Công dụng thuốc Butocox 750

Butocox 750 là thuốc kháng viêm không steroid, thường được chỉ định điều trị trong các bệnh lý viêm đau ở xương khớp.

1. Butocox 750 là thuốc gì?

  • Thuốc Butocox 750 có thành phần hoạt chất chính là Nabumetone – thuộc nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), tác dụng hạ sốt, kháng viêm, giảm đau và không gây nghiện.
  • Cơ chế tác động của thuốc là ức chế có chọn lọc enzyme cyclooxygenase – 2 (COx-2). Từ đó ức chế sự tổng hợp các chất trung gian gây viêm (prostaglandin). So với các thuốc nhóm NSAID khác, Butocox 750 ức chế prostaglandin tương đối yếu, không ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày và không có tác dụng chống kết tập tiểu cầu.
  • Butocox 750 hấp thu tốt qua đường tiêu hóa (trên 80%), sau khi vào hệ tuần hoàn thuốc chuyển hóa ở gan thành dạng hoạt động là acid 6-methoxy-2-naphthyl acetic (6-MNA), cuối cùng thải trừ qua đường nước tiểu là chủ yếu.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Butocox 750

Thuốc Butocox 750 được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý sau:

Chống chỉ định của thuốc Butocox 750 trong trường hợp:

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần Nabumetone hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Bệnh nhân có tiền sử xuất hiện cơn hen, co thắt phế quản, polyp mũi, phù mạch hay nổi mề đay khi sử dụng Aspirin hoặc thuốc kháng viêm không steroid.
  • Bệnh nhân đau bụng chưa rõ nguyên nhân (thuốc làm mờ các dấu hiệu của đau bụng ngoại khoa).
  • Bệnh nhân loét dạ dày tá tràng, chảy máu đường tiêu hóa đang tiến triển.
  • Bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý suy gan nặng và suy tim nặng.
  • Bệnh nhân suy thận nặng không thẩm tách máu, trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng cuối thai kỳ và đang cho con bú.

3. Tương tác thuốc của Butocox 750

Một số tương tác có thể xảy ra khi sử dụng phối hợp Butocox 750 gồm:

  • Phối hợp với các thuốc nhóm NSAID khác, corticoid hoặc Aspirin tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ cho cơ thể, đặc biệt là ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, gây viêm loét, thủng đường tiêu hóa.
  • Phối hợp với các thuốc hạ áp (nhóm ức chế thụ thể và ức chế men chuyển Angiotensin) có thể làm giảm tác dung kiểm soát huyết áp của thuốc. Do đó, điều chỉnh liều thuốc hạ áp hoặc sử dụng các loại thuốc khác để thay thế trên bệnh nhân đang điều trị huyết áp cao.
  • Phối hợp Butocox 750 với các thuốc lợi tiểu, thuốc Cyclosporin, Tacrolimus làm tăng nguy cơ độc tính trên thận, có thể gây suy thận cấp, với các Glycosid tim (Digoxin) làm nặng nề tình trạng suy tim, tăng nồng độ glycosid huyết tương, với các kháng sinh nhóm Quinolon làm tăng khả năng xuất hiện co giật.
  • Butocox 750 làm giảm thải trừ Lithium và Methotrexat, tăng độc tính của thuốc khi dùng đồng thời.
  • Warfarin tăng nồng độ trong huyết tương khi dùng đồng thời với Butocox 750, từ đó tăng thời gian prothrombin, làm tăng nguy cơ chảy máu, Probenecid làm giảm chuyển hóa, giảm thải trừ Butocox 750.
  • Sử dụng rượu bia, thuốc lá trong thời gian uống thuốc có thể tăng nguy cơ viêm loét đường tiêu hóa.
  • Các tương tác khác của thuốc Butocox 750 có thể làm thay đổi tác dụng hay gia tăng các phản ứng phụ cho cơ thể chưa được chứng minh đầy đủ. Vì vậy, trước khi dùng thuốc nên thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang sử dụng trong thời gian gần đây để phòng ngừa các biến cố bất lợi.

4. Liều lượng và cách dùng

Cách dùng:

  • Butocox 750 được bào chế dưới dạng viên nén bao phim hàm lượng 750mg. Uống nguyên viên thuốc với nước, không nghiền nát hay tách rời viên thuốc.
  • Có thể uống thuốc trong bữa ăn, ngay sau ăn hoặc uống kèm với sữa; vì thức ăn có thể làm tăng khả năng chuyển hóa thuốc.

Liều dùng:

  • Liều giảm đau, kháng viêm thông thường: 500mg/ lần x 2 lần/ ngày (uống buổi sáng và tối trước khi đi ngủ). HOẶC 2 viên/ lần/ ngày (uống buổi tối trước khi đi ngủ).
  • Trường hợp đau nặng, kéo dài: 500 – 1000mg/ lần x 2 lần/ ngày. Liều Butocox 750 tối đa 1,5 – 2g/ ngày.
  • Người lớn tuổi có suy giảm chức năng các cơ quan: Liều tối đa 1g/ ngày.
  • Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng bệnh lý và đối tượng bệnh nhân khác nhau mà bác sĩ sẽ có chỉ định liều dùng Butocox 750 khác nhau.

