Công dụng thuốc Zifam PTZ

Piperacillin là một kháng sinh họ Penicillin với phổ tác dụng rộng, đặc biệt khi kết hợp với một chất ức chế beta-lactamase như Tazobactam. Sự kết hợp này có trong thuốc Zifam PTZ. Vậy Zifam PTZ là thuốc gì và sử dụng như thế nào?

1. Zifam PTZ là thuốc gì?

Zifam PTZ là thuốc gì? Thuốc Zifam PTZ có thành phần bao gồm kháng sinh Piperacillin (dưới dạng Piperacillin Sodium) hàm lượng 4g và Tazobactam (dưới dạng Tazobactam Sodium) hàm lượng 0.5g. Thuốc Zifam PTZ là sản phẩm của Galpha Laboratoires., Ltd (Ấn Độ), lưu hành tại việt Nam với SĐK VN-16370-13.

Sản phẩm Zifam PTZ đóng gói mỗi hộp gồm 1 lọ bột pha tiêm và 1 ống nhựa trắng chứa nước cất pha tiêm.

Piperacillin là kháng sinh bán tổng hợp họ penicillin có phổ kháng khuẩn rộng, bao gồm vi khuẩn hiếu khí lẫn kỵ khí Gram dương và Gram âm. Cơ chế tác dụng của Piperacillin là ức chế tổng hợp thành và vách tế bào. Hoạt chất còn lại trong thuốc Zifam PTZ là Tazobactam, bản chất là một triazolyl-methyl penicillanic acid sulfone. Tazobactam có khả năng ức chế mạnh với nhiều loại men beta-lactamase, đặc biệt là các men qua trung gian plasmid, đây là nguyên nhân thường gây kháng penicillin và cephalosporin. Sự hiện diện của Tazobactam trong thuốc Zifam PTZ hỗ trợ tăng phổ kháng khuẩn của Piperacillin, bao gồm cả các vi khuẩn sinh men beta-lactamase vốn đã đề kháng với các kháng sinh khác trong nhóm beta-lactam.

2. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Xoàm PTZ

Thuốc Zifam PTZ được chỉ định điều trị các bệnh lý nhiễm trùng toàn thân hay cục bộ do chủng vi khuẩn đã xác định hay nghi ngờ có nhạy cảm với Piperacillin/Tazobactam, bao gồm:

  • Nhiễm trùng hô hấp dưới;
  • Nhiễm trùng tiểu có biến chứng;
  • Nhiễm trùng ổ bụng;
  • Nhiễm trùng da và mô mềm;
  • Nhiễm trùng huyết;
  • Nhiễm trùng sản phụ khoa;
  • Nhiễm trùng đa khuẩn;
  • Zifam PTZ có tác dụng hiệp đồng với kháng sinh nhóm Aminoglycosid để chống lại một số dòng trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa). Sự kết hợp này đạt được hiệu quả cao, đặc biệt ở bệnh nhân có suy giảm sức đề kháng.

Chống chỉ định của thuốc Zifam PTZ:

  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Piperacillin và/hoặc các Cephalosporin;
  • Dị ứng với các chất ức chế beta-lactamase như Tazobactam.

3. Liều dùng, cách dùng Zifam PTZ

Liều dùng của Zifam PTZ:

  • Người trưởng thành và trẻ trên 12 tuổi: Liều thông thường là 1 lọ Zifam PTZ tiêm mạch mỗi 8 giờ, tổng liều hàng ngày có thể thay đổi từ 2.25g (1⁄2 lọ Zifam PTZ) đến 4.5g (1 lọ Zifam PTZ) mỗi 6 đến 8 giờ;
  • Trẻ dưới 12 tuổi: Chưa đủ dữ kiện nghiên cứu để dùng thuốc Zifam PTZ cho trẻ em dưới 12 tuổi;
  • Bệnh nhân suy thận: Liều dùng Zifam PTZ cần được điều chỉnh theo độ thanh thải creatinin:
    • Độ thanh thải creatinin 20-80 ml/phút: 1 lọ Zifam PTZ mỗi 8 giờ;
    • Độ thanh thải creatinin dưới 20 ml/phút: 1 lọ Zifam PTZ tiêm mạch mỗi 12 giờ;
    • Bệnh nhân chạy thận nhân tạo, tổng liều hàng ngày tối đa là 2 lọ Zifam PTZ;
    • Một chu kỳ chạy thận 4 giờ có thể lấy đi 30-50% lượng Piperacillin, do đó sau mỗi chu kỳ chạy thận nên tiêm bổ sung thêm 2g/250mg Piperacillin/Tazobactam (tương đương 1⁄2 lọ Zifam PTZ);
  • Thời gian điều trị: Thuốc Zifam PTZ cần dùng trong thời gian tối thiểu 48 giờ sau khi bệnh nhân hết sốt hay các triệu chứng lâm sàng cải thiện.

Cách dùng thuốc Zifam PTZ:

  • Tiêm mạch: Mỗi lọ thuốc Zifam PTZ cần pha với 20ml nước cất vô trùng hoặc NaCl 0.9%, sau đó tiêm mạch chậm trong 3-5 phút;
  • Truyền tĩnh mạch: Mỗi lọ thuốc Zifam PTZ pha với 20ml nước cất vô trùng hoặc NaCl 0.9%, sau đó tiếp tục pha loãng với ít nhất 50ml NaCl 0.9% để truyền tĩnh mạch trong 20-30 phút.

