Công dụng thuốc Atproton

Atproton là thuốc gì? Thuốc Atproton thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa. Atproton có thành phần chính chứa hoạt chất Rabeprazol natri với hàm lượng 20 mg cùng các tá dược vừa đủ một viên. Vậy thuốc Atproton có tác dụng gì và được sử dụng trong các trường hợp nào?

1. Thuốc Atproton có tác dụng gì?

Thuốc Atproton được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Điều trị trường hợp có bào mòn hoặc loét do chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ở người lớn.
  • Dự phòng trong tái nhiễm chứng trào ngược dạ dày thực quản ở người lớn.
  • Điều trị các triệu chứng của chứng trào ngược dạ dày thực quản ở người lớn.
  • Điều trị loét tá tràng ở người lớn.
  • Dùng kết hợp với các thuốc khác để tiêu diệt H. pylori trong phòng ngừa tái nhiễm loét tá tràng ở người lớn.
  • Điều trị các bệnh lý liên quan đến tăng tiết acid, kể cả hội chứng Zollinger – Ellison ở người lớn.
  • Điều trị ngắn hạn các triệu chứng trào ngược dạ dày cho đối tượng là trẻ em lớn hơn 12 tuổi.
  • Điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản cho trẻ em từ 1 đến 11 tuổi.

Không được sử dụng thuốc trong các trường hợp sau:

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Atproton

2.1. Cách dùng của thuốc Atproton

Thuốc Atproton được bào chế dưới dạng viên nén bao tan trong ruột, được sử dụng bằng đường uống, khi uống cần uống nguyên viên thuốc không nhai, cắn hay nghiền vỡ cấu trúc bao tan của viên thuốc.

2.2. Liều dùng của thuốc Atproton

  • Trong điều trị bào mòn hoặc loét do GERD ở người lớn: ngày uống 1 viên/ 1 lần, điều trị kéo dài trong 4 đến 8 tuần. Nếu sau khi đã điều trị 8 tuần mà bệnh vẫn chưa khỏi thì tiếp tục sử dụng liều như trên thêm 8 tuần nữa.
  • Liều điều trị duy trị GERD ở người lớn: ngày uống 1 viên/ 1 lần, không dùng vượt quá 12 tháng.
  • Trong điều trị các triệu chứng của GERD ở người lớn: ngày uống 1 viên/ 1 lần, sử dụng kéo dài trong 4 tuần, nếu sau đó chưa hết các triệu chứng cần xem xét tiếp tục điều trị.
  • Trong điều trị loét tá tràng ở người lớn: cần uống 1 viên duy nhất vào buổi sáng, kéo dài điều trị trong 4 tuần. Các báo cáo cho thấy, đa số các bệnh nhân sau 4 tuần điều trị đều được chữa lành vết loét, tuy nhiên ở một số ít người cần phải tiếp tục điều trị.
  • Trong kết hợp với các thuốc khác tiêu diệt vi khuẩn H. pylori phòng ngừa tái nhiễm loét tá tràng ở người lớn, phác đồ điều trị gồm 3 thuốc, nên uống cùng lúc vào buổi sáng và buổi tối:
  • Rabeprazol natri: ngày dùng 2 lần, 1 lần 1 viên, kéo dài điều trị trong vòng 7 ngày.
  • Amoxicillin: ngày dùng 2 lần, 1 lần uống 500 mg, kéo dài điều trị trong vòng 7 ngày.
  • Clarithromycin: ngày dùng 2 lần, 1 lần uống 500 mg, kéo dài điều trị trong vòng 7 ngày.
  • Trong điều trị các bệnh lý về tăng tiết acid, kể cả hội chứng Zollinger – Ellison ở người lớn: liều lượng tùy thuộc vào tình trạng và mức độ bệnh của từng bệnh nhân. Liều khuyến cáo dùng 3 viên/ ngày. Thời gian sử dụng tùy thuộc vào từng người, có thể được điều trị kéo dài liên tục trong 1 năm.
  • Trong điều trị ngắn hạn chứng trào ngược dạ dày cho trẻ em lớn hơn 12 tuổi: Uống ngày 1 viên/ 1 lần, điều trị kéo dài trong 8 tuần.

3. Tác dụng không mong muốn của thuốc Atproton

Trong quá trình sử dụng thuốc Atproton, bên cạnh các tác dụng điều trị của thuốc, bệnh nhân còn có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn như sau:

  • Các tác dụng phụ thường gặp như: Mất ngủ, chóng mặt, đau đầu, nhiễm trùng, viêm mũi, ho, viêm họng, nôn, buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng, táo bón, polyp đáy vị lành tính, hội chứng giả cúm, suy nhược, đau lưng, đau không rõ nguyên nhân.
  • Các tác dụng phụ ít gặp như: buồn ngủ, căng thẳng, viêm xoang, viêm phế quản, ợ hơi, khó tiêu, khô miệng, hồng ban, phát ban, nhiễm trùng đường niệu, chuột rút, đau cơ khớp, gãy xương hông, đốt sống hoặc cổ tay, ớn lạnh, đau ngực, sốt, tăng enzyme gan.
  • Các tác dụng phụ hiếm gặp như: Chán ăn, giảm bạch cầu trung tính và tiểu cầu, giảm hoặc tăng bạch cầu, trầm cảm, rối loạn thị giác, viêm miệng, viêm dạ dày, rối loạn vị giác, vàng da, viêm gan, não gan, bóng nước, ngứa, đổ mồ hôi, tăng cân, viêm thận kẽ.
  • Các tác dụng phụ rất hiếm gặp như: hoại tử thượng bì nhiễm độc, hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens – Johnson.

Khuyến cáo bệnh nhân khi gặp các dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ điều trị hợp lý và hiệu quả, tránh tình trạng bỏ trị.

4. Tương tác thuốc Atproton

  • Thuốc Atproton làm giảm sinh khả dụng của các thuốc hấp thu phụ thuộc vào pH của dạ dày như Atazanavir, Ketoconazol, Erlotinib, muối sắt.
  • Trong phác đồ diệt vi khuẩn H. pylori, việc sử dụng chung Clarithromycin và Amoxicillin với Atproton có thể làm tăng nồng độ của 4 – hydroxy Clarithromycin và Rabeprazole trong máu.
  • Khi dùng chung Atproton với các thuốc Methotrexat và Warfarin thì 2 thuốc này có thể bị thay đổi sinh khả dụng, làm tăng nguy cơ chảy máu tại đường tiêu hóa.

Khuyến cáo bệnh nhân trước khi được chỉ định điều trị bằng thuốc Atproton cần liệt kê các loại thuốc, thực phẩm chức năng đang sử dụng trong thời gian gần đây để đảm bảo an toàn trong sử dụng và bác sĩ có thể đưa ra các phác đồ điều trị hợp lý và hiệu quả.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Atproton

  • Thận trọng khi sử dụng cho đối tượng là phụ nữ đang có thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Trước khi sử dụng thuốc, cần loại trừ sự xuất hiện của khối u dạ dày ác tính vì thuốc có thể che giấu đi biểu hiện của căn bệnh này là kéo dài thời gian phát hiện bệnh.
  • Khi xuất hiện các triệu chứng của viêm thận kẽ cần ngưng điều trị bằng thuốc Atproton.
  • Thuốc có thể làm tăng nguy cơ tiêu chảy do Clostridium difficile, nhất là đối với những bệnh nhân đang nằm viện.
  • Thận trọng trên bệnh nhân đang hoặc có nguy cơ bị bệnh loãng xương.
  • Chưa có báo cáo nào ghi nhận thuốc có ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-atproton/