Công dụng thuốc Tiamesolon

Tiamesolon 16 là thuốc được biết đến với tác dụng giảm viêm và ức chế hệ miễn dịch của cơ thể. Bởi thế mà thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh về da, khớp và tai mũi họng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn đọc những thông tin cơ bản về sản phẩm này, giúp bạn sử dụng thuốc sao cho phù hợp.

1. Tiamesolon 16 là thuốc gì?

Thuốc Tiamesolon 16 có chứa thành phần chính là Methylprednisolon 16mg, một glucocorticoid, dẫn xuất 6 – alpha – methyl của prednisolon. Thành phần này vốn được biết đến với khả năng chống viêm, chống dị ứng với khả năng ức chế miễn dịch vô cùng hiệu quả.

Các glucocorticoid vốn có khả năng ức chế hiện tượng thoát mạch và thấm của các bạch cầu vào mô bị viêm. Từ đây chúng sẽ làm tăng số lượng các bạch cầu trung tính cũng như giảm số lượng các tế bào lympho và đặc biệt là bạch cầu ưa eosin, bạch cầu đơn nhân ở máu ngoại biên.

Không chỉ phát huy tốt công dụng trên chức năng của bạch cầu, glucocorticoid còn có khả năng tác động đến phản ứng viêm bằng cơ chế giảm tổng hợp prostaglandin do hoạt hóa phospholipase A. Từ đây nó sẽ góp phần làm tăng nồng độ một số phospholipid màng có khả năng ức chế sự tổng hợp prostaglandin.

Cuối cùng, glucocorticoid sẽ ngăn ngừa sự xuất hiện cyclooxygenase ở những tế bào viêm, góp phần quan trọng trong việc giảm lượng enzyme để sản sinh prostaglandin.

2. Chỉ định và chống chỉ định

2.1. Chỉ định

Với tác dụng trên, Tiamesolon 16 được chỉ định sử dụng trong một số trường hợp sau đây:

  • Những người đang gặp bất thường chức năng vỏ thượng thận.
  • Người đang gặp các vấn đề như viêm da dị ứng, viêm đường hô hấp, viêm khớp, giúp khớp hoặc đang có bệnh về máu khác.
  • Bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp cũng có thể sử dụng thuốc để trị bệnh hiệu quả.
  • Người mắc các bệnh như hen phế quản, thiếu máu tan máu, giảm bạch cầu hạt, viêm loét đại tràng, lupus ban đỏ.
  • Hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư như leukemia cấp tính, u lympho, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt.
  • Tiamesolon 16 hiệu quả với bệnh nhân mắc hội chứng thận hư nguyên phát.

2.2. Chống chỉ định

Bất cứ ai quá mẫn với thành phần của thuốc đều không nên sử dụng loại thuốc này.

3. Liều dùng và cách dùng

Tùy thuộc việc sử dụng thuốc Tiamesolon 16 cho người lớn hay trẻ em mà liều dùng sẽ có những sự khác biệt nhất định.

Liều dùng Tiamesolon 16 cho người lớn:

  • Sử dụng thuốc với liều khởi đầu từ 4 – 48mg/ ngày, có thể dùng liều đơn hoặc chia liều tùy theo tình trạng bệnh.
  • Với trường hợp mắc xơ cứng rải rác có thể sử dụng với liều 160mg/ ngày x 1 tuần. Sau đó, hạ liều dùng còn 64mg, 2 ngày 1 lần x 1 tháng.
  • Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp dùng liều bắt đầu 4 – 6mg/ ngày, đợt điều trị cấp tính từ 16 – 32mg/ ngày sau đó giảm dần nhanh.
  • Với bệnh nhân mắc bệnh thấp nặng, sử dụng với liều 0.8mg/ kg/ ngày chia thành liều nhỏ, sau đó dùng một liều duy nhất hàng ngày.
  • Bệnh nhân có cơn hen cấp tính sử dụng với liều 32 – 48mg/ ngày, uống trong thời gian 5 ngày. Khi khỏi cơn cấp, liều dùng Tiamesolon 4 sẽ được giảm nhanh.
  • Với bệnh nhân viêm loét đại tràng mạn tính, đợt cấp nặng cần uống thuốc với liều 8 – 24mg/ ngày.
  • Người mắc hội chứng thận hư nguyên phát sử dụng liều khởi đầu 0.8 – 1.6mg/ kg trong 6 tuần, sau đó giảm liều trong 6 – 8 tuần.
  • Bệnh nhân mắc thiếu máu tan huyết do miễn dịch sử dụng với liều dùng 64mg/ ngày, trong 3 ngày và phải điều trị ít nhất trong 6 – 8 tuần.
  • Bệnh nhân mắc bệnh sarcoid sử dụng với liều 0.8mg/ kg/ ngày. Khi bệnh thuyên giảm có thể duy trì với liều 8mg/ ngày.

