt, khát nước và hôn mê.

Ít gặp:

  • Nhiễm khuẩn: Nhiễm trùng da và viêm phổi.
  • Tâm thần: Ảo giác, có ý tưởng tự sát.
  • Miễn dịch: Viêm tuyến giáp và Sarcoidosis.
  • Tim mạch: Tăng huyết áp.
  • Nội tiết: Bệnh tiểu đường.
  • Hô hấp, lồng ngực và trung thất: Thở khò khè.
  • Thần kinh: Một vài bệnh lý thần kinh ngoại biên.
  • Gan mật: Rối loạn chức năng gan và ung thư gan.
  • Chuyển hoá: Mất nước.
  • Mắt: Xuất huyết võng mạc.
  • Cơ xương khớp và mô liên kết: Viêm khớp, yếu cơ, đau xương, đau lưng, đau cổ, đau cơ xương và chuột rút.
  • Tai: Mất thính lực.

Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Pegnano và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

5. Tương tác thuốc Pegnano

  • Dùng chung Pegnano với Theophylin: Do thuốc Pegnano ức chế CYP1A2 nên giảm chuyển hóa theophylin dẫn đến tăng 25% AUC. Cần theo dõi nồng độ thuốc trong huyết tương và điều chỉnh liều dùng của thuốc Theophylin.
  • Dùng chung Pegnano với Methadone: Dẫn đến tăng nồng độ Methadone nên cần theo dõi những dấu hiệu và và triệu chứng của ngộ độc methadone.
  • Không dùng chung với Telbivudine: Do tăng nguy cơ phát triển bệnh thần kinh ngoại biên.

Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Pegnano thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Pegnano phù hợp.

6. Cách bảo quản thuốc Pegnano

  • Thời gian bảo quản thuốc Pegnano là 24 tháng kể từ ngày sản xuất.
  • Dạng bột bảo quản ở nhiệt độ từ 15 đến 30 độ C, tránh ánh sáng trực tiếp và các nơi có độ ẩm cao như nhà tắm.
  • Dạng dung dịch bảo quản ở nhiệt độ từ 2 độ C – 8 độ C (trong tủ lạnh) giữ ổn định có thể được 30 ngày, nhưng không được để đông lạnh.
  • Để thuốc Pegnano tránh xa tầm tay trẻ em và thú cưng.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Pegnano, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Pegnano là thuốc kê đơn nên người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-pegnano/