Lưu ý khi sử dụng thuốc Racedagim 100

Thuốc Racedagim 100mg là dòng thuốc điều trị tiêu chảy cấp tính ở trẻ em với thành phần chính là Racecadotril. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Racedagim 100mg qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Racedagim 100 là thuốc gì?

Thuốc Racedagim 100 là thuốc gì? Thuốc Racedagim 100 thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp tính ở trẻ em.

Racedagim 100 là sản phẩm thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm. Thuốc được bào chế dưới dạng bột thuốc cốm và được đóng gói theo hộp 10 gói x 1 gam thuốc bột.

Trong mỗi gói thuốc Racedagim 100mg có chứa thành phần chính là Racecadotril hàm lượng 10mg và các tá dược khác như: Bột hương mơ, Aspartam, Kyron T112B, Xanthan gum, Magnesi stearat, Đường trắng, Nước tinh khiết.

2. Chỉ định dùng thuốc Racedagim 100 mg

Thuốc Racedagim 100mg được sử dụng trong điều trị các triệu chứng tiêu chảy cấp tính ở người lớn và trẻ em khi không thể điều trị nguyên nhân.

Trong trường hợp có thể điều trị được nguyên nhân, thuốc Racedagim được sử dụng trong hỗ trợ theo sự kê đơn của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thuốc có thành phần chính là Racecadotril, có bản chất là một chất ức chế Enzym enkephalinase, điều này giúp thuốc có tác dụng hạn chế sự mất nước và các chất điện giải, đồng thời đây cũng là 2 nguyên nhân để khắc phục triệu chứng tiêu chảy cấp tính. Tuy nhiên, thuốc không làm giảm nhu động ruột, vì thế sau khi điều trị sẽ không gây tình trạng táo bón. Bên cạnh đó, nếu sử dụng chung thuốc Racedagim với Oresol sẽ làm giảm nhanh và rút ngắn thời gian điều trị tình trạng tiêu chảy cấp tính.

3. Liều lượng – cách dùng thuốc Racedagim 100 mg

Cách dùng: Thuốc Racedagim 100 nên uống nguyên cả bột trong nước hoặc khuấy đều vào trong thức ăn, bình sữa. Tuy nhiên, người bệnh cần phải uống luôn thuốc sau khi được pha xong.

Liều dùng:

Sử dụng Racedagim phối hợp với liệu pháp bù nước.

  • Người lớn & trẻ em > 15 tuổi: khởi đầu 1 viên 100mg Racecadotril vào bất cứ lúc nào, sau đó uống 1 viên 100mg Racecadotril mỗi 8 giờ cho đến khi ngừng tiêu chảy. Tổng liều trong ngày không quá 400mg Racecadotril. Nếu triệu chứng tiêu chảy vẫn kéo dài hơn 7 ngày và không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Trẻ em: Dùng dạng gói bột uống 10mg Racecadotril & 30 mg Racecadotril. Ngày đầu tiên: dùng liều khởi đầu, 1 liều Racecadotril x 4 lần/ngày. Những ngày sau: 3 liều/ngày, tối đa sử dụng Racecadotril trong 7 ngày. Dạng gói 10 mg & 30 mg:
  • Trẻ 1-9 tháng (dưới 9 kg): 1 gói 10mg/liều
  • Trẻ 9-30 tháng (9-13kg): 2 gói 10mg/liều
  • Trẻ 30 tháng – 9 tuổi (13-27 kg): 1 gói 30mg/liều.
  • Trẻ trên 9 tuổi (trên 27kg): 2 gói 30 mg/ngày.

Lưu ý: Thuốc Racedagim không có vai trò thay thế bởi các chế độ bù nước thông thường. Vì thế, người bệnh tốt nhất nên dùng thuốc kết hợp với chế độ bù nước hợp lý nhất. Trong trường hợp, người bệnh bị tiêu chảy quá nặng kèm nôn mửa và mất nước có thể bù nước bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch.

4. Chống chỉ định dùng thuốc Racedagim điều trị

Thuốc Racedagim 100mg không được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh bị dị ứng hoặc mẫn cảm với hoạt chất Racecadotril hay bất kỳ hoạt chất tá dược nào có trong thuốc.
  • Người bệnh bị suy gan, suy thận không dùng Racecadotril.

Không sử dụng thuốc Racecadotril cho người bệnh bị mắc hội chứng kém hấp thu Glucose, Galactose, người bệnh không dung nạp được Fructose hoặc gặp phải các vấn đề do thiếu hụt men Sucrase hoặc Isomaltase.

5. Thận trọng lúc dùng thuốc Racedagim 100mg

Trước khi sử dụng thuốc Racedagim 100mg điều trị, người bệnh cần tham khảo thật kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc toa thuốc của bác sĩ, dược sĩ đã kê. Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo một số lưu ý dưới đây khi dùng Racecadotril.