4. Tác dụng phụ

Trong quá trình sử dụng thuốc Tiamesolon 16, người bệnh có thể xuất hiện một số phản ứng dị ứng như khó thở, sưng mặt hoặc môi lưỡi hoặc miệng, phát ban.

Về cơ bản, những tác dụng phụ trên sẽ sớm biến mất ngay khi bạn ngừng dùng thuốc. Tuy nhiên, trong trường hợp xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng sau, bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ:

  • Gặp vấn đề về thị lực như giảm tầm nhìn.
  • Có các dấu hiệu sưng tấy cơ thể, tăng cân nhanh, có cảm giác khó thở.
  • Trầm cảm, suy nghĩ hoặc xuất hiện hành vi bất thường.
  • Đi ngoài có máu hoặc màu hắc ín, ho ra máu. Bệnh nhân xuất hiện cảm giác đau bụng trên và lan sang lưng, buồn nôn và nôn, tim đập nhanh.
  • Hạ kali máu dẫn đến lẫn lộn, tim đập không đều, đi tiểu nhiều, yếu cơ hoặc có cảm giác mềm nhũn chân.
  • Tăng huyết áp ác tính gây đau đầu, ù tai, mờ mắt, đau ngực, khó thở, co giật.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp một số tác dụng phụ hiếm gặp như:

  • Thay đổi rất ngủ như mất ngủ, ngủ không ngon giấc.
  • Trên da xuất hiện nhiều mụn trứng cá, có vết bầm tím hoặc đổi màu, da khô, mỏng.
  • Tổn thương trên da lâu lành, tăng tiết mồ hôi.
  • Buồn nôn, đau bụng, đầy hơi, đau đầu, chóng mặt, có cảm giác quay cuồng.
  • Thay đổi hình dạng hoặc tích tụ mỡ trên cơ thể đặc biệt ở cánh tay, chân, mặt, cổ, ngực, eo.

5. Tương tác thuốc

  • Tiamesolon 16 có khả năng tác động đến chuyển hóa đến các loại thuốc như ciclosporin, erythromycin, phenobarbital, phenytoin, carbamazepin, ketoconazol, rifampicin nên cần lưu ý khi sử dụng chung.
  • Phenytoin, phenobarbital, rifampicin và các thuốc lợi tiểu giảm kali huyết có thể làm giảm hiệu quả của thuốc Tiamesolon 16.
  • Tiamesolon có thể gây tăng glucose huyết, do đó cần dùng liều insulin cao hơn trong quá trình điều trị bệnh với cả hai loại thuốc này.

6. Thận trọng khi dùng

  • Thận trọng khi sử dụng Tiamesolon 16 ở những người bệnh loãng xương, người mới nối thông mạch máu, rối loạn tâm thần.
  • Bệnh nhân loét dạ dày, loét tá tràng, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim cũng cần được theo dõi khi dùng thuốc Tiamesolon.
  • Với người sử dụng thuốc trong thời gian dài, việc ngưng dùng Tiamesolon đột ngột có thể gây suy tuyến thượng thận cấp.
  • Khi dùng Tiamesolon với liều cao có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccin phòng một số bệnh.
  • Thận trọng khi dùng Tiamesolon cho phụ nữ mang thai, cho con bú.

Trên đây là một số thông tin về thuốc Tiamesolon 16. Người bệnh cần chú ý sử dụng thuốc đúng liều để nhận được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/cong-dung-thuoc-tiamesolon/