Thuốc Rotorlip: Công dụng và lưu ý khi sử dụng

Bài viết của Dược sĩ – Thạc sĩ Phạm Thị Kim Dung – Khoa Dược – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Thuốc Rotorlip có hoạt chất là rosuvastatin, thuộc nhóm statin, dùng khá phổ biến điều trị giảm “mỡ máu xấu”. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với 2 hàm lượng 10mg và 20mg.

1. Công dụng của thuốc Rotorlip

Trong cơ thể, chất béo (hay còn gọi lipid) được hấp thu từ thực phẩm hoặc được tổng hợp bởi gan và có những vai trò quan trọng về mặt sinh lý. Tuy nhiên, khi chất béo (triglycerides hoặc cholesterol) trong máu cao vượt ngưỡng có thể dẫn đến nhiều rối loạn sức khỏe nghiêm trọng.

Chất béo trong cơ thể được vận chuyển thông qua một thành phần có tên gọi là lipoprotein. Lipoprotein được phân loại dựa trên tỷ trọng bao gồm lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL), tỷ trọng thấp (LDL), tỷ trọng trung bình (IDL), tỷ trọng cao (HDL). HDL mang cholesterol từ các mô ngoại vi và các lipoprotein khác tới các nơi cần sử dụng hoặc thanh thải tại gan. Do đó, HDL được coi là “mỡ máu tốt”. Trong khi đó, LDL được coi là “mỡ máu xấu” – đây là một trong những thủ phạm chính gây ra xơ vữa động mạch.

Rotorlip là thuốc ức chế sinh tổng hợp cholesterol, từ đó dẫn tới cơ chế bù trừ của cơ thể là kích thích giáng hóa hay phân giải LDL thông qua tăng biểu hiện thụ thể LDL trên màng tế bào gan và kết quả làm giảm LDL trong máu.

Ngoài ra, thuốc còn làm tăng nồng độ “mỡ máu tốt” HDL. Thuốc cũng làm giảm triglycerid huyết tương bằng cách làm tăng thải VLDL tồn dư nhờ tăng biểu hiện thụ thể LDL.

Thuốc được chỉ định trong điều trị tăng cholesterol máu tiên phát, rối loạn lipid máu hỗn hợp, tăng cholesterol máu có tính gia đình. Đồng thời, thuốc cũng được chỉ định trong phòng ngừa biến cố tim mạch tiên phát, giúp giảm nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, giảm nhu cầu cần thủ thuật, phẫu thuật tái thông mạch vành ở những người có nguy cơ tim mạch cao.

Bệnh nhân chỉ nên dùng Rotorlip sau khi được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, đánh giá, chẩn đoán và kê đơn. Việc tự ý sử dụng thuốc hoặc dùng theo đơn kê của người khác có thể gây nên những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng.

2. Cách dùng, liều dùng thuốc Rotorlip

Thuốc Rotorlip cần được uống nguyên viên vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, do tác dụng của thuốc kéo dài và hấp thu không phụ thuộc bữa ăn. Tuy nhiên, bệnh nhân nên uống hàng ngày vào cùng một thời điểm để tránh quên thuốc. Bác sĩ thường kê đơn Rotorlip vào buổi tối, sau ăn tối do enzym tổng hợp cholesterol mà thuốc tác động vào hoạt động mạnh vào buổi tối.

Liều khởi đầu thông thường được khuyến cáo cho người lớn là 5 mg hoặc 10 mg x 1 lần/ ngày cho cả bệnh nhân chưa từng dùng thuốc nhóm statin và bệnh nhân chuyển từ một thuốc cùng nhóm sang Rotorlip. Có thể tăng liều sau mỗi 4 tuần tùy theo mục tiêu điều trị và đáp ứng của bệnh nhân nhưng tối đa là 40mg/ ngày.

Liều dùng cho trẻ em từ 10-17 tuổi là 5mg – 20mg x 1 lần/ ngày với hàm lượng tối đa là 20mg/ ngày.

