Công dụng thuốc Zanobapine

Olanzapine là một thuốc chống loạn thần, được sử dụng trong điều trị tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực. Hoạt chất này có trong thuốc Zanobapine. Vậy thuốc Zanobapine có tác dụng gì?

1. Thuốc Zanobapine có tác dụng gì?

Sản phẩm Zanobapine được chỉ định trong điều trị tâm thần phân liệt và các bệnh loạn thần khác với các triệu chứng tâm thần dương tính hoặc âm tính.

Tuy nhiên, các trường hợp sau không được sử dụng thuốc Zanobapine:

  • Tiền sử dị ứng với Olanzapine;
  • Mắc bệnh Glaucoma góc hẹp;
  • Đang mang thai và cho con bú chống chỉ định tương đối với Zanobapine.

2. Liều dùng, cách dùng thuốc Zanobapine

Bệnh nhân nên dùng thuốc Zanobapine 1 lần mỗi ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ, trước hoặc sau khi ăn. Người bệnh nên nuốt nguyên viên Zanobapine với nước và duy trì uống thuốc vào cũng một thời điểm mỗi ngày.

Liều hằng ngày của Olanzapine khuyến cáo 5-20mg. Tuy nhiên phụ thuộc từng trường hợp với tình trạng bệnh cụ thể sẽ có liều dùng Zanobapine riêng biệt:

Liều thuốc Zanobapine cho người lớn:

  • Tâm thần phân liệt: Khởi đầu 5mg/ngày (1⁄2 viên Zanobapine 10mg), sau đó điều chỉnh tăng 5mg/ngày trong vòng 5-7 ngày cho đến liều đích 10mg/ngày. Trong giai đoạn sau bác sĩ có thể tăng liều cho bệnh nhân mỗi lần 5mg/ngày, cách nhau không dưới 7 ngày cho đến liều tối đa khuyến cáo là 20mg/ngày. Liều duy trì của Olanzapine trong tâm thần phân liệt là 10-20mg uống 1 lần/ngày;
  • Đợt hưng cảm:
    • Đơn trị liệu: Khởi đầu 10-15 mg/ngày, sau đó có thể hiệu chỉnh mỗi lần 5mg/ngày, cách nhau tối thiểu 24 giờ. Liều duy trì là 5-20mg/ngày;
    • Phối hợp: Khởi đầu 10-15 mg/ngày, giao động từ 5-20mg/ngày;
  • Phòng ngừa tái phát rối loạn lưỡng cực: Liều khuyến cáo là 5-20mg/ngày. Bệnh nhân đã điều trị đợt hưng cảm bằng Zanobapine có thể tiếp tục dùng liều tương tự để phòng ngừa tái phát rối loạn lưỡng cực. Nếu xuất hiện hưng cảm, rối loạn hỗn hợp hoặc đợt trầm cảm, bác sĩ có thể tiếp tục dùng thuốc Zanobapine nhưng cần điều chỉnh liều phù hợp đi kèm với điều trị triệu chứng cảm xúc.

Liều thuốc Zanobapine cho các đối tượng đặc biệt:

  • Người cao tuổi: Nên khởi đầu liều thấp 5mg/ngày, sau đó điều chỉnh theo đáp ứng lâm sàng;
  • Bệnh nhân suy thận và/hoặc suy gan: Khởi đầu 5mg/ngày và điều chỉnh cho phù hợp;
  • Người hút thuốc lá: Thường không cần hiệu chỉnh liều Zanobapine;
  • Trẻ em:
    • Trẻ dưới 13 tuổi: Chưa xác định độ an toàn và hiệu quả của Zanobapine;
    • Trẻ 13 -17 tuổi: Cần thận trọng và giám sát chặt chẽ. Nhóm đối tượng này có thể dùng Zanobapine trong điều trị tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực ở liều 2.5-5mg/ngày, sau đó điều chỉnh đến liều đích 10mg/ngày và tối đa là 20mg/ngày.

3. Tác dụng phụ của thuốc Zanobapine

  • Các tác dụng không mong muốn thường gặp của Zanobapine: Buồn ngủ; tăng cân
  • Các tác dụng phụ ít gặp của Zanobapine: chóng mặt; tăng cảm giác ngon miệng; phù ngoại biên; hạ huyết áp thế đứng; tăng men gan thoáng qua và không triệu chứng, đặc biệt ở giai đoạn đầu của đợt điều trị,…

Các tác dụng không mong muốn hiếm gặp của thuốc Zanobapine: Ðộng kinh; Tăng nồng độ prolactin huyết tương, nhưng hiếm khi gây triệu chứng như vú to ở nam giới, chảy sữa và vú to ở nữ giới;..

