Thuốc trị thiếu máu não và rối loạn tiền đình

Hiện nay, tình trạng thiếu máu não và rối loạn tiền đình gặp khá phổ biến với những triệu chứng thường gặp như đau đầu, chóng mặt, ù tai, hoa mắt… Tuy nhiên, mỗi tình trạng bệnh cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định dùng các loại thuốc thích hợp nhằm đạt hiệu quả cũng như đảm bảo an toàn cho người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin các thuốc trị thiếu máu não và rối loạn tiền đình cho những ai đang gặp phải tình trạng này.

1. Đặc điểm bệnh thiếu máu não và rối loạn tiền đình

Thiếu máu não và rối loạn tiền đình là 2 bệnh có vị trị tác động tương đối giống nhau, cùng thuộc não bộ. Triệu chứng của 2 bệnh cũng đều gồm các biểu hiện chính là đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, nôn, khó tập trung, ảnh hưởng đến thị giác…

Điều quan trọng là người bệnh cần biết sự khác nhau giữa thiếu máu não và rối loạn tiền đình để lựa chọn phương pháp điều trị đúng đắn:

  • Thiếu máu não là tình trạng não không được cung cấp máu đầy đủ để hoạt động như bình thường. Nguyên nhân chủ yếu do xơ vữa động mạch mang máu đến nuôi dưỡng não, xuất hiện cục máu đông gây chèn ép mạch máu lên não, áp lực bơm máu lên não bị suy giảm, bệnh lý mỡ máu, dị dạng mạch máu não, huyết áp thấp, bệnh tiểu đường, u não và thoái hóa…Hậu quả là dẫn đến tình trạng suy giảm về chức năng điều khiển các hoạt động sống của cơ thể và có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng nhất là tổn thương không hồi phục của não. Vì vậy, điều trị tình trạng thiếu máu não cần tập trung vào việc gia tăng tuần hoàn máu đến não, bao gồm việc phòng ngừa việc tắc nghẽn và gia tăng lưu lượng máu bên trong thành mạch. Ngoài ra, người bệnh cũng nên được chỉ định cho việc bồi bổ và giúp hồi phục các tế bào não bị tổn thương.
  • Đối với rối loạn tiền đình, đây là hội chứng chứ không phải là bệnh, bao gồm tập hợp các triệu chứng rối loạn chức năng thăng bằng và khả năng di chuyển mắt của hệ thống tiền đình ở trung ương và hệ thống tiền đình ngoại vi.

Điều quan trọng là hội chứng rối loạn tiền đình có thể gây ra do mắc phải bệnh viêm dây thần kinh tiền đình hoặc có thể là do tình trạng thiếu máu não gây nên. Còn thiếu máu não là nguyên nhân chủ yếu gây ra các triệu chứng điển hình của hội chứng rối loạn tiền đình. Cả 2 tình trạng này đều tác động đến não và làm hủy hoại khả năng làm việc bình thường của tế bào não.

