Công dụng thuốc Zelfamox

Zelfamox được biết đến như một loại thuốc kháng khuẩn, thường dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về công dụng thuốc Zelfamox và những thông tin quan trọng nhất.

1. Thuốc Zelfamox là thuốc gì?

Thuốc Zelfamox là thuốc gì? Zelfamox là thuốc có thành phần chính là kháng sinh amoxicillin cùng chất ức chế beta lactamase sulbactam, được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco. Thuốc thường được chỉ định cho các trường hợp nhiễm khuẩn nhạy cảm với thuốc hoặc nhiễm khuẩn bởi vi khuẩn sinh beta – lactamase mà khi dùng amoxicillin không mang lại hiệu quả. Ngoài ra, còn dùng trong điều trị dự phòng nhiễm khuẩn do phẫu thuật ổ bụng, sẩy thai, sản khoa.

  • Tên dược phẩm: Thuốc Zelfamox.
  • Nhóm thuốc: Thuộc nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn, kháng nấm, kháng virus, trị ký sinh trùng.
  • Thành phần: Amoxicilin 500mg (dưới dạng Amoxicilin trihydrat) và Sulbactam 125mg (dưới dạng Pivoxil sulbactam).
  • Dạng bào chế: Bào chế theo dạng viên nén phân tán.
  • Quy cách đóng gói: Đóng gói theo hộp gồm 2 vỉ x 7 viên.
  • Số đăng ký: VD-28683-18.
  • Doanh nghiệp sản xuất: Sản xuất tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco – Việt Nam.
  • Doanh nghiệp đăng ký: Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco – Việt Nam.

2. Công dụng thuốc Zelfamox

Amoxicillin là hoạt chất đóng vai trò tương tự như một loại thuốc kháng khuẩn. Nó liên kết đồng thời làm bất hoạt các protein liên kết với penicillin (PBP) thuộc màng trong của thành tế bào vi khuẩn. Chính sự bất hoạt này của PBP đã cản trở sự liên kết chéo của chuỗi peptidoglycan – yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới độ cứng và độ bền của thành tế bào vi khuẩn. Qua đó gây gián đoạn quá trình tổng hợp thành tế bào vi khuẩn, cuối cùng là làm suy yếu sự hình thành tế bào vi khuẩn, khiến ly giải tế bào.

Còn Sulbactam lại được biết đến là chất ức chế beta-lactamase bán tổng hợp, mang đến hiệu quả cao trong việc cản trở hoạt động của enzym và khả năng chuyển hóa của các kháng sinh nằm trong nhóm beta-lactam khác. Chính vì vậy mà nó đạt công dụng cao trong điều trị nhiễm trùng do sinh vật sản xuất beta-lactam gây ra.

Chính nhờ vào những tác động rõ rệt kể trên mà Zelfamox được chỉ định điều trị cho các trường hợp sau đây:

Điều trị tình trạng nhiễm khuẩn nhạy cảm với thuốc, cùng các trường hợp nhiễm khuẩn do những vi khuẩn sinh beta – lactamase mà điều trị bằng amoxicillin riêng rẽ không có tác dụng như:

  • Viêm xoang, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phế quản do vi khuẩn.
  • Bệnh lậu, tình trạng nhiễm khuẩn đường tiểu – tiết niệu.
  • Nhiễm khuẩn đường tiêu hoá và nhiễm khuẩn tại ổ bụng.
  • Nhiễm khuẩn xương và khớp, nhiễm khuẩn da và mô mềm.

Điều trị dự phòng nhiễm khuẩn trong các trường hợp phẫu thuật ổ bụng, sản khoa hoặc sẩy thai.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Zelfamox

3.1. Liều lượng

Liều lượng tính theo Amoxicillin cho từng đối tượng cụ thể như sau:

  • Người lớn và trẻ nhỏ trên 40kg: Sử dụng liều thông thường là 1 viên ( 250mg/50mg), ngày uống 3 lần.
  • Trẻ nhỏ dưới 40kg: Sử dụng liều 20 – 40mg/kg/ngày, chia thành 3 lần uống tuỳ vào mức độ nhiễm khuẩn. Nêu dùng thuốc duy trì ít nhất 2 – 3 ngày sau khi hết hoàn toàn các triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra không nên uống kéo dài quá 14 ngày mà không khám lại.

Người bệnh bị suy thận: Sử dụng với liều lượng (tính theo hàm lượng amoxicilin) cần được điều chỉnh dựa vào hệ số thanh thải creatinin. Cụ thể:

  • ClCr
  • ClCr 10 – 30 mL/phút sử dụng liều 250 – 500 mg/12 giờ, tùy theo mức độ nghiêm trọng của nhiễm khuẩn.