4. Thận trọng khi dùng thuốc Zanobapine

  • Chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng của Olanzapine lên khả năng lái xe và vận hành máy móc. Tuy nhiên hoạt chất này có thể gây buồn ngủ và chóng mặt do đó bệnh nhân nên thận trọng khi lái xe hoặc vân hành máy móc trong thời gian dùng Zanobapine.
  • Chưa có nghiên cứu đầy đủ có kiểm soát về việc dùng Zanobapine cho bệnh nhân đang mang thai. Bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ nếu mang thai hoặc dự định mang thai trong khi điều trị với Zanobapine. Do kinh nghiệm sử dụng trên đối tượng này còn hạn chế nên chỉ sử dụng Zanobapine nếu lợi ích lớn hơn những nguy cơ đối với thai nhi. Trẻ sơ sinh phơi nhiễm với thuốc chống loạn thần trong 3 tháng cuối thai kỳ có nguy cơ gặp các tác dụng không mong muốn như triệu chứng ngoại tháp và/hoặc triệu chứng cai thuốc với mức độ nghiêm trọng khác nhau.
  • Trong nghiên cứu ở phụ nữ khỏe mạnh cho con bú, Olanzapine bài tiết vào sữa mẹ. Do đó bác sĩ nên khuyến cáo bệnh nhân không cho con bú khi đang dùng thuốc Zanobapine.
  • Khi điều trị bằng thuốc chống loạn thần như Zanobapine, sự cải thiện tình trạng lâm sàng của bệnh nhân cần nhiều ngày cho đến vài tuần, do đó bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận trong giai đoạn này.
  • Nguy cơ tử tử là một triệu chứng ở bệnh nhân tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực, do đó cần theo dõi chặt chẽ các trường hợp nguy cơ cao tự tử trong quá trình dùng Zanobapine.
  • Thận trọng khi dùng Zanobapine cho bệnh nhân cao tuổi có rối loạn tâm thần liên quan đến sa sút trí tuệ do nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong, chủ yếu do các nguyên nhân tim mạch (như suy tim, đột tử do tim) hoặc nhiễm khuẩn (như viêm phổi).
  • Không khuyến cáo sử dụng Zanobapine điều trị loạn thần ở bệnh nhân mắc bệnh Parkinson. Olanzapine làm tăng mức độ và tần suất triệu chứng của Parkinson.
  • Hội chứng an thần kinh ác tính: Đã có báo cáo về trường hợp gặp tác dụng phụ nghiêm trọng này khi sử dụng Olanzapine. Biểu hiện lâm sàng bao gồm sốt cao, thay đổi trạng thái tinh thần và có dấu hiệu thần kinh tự chủ không ổn định (mạch hoặc huyết áp bất thường, nhịp tim nhanh, toát mồ hôi và loạn nhịp tim), bên cạnh các triệu chứng khác như tăng creatinin phosphokinase, myoglobin niệu (do tiêu cơ vân) và suy thận cấp. Nếu bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện kể trên, hoặc sốt cao không rõ nguyên nhân mà không có thêm triệu chứng lâm sàng nào của hội chứng an thần kinh ác tính, thì phải ngừng tất cả các thuốc an thần, bao gồm Zanobapine.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Zanobapine cho bệnh nhân đái tháo đường hay người có đường huyết tăng (đường huyết lúc đói từ 100-126 mg/dl) do Olanzapine có nguy cơ gây tăng đường huyết, thậm chí không kiểm soát được kể cả khi đã ngừng thuốc.
  • Zanobapine có thể gây thay đổi lipid huyết tương và cần liệu pháp điều trị thích hợp, đặc biệt ở người đã có rối loạn lipid máu hoặc có yếu tố nguy cơ rối loạn lipid máu. Bệnh nhân điều trị với bất cứ thuốc chống loạn thần nào, bao gồm Zanobapine, nên được theo dõi lipid máu thường xuyên trong quá trình điều trị.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Zanobapine cho bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt, glaucom góc hẹp hoặc liệt ruột và các tình trạng liên quan đến tác dụng kháng cholinergic.
  • Thận trọng khi dùng Zanobapine ở bệnh nhân có suy giảm chức năng gan hoặc những bệnh có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng gan hoặc đang điều trị bằng các thuốc gây độc gan. Do đó cần kiểm tra định kỳ nồng độ transaminase trong quá trình sử dụng Zanobapine và nếu viêm gan (bao gồm tổn thương tế bào gan, ứ mật hoặc tổn thương gan hỗn hợp) xảy ra thì nên ngừng điều trị với Zanobapine.
  • Hội chứng ngưng thuốc: Đã có báo cáo hiếm gặp những triệu chứng cấp tính như đổ mồ hôi, mất ngủ, run, lo lắng, buồn nôn hoặc nôn khi ngừng thuốc Zanobapine đột ngột.
  • Zanobapine có thể gây kéo dài khoảng QT (mặc dù ít gặp). Do đó thận trọng khi dùng Zanobapine với các thuốc khác có khả năng kéo dài khoảng QT, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc bệnh nhân mắc hội chứng QT dài bẩm sinh, suy tim xung huyết, phì đại cơ tim, hạ kali hoặc magnesi huyết.
  • Do tác dụng chính lên thần kinh trung ương của Zanobapine nên thận trọng khi sử dụng phối hợp với các thuốc tác động lên thần kinh trung ương khác và rượu.
  • Thận trọng khi dùng Zanobapine cho bệnh nhân có tiền sử động kinh, chấn thương đầu hoặc đang được điều trị bằng các thuốc làm giảm ngưỡng co giật do tác dụng co giật phụ thuộc liều có thể xuất hiện trong quá trình điều trị Olanzapine.
  • Thận trọng khi sử dụng Zanobapine cho người có bệnh tim, bệnh mạch máu não hoặc các bệnh lý có khả năng gây hạ huyết áp (như mất nước, giảm thể tích tuần hoàn, đang được điều trị bằng thuốc chống tăng huyết áp) do sẽ làm tăng nguy cơ hạ huyết áp tư thế kèm theo nhịp tim chậm, ngất và ngừng xoang.