2. Thuốc điều trị thiếu máu não và rối loạn tiền đình

Khi mắc phải tình trạng thiếu máu não, rất nhiều người thắc mắc rằng nên dùng thuốc gì? Xuất phát từ cơ chế gây bệnh, với mục đích nhằm cải thiện tình trạng lưu thông máu đến tế bào não đầy đủ, các thuốc được chỉ định khá phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Thuốc Cinnarizin: Đây là chất đối kháng với Canxi, có khả năng gây ức chế các chất làm co tế bào cơ trơn ở thành mạch máu. Từ đó góp phần làm gia tăng lưu lượng máu lưu thông để cung cấp cho các tế bào não hoạt động như bình thường.
  • Thuốc Piracetam: Thuốc này giúp tăng cường quá trình chuyển hóa oxy và glucose lên não, giúp tế bào não có khả năng hoạt động hiệu quả hơn trong trường hợp thiếu oxy lên não. Bên cạnh đó, thuốc này còn có tác dụng làm thúc đẩy quá trình tổng hợp năng lượng, hỗ trợ quá trình phục hồi các tổn thương đã có sẵn trước đó ở não. Thuốc giúp cải thiện rõ rệt tình trạng hoa mắt, chóng mặt và suy giảm trí nhớ tạm thời khi mắc phải tình trạng thiếu máu não.
  • Thuốc Ginkgo Biloba: Loại thuốc này với công dụng giúp hỗ trợ cho quá trình chuyển hóa chất xảy ra tại tế bào não. Thuốc tác động có hiệu quả trong điều trị các triệu chứng hay gặp như đau đầu, cải thiện nhận thức và khả năng vận động. Đặc biệt thuốc có hiệu quả khá cao trong việc điều trị các di chứng về thần kinh do tai biến mạch máu não gây ra cho người bệnh.
  • Thuốc Cerebrolysin: Đây là một peptid dùng để tiêm hoặc truyền tĩnh mạch ngoại vi. Loại thuốc này thường được bác sĩ chỉ định cho người bệnh trong trường hợp khi người bệnh có tình trạng bị sa sút trí tuệ mà nguyên nhân do các bệnh lý ở não gây ra, hay các di chứng của bệnh lý đột quỵ do thiếu máu não.
  • Vitamin B, C và sắt: Người bệnh khi bị thiếu máu não cần bổ sung sắt giúp tăng cường lượng máy cho hệ thống tuần hoàn não. Việc bổ sung các vitamin B, C vừa giúp hỗ trợ chuyển hóa sắt vừa có tác dụng giúp hồi phục các tế bào não bị tổn thương trước đó.

Đối với trường hợp rối loạn tiền đình, triệu chứng chóng mặt là dấu hiệu thường gặp nhất.

Trong giai đoạn cấp, khi người bệnh đang gặp phải tình trạng chóng mặt, nôn mửa, mất thăng bằng tư thế cần:

  • Để người bệnh ở nơi phòng có ánh sáng dịu nhẹ, yên tĩnh.
  • Cho người bệnh nằm đầu thấp, tránh xoay lắc nhiều.
  • Dùng các thuốc chống nôn bằng đường tiêm tĩnh mạch.
  • Bù nước và điện giải bằng truyền tĩnh mạch ngoại vi.

Các thuốc dùng cho hội chứng tiền đình cần dùng tiếp theo hai nhóm thuốc sau:

Nhóm thuốc chóng mặt rối loạn tiền đình:

  • Thuốc kháng Histamin (như Promethazine, Diphenhydramine);
  • Thuốc Acetylleucine (như Tanganil), thuốc ức chế calci chọn lọc (như Flunarizine, Cinnarizine);
  • Thuốc an thần nhóm Benzodiazepin (như Diazepam, Valium).

Nhóm thuốc tăng tuần hoàn, tiền đình:

  • Thuốc Betahistin (như Serc, Betaserc);
  • Thuốc Piracetam (như Nootropyl, Piracetam);
  • Thuốc Almitrine – Raubasine (như Duxil, Vectarion);
  • Thuốc Ginkgo Biloba (như Tanakan).

Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế dùng các thực phẩm chế biến sẵn nhiều dầu mỡ, hạn chế dùng các chất kích thích như rượu, bia, hút thuốc lá, không quá lo lắng, căng thẳng. Đồng thời môi trường sống hàng ngày nên thông thoáng, mát mẻ, không quá ồn ào, có thể tập dưỡng sinh hay yoga để giúp máu huyết lưu thông tốt hơn là những biện pháp giúp cải thiện tình trạng thiếu máu não và rối loạn tiền đình.

Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp các thông tin hữu ích liên quan đến thuốc điều trị thiếu máu tuần hoàn và rối loạn tiền đình. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc bên ngoài. Điều này thực sự nguy hiểm đến sức khỏe cũng như có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/vi/thong-tin-duoc/su-dung-thuoc-toan/thuoc-tri-thieu-mau-nao-va-roi-loan-tien-dinh/