  • Người bệnh cần tuân thủ chính xác hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng thuốc Racecadotril, cũng như cách bù dịch và lời khuyên của bác sĩ về chế độ ăn cho trẻ. Việc ngừng cho trẻ ăn các chế phẩm từ sữa hoặc sữa phải được tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ.
  • Đối với trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi nếu gặp phải tình trạng mắc tiêu chảy hoặc số lần đi tiêu trong một ngày tăng lên bất thường thì cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ ngay lập tức.
  • Trong trường hợp có số lần tiêu chảy trên 6 lần/ngày, hoặc tiêu chảy kéo dài trên 24 giờ hoặc tiêu chảy có kèm sụt cân, bác sĩ sẽ cân nhắc việc kê đơn dùng dung dịch bù dịch hay không.
  • Thận trọng khi dùng cho người bệnh có trường hợp sốt, nôn, trong phân có máu hoặc dính dịch nhầy.
  • Trên thực tế, cần phải tính đến những nguyên nhân gây ra tiêu chảy, vì thế nên cho trẻ uống hết dung dịch bù dịch đã được bác sĩ kê đơn. Trong trường hợp trẻ còn đang bú mẹ thì vẫn nên cho trẻ tiếp tục bú.
  • Trong trường hợp người bệnh bị bệnh đái tháo đường cần tính đến lượng đường trong mỗi gói (mỗi gói Racecadotril chứa 0,873 g đường). Nếu lượng đường (là nguồn fructose và glucose) trong liều hàng ngày sử dụng vượt quá 5g/ngày cần tính đến khẩu phần ăn mỗi ngày.
  • Nếu trong phân xuất hiện máu hoặc mủ kèm theo sốt cho thấy nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy là do nhiễm khuẩn hoặc một số bệnh lý nghiêm trọng khác.
  • Thuốc Racedagim chưa được nghiên cứu trên người bệnh tiêu chảy do dùng kháng sinh, vì thế không nên dùng thuốc trong trường hợp này.
  • Chưa có đầy đủ dữ liệu thuốc Racecadotril trên người bệnh bị tiêu chảy mãn tính. Dữ liệu còn khá hạn chế ở người bệnh bị suy thận suy gan.
  • Nôn mửa kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến giảm sinh khả dụng của Racecadotril.
  • Đã có báo cáo về một số trường hợp dùng Racecadotril có xuất hiện một số phản ứng trên da. Tuy nhiên, phần lớn thường nhẹ và không cần điều trị nhưng một số trường hợp nghiêm trọng thì cần ngừng điều trị với Racecadotril ngay lập tức.
  • Các phản ứng quá mẫn hoặc phù mạch đã có báo cáo trên một số người bệnh dùng Racecadotril và có thể xảy ra tại bất cứ thời điểm nào khi dùng thuốc.
  • Phù mặt có thể xuất hiện ở mặt, môi, mắt màng nhầy. Trong trường hợp phù mạch có liên quan đến tắc nghẽn đường hô hấp trên như lưỡi và thanh quản hoặc khí quản thì người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức.
  • Trong thuốc Racedagim có chứa lactose, vì thế người bệnh có vấn đề di truyền về không dung nạp galactose, kém hấp thu glucose galactose hoặc thiếu enzym lapp lactase không nên dùng thuốc.
  • Chưa có đầy đủ dữ liệu về việc sử dụng Racecadotril ở phụ nữ mang thai ảnh hưởng đến phôi thai, sự phát triển của thai nhi hay sinh đẻ. Tuy nhiên, không khuyến cáo sử dụng Racecadotril cho phụ nữ mang thai. Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng thuốc Racedagim.
  • Không có đủ dữ liệu về sự bào tiết của Racecadotril có ở trong sữa mẹ hay không. Vì thế không nên dùng Racecadotril cho bà mẹ đang nuôi con bú.

6. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Racedagim

Trong quá trình sử dụng thuốc Racedagim, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như sau:

  • Cảm giác buồn ngủ, choáng váng và nhức đầu
  • Buồn nôn/ nôn, táo bón
  • Phát ban, có nốt sần trên da, ngứa, mề đay, nổi nốt đỏ,…
  • Viêm amidan, phù lưỡi, môi phù nề, phù mạch

Người bệnh khi gặp phải các biểu hiện bất thường nào khác không được liệt kê trên đây thì hãy báo lại cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết để được xử lý kịp thời và có phương án khác điều trị hiệu quả hơn.

Thuốc Racedagim 100mg là dòng thuốc điều trị tiêu chảy cấp tính ở trẻ em với thành phần chính là Racecadotril. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/luu-y-khi-su-dung-thuoc-racedagim-100/