Xử trí quá liều:

  • Nếu vô tình sử dụng quá liều Butocox 750 có thể gây một số biểu hiện như nhức đầu, đau thượng vị, buồn nôn, nôn, chảy máu tiêu hóa, ù tai, ngất xỉu, co giật,… Trường hợp quá liều nặng có thể dẫn đến ngộ độc gây tổn thương gan hoặc suy thận cấp.
  • Đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất nếu phát hiện các triệu chứng quá liều thuốc. Tùy theo tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có các xử trí khác nhau như nhuận tràng, kích thích nôn, rửa dạ dày, diazepam nếu co giật,…

Xử trí quên liều:

  • Nếu quên uống 1 liều thuốc thì uống lại ngay khi nhớ ra, trường hợp gần đến thời gian uống liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và uống tiếp như chỉ định. Không uống gấp đôi liều Butocox 750 đã quên vì sẽ gây ra những phản ứng bất lợi cho cơ thể.

5. Tác dụng phụ của thuốc Butocox 750

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi dùng thuốc Butocox 750 gồm:

  • Tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, viêm loét, chảy máu đường tiêu hóa, buồn nôn, nôn, tiêu chảy hay táo bón, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, đi cầu phân đen.
  • Các phản ứng quá mẫn gây co thắt phế quản, ngứa, nổi ban đỏ, nổi mề đay.
  • Các biến cố trên hệ tim mạch: Tăng huyết áp, suy tim, phù ngoại vi, phù mạch, sử dụng kéo dài có thể dẫn đến huyết khối động mạch.
  • Suy giảm chức năng hệ tiết niệu, viêm thận kẽ, suy thận cấp.
  • Rối loạn chức năng gan, tăng men gan, viêm gan, vàng da.
  • Rối loạn chức năng thị giác, nhìn mờ.
  • Ho, khó thở, co thắt phế quản.
  • Đau đầu, chóng mặt, sốt, trầm cảm, ảo giác, mất ngủ.
  • Thiếu máu do giảm các dòng tế bào máu, thiếu máu tán huyết.

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Butocox 750

  • Theo dõi, kiểm tra chức năng thận, chức năng gan trong suốt quá trình sử dụng thuốc trên các đối tượng bệnh nhân có bệnh lý hay yếu tố nguy cơ mắc các bệnh lý về gan, thận.
  • Sử dụng thuốc ở liều thấp nhất có hiệu quả, nếu buộc phải sử dụng kéo dài với liều cao thì phải có sự theo dõi nghiêm ngặt của bác sĩ.
  • Thuốc có thể qua được nhau thai và gây một số độc tính nhất định cho thai nhi, vì vậy phụ nữ có thai cân nhắc lợi ích khi dùng thuốc, không sử dụng thuốc nếu không thật sự cần thiết, đặc biệt không uống Butocox 750 trong 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Thuốc có bài tiết qua sữa mẹ và chưa đảm bảo được tính an toàn cho trẻ bú mẹ, do đó phụ nữ đang cho con bú cân nhắc không sử dụng thuốc hoặc ngừng cho con bú khi dùng thuốc.
  • Bệnh nhân có tiền sử hen suyễn, bệnh lý viêm phế quản mạn tính nên thận trọng khi dùng thuốc do nguy cơ gây co thắt phế quản của Butocox 750.
  • Thận trong trên các bệnh nhân suy giảm chức năng tim mạch, suy tim sung huyết, bệnh nhân cao huyết áp, các bệnh lý mạch vành, bệnh mạch máu não hay bệnh nhân nghiện thuốc lá, rối loạn lipid máu, đái tháo đường,… do làm tăng nguy cơ giữ nước, gây phù, làm nặng nề các rối loạn chức năng tim mạch.
  • Ở bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống (SLE), rối loạn mô liên kết hỗn hợp có thể tăng nguy có các bệnh lý nhiễm trùng, đặc biệt là viêm màng não vô khuẩn khi dùng thuốc Butocox 750.
  • Butocox 750 có thể gây các rối loạn thị giác, đau đầu, mệt mỏi. Vì vậy, tài xế lái xe, người vận hành máy móc hay người làm việc trong môi trường đòi hỏi tập trung tỉ mỉ nên ngưng công việc trong thời gian điều trị thuốc.

Tóm lại, Butocox 750 được chỉ định rộng rãi trong nhiều trường hợp đau do viêm xương khớp. Thuốc dễ sử dụng, cho hiệu quả điều trị cao tuy nhiên cũng gây ra nhiều biến cố bất lợi cho cơ thể đặc biệt là trên những bệnh nhân có các bệnh lý nền đi kèm. Lưu ý, Butocox 750 là thuốc kê đơn, bạn tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-butocox-750/