Liều dùng của thuốc được bác sĩ cân nhắc trên từng chỉ định và đối tượng. Do đó, bệnh nhân không nên tự ý tăng hoặc giảm liều khi chưa có ý kiến bác sĩ. Thuốc có thể được khởi đầu ở liều thấp hơn, tăng liều chậm hơn và mức liều tối đa thấp hơn trên người bị suy giảm chức năng gan, giảm chức năng thận hoặc người cao tuổi.

Rotorlip với 2 hàm lượng 10mg và 20mg hỗ trợ lựa chọn và điều chỉnh liều trên từng đối tượng bệnh nhân cụ thể. Tuy nhiên, nhà sản xuất khuyến cáo không bẻ viên 10mg khi cần sử dụng liều 5mg.


Rotorlip 10
Thuốc Rotorlip cần được uống nguyên viên vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày

3. Tác dụng không mong muốn của thuốc Rotorlip

Không phải tất cả các bệnh nhân đều gặp tác dụng phụ khi sử dụng Rotorlip và không phải tất cả các tác dụng phụ của thuốc đều xảy ra trên một người bệnh. Trong thời gian dùng thuốc, bạn có thể đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, đau mỏi cơ, đau bụng, tăng men gan, tăng đường huyết… Khi đó, cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và điều chỉnh nếu cần thiết.

Trường hợp các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như mệt mỏi, đau bụng, chán ăn, xạm da, vàng da, vàng mắt hoặc đau cơ, yếu cơ kéo dài, đặc biệt kèm theo mệt mỏi hay sốt, nước tiểu sẫm màu hay các phản ứng dị ứng thuốc (mẩn ngứa, phù mặt, khó thở…) bệnh nhân cần tới ngay bệnh viện để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc có thể liên quan tới liều dùng, do đó bệnh nhân không tự ý tăng liều, không sử dụng 2 liều cách nhau ít hơn 12h. Nếu quên liều, bạn cần uống ngay khi nhớ, nhưng nếu thời điểm nhớ cách liều kế tiếp dưới 12h chỉ uống liều kế tiếp và bỏ qua liều đã quên.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Rotorlip

Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng, tình trạng có thai, đang cho con bú và các thuốc đang sử dụng tại nhà để đảm bảo được kê đơn tối ưu và an toàn. Thuốc không sử dụng cho phụ nữ có thai, cho con bú. Nếu bạn có kế hoạch mang thai trong tương lai gần, bạn cần trao đổi với bác sĩ. Sử dụng thuốc cho một số trường hợp có thai có thể được chấp nhận, tuy nhiên bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa tư vấn và theo dõi cẩn thận.

Bệnh nhân chỉ được sử dụng Rotorlip khi được kê đơn và cần sử dụng đúng liều như được kê đơn. Không tự ý tăng, giảm liều hoặc bỏ điều trị khi không có ý kiến của bác sĩ.

Thuốc không chỉ có tác dụng hạ mỡ máu mà còn có tác dụng dự phòng biến cố tim mạch trên bệnh nhân nguy cơ tim mạch cao. Khi bạn được bác sĩ đánh giá và tư vấn có nguy cơ tim mạch cao, cần dự phòng bằng Lipcor, bạn có thể cần uống thuốc lâu dài để có tác dụng dự phòng tốt. Không bỏ các thuốc điều trị mạn tính khác (ví dụ như thuốc điều trị tăng huyết áp, tiểu đường…) khi sử dụng thuốc kiểm soát mỡ máu. Bởi để dự phòng nguy cơ tim mạch cần nhiều yếu tố, trong đó kiểm soát các bệnh mạn tính rất quan trọng.

Thuốc có thể tương tác với các thuốc khác, do đó bạn nên trao đổi với bác sĩ, dược sĩ khi cần dùng thêm bất kỳ loại thuốc nào để được tư vấn và điều chỉnh liều nếu cần thiết. Tránh sử dụng rượu bia trong thời gian dùng thuốc.

Hãy tuân thủ điều trị và theo dõi định kỳ thông qua tái khám tái khám với bác sĩ chuyên khoa để bạn đạt được kết quả điều trị hiệu quả và an toàn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/thuoc-rotorlip-cong-dung-va-luu-y-khi-su-dung/