Sử dụng Zanobapine cho trẻ em:

  • Olanzapin không được chl định cho trẻ em dưới 13 tuổi;
  • Nghiên cứu trên trẻ 13-17 tuổi cho thấy Zanobapine gây nhiều phản ứng không mong muốn như tăng cân, thay đổi chuyển hóa và tăng nồng độ prolactin.

5. Tương tác thuốc của Zanobapine

  • Không nên phối hợp Zanobapine với Levomethadyl do nguy cơ tăng độc tính trên tim (kéo dài khoảng QT, xoắn đỉnh), với Metoclopramid do tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng ngoại tháp và hội chứng an thần kinh ác tính.
  • Diazepam khi dùng chung với Zanobapine làm tăng nguy cơ hạ huyết áp tư thế.
  • Chuyển hóa Olanzapine có thể tăng do hút thuốc (nicotin) và dùng đồng thời với các thuốc cảm ứng enzym CYP1A2 (như Carbamazepine, Phenobarbital, Phenytoin, Rifampicin, Omeprazol).
  • Thuốc ức chế CYP1A2 như Fluvoxamine cho thấy khả năng ức chế đáng kể chuyển hóa của Olanzapine, do đó nên cân nhắc dùng liều khởi đầu Zanobapine thấp hơn ở bệnh nhân đang dùng Fluvoxamine hoặc các thuốc ức chế CYP1A2 khác (như Ciprofloxacin, Cafein, Erythromycin, Quinidin). Đồng thời cân nhắc giảm liều Zanobapine đang dùng khi bắt đầu điều trị với các thuốc ức chế CYP1A2.
  • Than hoạt tính làm giảm sinh khả dụng của Olanzapine đường uống khoảng 50-60% và nên được dùng ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi dùng Zanobapine.
  • Warfarin (liều đơn 20 mg), Fluoxetin (thuốc ức chế CYP2D6), liều đơn Antacid (nhôm, magnesi) hoặc Cimetidin không ảnh hưởng đáng kể đến dược động học của Zanobapine.
  • Không nên dùng Dopamin, Adrenalin hoặc thuốc tác động giống giao cảm khác trên thụ thể beta ở bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Zanobapine, do có khả năng làm trầm trọng thêm hạ huyết áp do tác dụng ức chế thụ thể alpha của Olanzapine.
  • Olanzapine có thể đối kháng với tác dụng của Levodopa và các chất chủ vận dopamin.
  • Zanobapine làm tăng tác dụng (như táo bón, khô miệng, an thần, bí tiểu, rối loạn thị giác) của các thuốc kháng cholinergic hoặc làm tăng tác dụng hạ huyết áp của các thuốc điều trị tăng huyết áp.
  • Thận trọng khi dùng Zanobapine ở bệnh nhân nghiện rượu hoặc đang dùng các thuốc có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương.
  • Thận trọng khi sử dụng Zanobapine với các thuốc có khả năng gây kéo dài khoảng QT.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-zanobapine/