Trường hợp thẩm phân máu: Sử dụng liều 250 – 500mg/24 giờ, tùy vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm khuẩn và dùng thêm 1 liều bổ sung trong và sau mỗi giai đoạn thẩm phân.

3.2. Cách dùng

Bữa ăn hoàn toàn không ảnh hưởng tới khả năng hấp thu của thuốc, chính vì vậy việc uống thuốc trước hoặc sau bữa ăn đều được. Người bệnh nên uống thuốc trực tiếp với một ly nước đầy hoặc cho viên thuốc phân tán hoàn toàn trong ly nước rồi uống.

3.3. Xử lý khi quên liều, quá liều thuốc Zelfamox

Quá liều

Trên thực tế, thuốc ít gây ra tai biến vì có khả năng dung nạp tốt ngay ở cả liều cao. Các phản ứng cấp xảy ra phần lớn phụ thuộc vào tình trạng quá mẫn của từng người bệnh. Nếu dùng quá liều, người bệnh cần ngưng dùng thuốc ngay và sử dụng các biện pháp hỗ trợ phù hợp như: Gây nôn, rửa dạ dày khi mới quá liều.

Hiện không có thuốc giải độc đặc hiệu, Amoxicilin và sulbactam cũng có thể được loại bỏ bằng thẩm phân máu.

Quên liều

Trong trường hợp quên uống một liều thuốc, bệnh nhân cần uống bổ sung càng sớm càng tốt. Thế nhưng, nếu thời gian đã quá gần với liều tiếp theo thì nên bỏ qua liều đã quên và tiếp tục dùng liều kế tiếp theo đúng như kế hoạch.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Zelfamox

4.1. Chống chỉ định

  • Người bệnh bị dị ứng, quá mẫn cảm với bất cứ tá dược hay thành phần hoạt chất của thuốc hoặc kháng sinh nhóm cephalosporin, penicilin.
  • Người bệnh có tiền sử về bệnh đường tiêu hoá, đặc biệt là bệnh Crohn, viêm loét đại tràng hoặc viêm ruột kết do kháng sinh.
  • Người bệnh có tiền sử loạn chức năng gan hoặc bị vàng da.

4.2. Tương tác thuốc

  • Trong nhiều trường hợp, thuốc có thể gây ra tình trạng kéo dài thời gian chảy máu và đông máu.
  • Thuốc có thể làm giảm đi tác dụng của các thuốc tránh thai đường uống. Chính vì vậy, cần cảnh báo cho bệnh nhân biết điều này.
  • Probenecid có khả năng làm giảm quá trình đào thải của thuốc qua ống thận.
  • Nifedipin làm gia tăng mức độ hấp thu amoxicilin.
  • Amoxicilin làm giảm khả năng bài tiết của methotrexat, đồng thời làm tăng độc tính đối với hệ tạo máu và đường tiêu hóa.
  • Khi dùng thuốc đồng thời cùng với allopurinol sẽ làm gia tăng nguy cơ gặp phải các phản ứng dị ứng da.
  • Sulfonamid, macrolid, cloramphenicol và tetracyclin có thể ngăn cản khả năng diệt khuẩn của amoxicilin.

4.3. Tác dụng phụ

Trong quá trình sử dụng Zelfamox, người bệnh có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn sau:

  • Thường gặp: Ngứa ngáy, ngoại ban, tiêu chảy.
  • Ít gặp: Buồn nôn, nôn mửa, phát ban, gây tăng bạch cầu ái toan, tăng transaminase, viêm gan, vàng da ứ mật.
  • Hiếm gặp: Gây tăng nhẹ SGOT, bồn chồn, lo lắng, phản ứng phản vệ, kích động, vật vã, phù Quincke, thiếu máu tan huyết, giảm nhẹ tiểu cầu, giảm bạch cầu, hội chứng Stevens – Johnson, viêm thận kẽ, viêm da bong, viêm đại tràng giả mạc, ban đỏ đa dạng, hoại tử biểu bì do ngộ độc.

Khi gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình dùng thuốc, người bệnh nên báo ngay với bác sĩ hoặc tới cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn cách xử lý nhanh và phù hợp nhất.

Trên đây là công dụng thuốc Zelfamox và những thông tin quan trọng nhất. Để đảm bảo hiệu quả đạt được, độ an toàn khi dùng thuốc, người bệnh cần tham khảo và sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, dược sĩ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-zelfamox/