4. Tác dụng phụ của thuốc Zifam PTZ

Trong quá trình sử dụng thuốc Zifam PTZ, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau đây:

  • Nhiều bệnh nhân được điều trị bằng thuốc Zifam PTZ trong các nghiên cứu lâm sàng vốn đã mắc bệnh rất nặng, có nhiều bệnh lý nền và suy giảm chức năng sinh lý. Do đó rất khó xác định quan hệ nhân quả giữa các triệu chứng bất lợi với việc dùng Zifam PTZ.
  • Tác dụng phụ tại chỗ của Zifam PTZ được báo cáo là có thể xảy ra, bao gồm viêm tĩnh mạch và viêm tĩnh mạch huyết khối.
  • Các phản ứng ngoại ý toàn thân trên lâm sàng hay gặp nhất được báo cáo, có thể được xác định là có liên quan đến thuốc Zifam PTZ là tiêu chảy (3.8%), phát ban (0.6%), hồng ban (0.5%), ngứa (0.2%), ói (0.4%), buồn nôn (0.3%), phản ứng dị ứng (0.4%), mày đay (0.2%) và bội nhiễm vi khuẩn không nhạy cảm (0.2%).

Một số phản ứng phụ toàn thân trên lâm sàng khác được báo cáo có thể hay được xác định là có liên quan đến Zifam PTZ nhưng tần suất nhỏ hơn 0.1% bao gồm:

  • Phản ứng da;
  • Đổ mồ hôi;
  • Hồng ban đa dạng, chàm hay ngoại ban;
  • Phát ban dạng dát-sẩn;
  • Viêm miệng, khô miệng;
  • Táo bón;
  • Yếu cơ;
  • Ảo giác;
  • Hạ huyết áp;
  • Đau cơ;
  • Viêm tĩnh mạch nông;
  • Phù, sốt, mệt mỏi.

5. Tương tác thuốc của Zifam PTZ

Dùng đồng thời Probenecid với Zifam PTZ làm tăng thời gian bán hủy và tốc độ thanh thải của cả Piperacillin và Tazobactam, nhưng nồng độ đỉnh không bị ảnh hưởng.

Khi phối hợp Zifam PTZ với một số thuốc khác, không được trộn chung trong cùng một lọ hay chích cùng một lúc do sự bất tương thích về vật lý.

Khi dùng đồng thời Zifam PTZ với Heparin liều cao, thuốc kháng đông đường uống hay các thuốc có ảnh hưởng đến hệ thống đông máu và/hoặc chức năng tiểu cầu, các thông số về đông máu phải được xét nghiệm thường xuyên và theo dõi cẩn thận hơn.

6. Thận trọng khi dùng thuốc Zifam PTZ

Thận trọng khi dùng thuốc Zifam PTZ trong những trường hợp sau đây:

  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng Zifam PTZ, bệnh nhân phải được khai thác kỹ về tiền sử dị ứng với Penicillin, Cephalosporin hay các dị nguyên khác. Nếu xảy ra phản ứng dị ứng trong thời gian điều trị bằng Zifam PTZ thì phải ngưng thuốc. Các phản ứng quá mẫn nghiêm trọng, bao gồm sốc phản vệ, có thể cần phải xử trí bằng Adrenalin và các biện pháp cấp cứu khác.
  • Zifam PTZ có độc tính thấp đặc trưng của các kháng sinh họ penicillin thì bệnh nhân vẫn nên kiểm tra định kỳ chức năng của các cơ quan như gan, thận, hệ tạo máu nếu điều trị dài ngày.
  • Tương tự các kháng sinh khác, phải luôn lưu ý khả năng xuất hiện các dòng vi trùng kháng thuốc, đặc biệt là khi điều trị bằng Zifam PTZ kéo dài. Nếu tình trạng này xảy ra, bệnh nhân cần được xử trí thích hợp.
  • Cũng như với các Penicillin khác, bệnh nhân có thể bị kích động thần kinh cơ hoặc co giật nếu dùng Zifam PTZ liều cao hơn liều khuyến cáo theo đường tĩnh mạch.
  • Bệnh nhân điều trị bằng thuốc Zifam PTZ nên được xét nghiệm ion đồ định kỳ nếu có nồng độ kali máu thấp và luôn lưu ý khả năng hạ kali máu máu ở những bệnh nhân có dự trữ Kali quá thấp và những người đang được điều trị bằng thuốc độc tế bào hay đang dùng thuốc lợi tiểu.
  • Sử dụng kháng sinh liều cao và ngắn ngày (bao gồm Zifam PTZ) để điều trị bệnh lậu có thể che giấu hay làm chậm xuất hiện các triệu chứng của bệnh giang mai. Vì vậy, bệnh nhân mắc bệnh lậu nên được xét nghiệm giang mai trước khi điều trị.
  • Chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc sử dụng Zifam PTZ trong khi mang thai và khi cho con bú. Tuy rằng, Zifam PTZ không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và không sinh u quái ở chuột, tuy nhiên trong thời gian chờ có đầy đủ kết quả thực nghiệm, phụ nữ có thai hay đang cho con bú chỉ nên điều trị bằng Zifam PTZ khi lợi ích điều trị vượt trội nguy cơ đối với cả bệnh nhân lẫn thai nhi.

Thuốc Zifam PTZ là thuốc kháng sinh được chỉ định điều trị các bệnh lý nhiễm trùng toàn thân hay cục bộ.Thuốc được sử dụng bằng cách tiêm truyền. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và nhân viên y tế.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-zifam-ptz/